Như vậy, Trung ương xác định rất rõ vai trò, vị trí của công tác tuyên giáo (CTTG) nói chung, công tác tư tưởng (CTTT) nói riêng; đồng thời đặt ra yêu cầu rất cao về chất lượng CTTG, cũng như hiệu quả đổi mới mặt công tác này.
Đây là quan điểm xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với CTTG trong suốt 89 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của ngành tuyên giáo (1-8-1930 / 1-8-2019); đồng thời, cũng là đòi hỏi cấp bách, cần kíp từ thực tiễn.
Bám sát chủ trương đó, từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, vượt lên nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, ngành tuyên giáo cả nước đã không ngừng đổi mới, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình đó, CTTG cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc, hạn chế đặt ra. Từ phản ánh ở cơ sở và qua khảo sát ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, xin nêu lên một số băn khoăn, kiến nghị cần sớm được nhận diện, tập trung giải quyết góp phần nâng cao hiệu quả CTTG hiện nay.
1. Trước hết, phải mạnh dạn nêu lên một thực tế: Hiện nay, vẫn còn tình trạng một số cấp ủy và ngay cả những người làm CTTG có nhận thức chưa thống nhất về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của CTTG. Thậm chí còn có sự nhầm lẫn giữa CTTG với CTTT; CTTG với cơ quan tuyên giáo. Sự thiếu thống nhất này gây nhiều trở ngại trong nhận thức và thực hiện CTTG cũng như tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng nguồn lực tiến hành CTTG. Cùng với đó, ở nhiều nơi vẫn còn tình trạng phó thác, khoán trắng CTTT nói riêng, CTTG nói chung cho ngành tuyên giáo và đội ngũ cán bộ tuyên giáo (CBTG). Nhiều cán bộ công tác trong bộ máy chính quyền và tổ chức xã hội ở cơ sở hiện nay vẫn vô tư "đứng ngoài cuộc" và chưa nhận thức được trách nhiệm trong tham gia vào CTTG nói chung, công tác vận động, tuyên truyền, định hướng tư tưởng cho người dân nói riêng. Vì lẽ đó, một bộ phận cán bộ chưa tích cực tự học tập, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận, kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ tiến hành CTTG, nên khi có tình huống nảy sinh thì trở nên lúng túng, xử lý cảm tính. Cùng với đó, nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị cũng chưa phát huy hết vai trò, chưa dấn thân vào dòng chảy của CTTG. Nhận định về vấn đề này, Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ rõ trong nhiều văn bản: Sự phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp và các cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp chưa thường xuyên, liên tục, có lúc, có nơi thiếu chủ động, chưa chặt chẽ, nên công tác tuyên truyền còn hạn chế, chưa tạo được sự thống nhất cao trong tổ chức thực hiện hiệu quả một số chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nguyên nhân của thực tế này được xác định là do tâm lý xem nhẹ CTTG, mặc định và trông chờ sự chỉ đạo và phối hợp từ phía cơ quan tuyên giáo.
Thực tế này đòi hỏi ngành tuyên giáo phải sớm tham mưu, chỉ đạo để tạo nên các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị trong tham gia, tiến hành CTTG trước yêu cầu mới. Cần xác định công tác này có vị trí đặc biệt hệ trọng, thuộc trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã răn dạy: “Toàn Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí mới làm tròn nhiệm vụ của Đảng”.
2. Vấn đề thứ hai mà cơ sở bày tỏ băn khoăn, chính là tình trạng huy động nhân lực, nhân sự tiến hành CTTG hiện nay còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Thực tiễn cho thấy: CBTG cơ sở có vai trò đặc biệt đối với chất lượng CTTT nói riêng, CTTG nói chung. Họ vừa là hạt nhân, vừa là gốc rễ bám vào dân, gần dân, sát dân, lắng nghe dân; nói dân hiểu, làm dân tin. Chỉ cán bộ cơ sở mới có đủ khả năng, kinh nghiệm, điều kiện bám nắm, kịp thời phát hiện những biểu hiện tư tưởng tiêu cực, những vấn đề nảy sinh từ lúc "phôi thai" để chủ động phòng ngừa, kịp thời uốn nắn, định hướng, giải quyết; không để phát triển thành "dị tật" của bệnh tư tưởng và "ngòi châm" cho những điểm nóng dư luận. Ấy vậy mà, thời gian qua, do nhiều yếu tố chi phối, đội ngũ CBTG cấp xã hiện nay chủ yếu kiêm nhiệm, hoặc bán chuyên trách. Hơn nữa, việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương về tinh giản biên chế ở cấp xã, phường, thị trấn và các cấp trực thuộc tác động không nhỏ đến số lượng, chất lượng và tâm lý, tư tưởng, tình cảm của đội ngũ CBTG ở cơ sở.
Đáng nói là ở nhiều nơi, do CBTG yếu hoặc do thiếu CBTG đã dẫn đến tình trạng buông lỏng, xem nhẹ CTTG. Hệ lụy là người dân thiếu hiểu biết về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước. Có nơi vì thiếu thông tin chính thống, nên người dân dễ rơi vào hoang mang, dao động, tầm nhìn phiến diện, dễ bị các lực lượng thù địch, chống phá lôi kéo, mua chuộc hoặc lợi dụng thực hiện các mưu đồ chính trị xấu xa. Nhận rõ thực tế đó, nhiều năm qua, ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, nơi hệ thống chính trị mỏng, thiếu cán bộ, các cơ quan, đơn vị LLVT đã coi trọng việc tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động đồng bào; biên chế cán bộ vận động quần chúng trong Bộ đội Biên phòng; cắt cử cán bộ nằm vùng, tăng cường sĩ quan, QNCN tham gia đảm nhiệm một số vị trí công tác ở cấp thôn, xã... Việc làm đó bước đầu giải quyết một phần khó khăn trước mắt, góp phần tăng cường số lượng CBTG, nâng cao hiệu quả CTTG ở cơ sở, nhưng đây hoàn toàn chưa phải là giải pháp căn cơ, bài bản.
Mong rằng, các cấp ủy, người đứng đầu và cơ quan chức năng nhìn nhận thật đúng, đủ hơn về vị trí, vai trò đội ngũ cán bộ chuyên trách làm CTTG ở cơ sở. Trong khi nhất quán chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 và Trung ương 7 (khóa XII), thì phải đồng thời kết hợp, coi trọng lựa chọn, luân chuyển cán bộ, ưu tiên con người chất lượng cao cho ngành tuyên giáo ở cơ sở. Cùng với đó, cơ quan có thẩm quyền sớm nghiên cứu, bổ sung các chế độ, chính sách thụ hưởng thỏa đáng cho đối tượng cán bộ này, giúp họ yêu nghề, toàn tâm, toàn ý với cương vị, chức trách được giao. Đồng thời, các cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm CTTG, bảo đảm CBTG được đào tạo bài bản, chính quy, trung thành, phát triển thông qua hoạt động thực tiễn sôi động để đáp ứng nhiệm vụ.
3. Một vấn đề mà đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp hiện nay đặc biệt quan tâm; cũng được một số đại biểu nêu chính kiến, bày tỏ băn khoăn tại buổi làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước) với Ban Tuyên giáo Trung ương (ngày 1-8-2018), đó là vấn đề nguồn lực nói chung, ngân sách bảo đảm nói riêng để ngành tuyên giáo hoạt động thuận tiện, hiệu quả trước tác động của CMCN 4.0
Thực tiễn cách mạng cho thấy, trong chiến tranh và một số giai đoạn cách mạng, việc ưu tiên ngân sách cho CTTG và ngành tuyên giáo luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của quốc gia. Chính nhờ đó mà CTTG liên tục gặt hái những thành công đặc biệt to lớn, góp phần để nhân tố chính trị tinh thần trở thành nguồn sức mạnh to lớn, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Ngày nay, trước tác động của CMCN 4.0, tình hình thế giới, khu vực, đất nước đặt ra nhiều yêu cầu cấp thiết phải nâng cao hiệu quả CTTG; nhất là chất lượng công tác đấu tranh trên lĩnh vực chính trị tư tưởng; đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá trên nhiều lĩnh vực, nhất là sử dụng công nghệ cao, mạng xã hội, internet chống phá Đảng, Nhà nước. Đồng nghĩa với đó, từ Trung ương đến cơ sở phải nhất quán chủ trương dành nhiều sự quan tâm hơn nữa, nhất là ưu tiên các nguồn lực, phân bổ ngân sách cho các nhiệm vụ, các lĩnh vực hoạt động của CTTG.
Thế nhưng, một thực tế đáng ngại là: Ở nhiều cấp lãnh đạo và người đứng đầu vẫn mặc định tư duy, dành sự ưu tiên nguồn lực có thể; dồn ngân sách, kinh phí cho các dự án, công trình, chương trình, đề án kinh tế; chăm lo nhiều hơn đến cơ sở hạ tầng mà ít chú ý đến việc "đầu tư" phát triển, hoàn thiện kiến thức thượng tầng. Các vấn đề tư tưởng, giải quyết tư tưởng, tâm lý xã hội và hàng loạt lĩnh vực hoạt động của CTTG khi đề xuất phân bổ ngân sách, đầu tư kinh phí... thường được cấp có thẩm quyền cân nhắc "để lại sau" vì chưa được đánh giá đúng về tầm mức, vị trí, hoặc chưa dự báo, nhận diện đầy đủ tác hại nếu không giải quyết kịp thời, thấu đáo. Vì vậy, ngân sách cho CTTG chưa tương xứng với đòi hỏi thực tiễn và càng ở cấp thấp thì ngân sách bảo đảm càng ít và gặp nhiều khó khăn. Do đó, ý kiến của nhiều cán bộ, người dân hiện nay là cần sớm thay đổi tư duy; nghiêm túc nhận thức lại, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo dành nguồn lực và ngân sách tương xứng với vai trò, vị trí và tính chất của CTTG hiện nay.
Theo đó, việc đầu tiên cần tập trung nguồn lực, ngân sách cho CTTG hiện nay, chính là phải “số hóa” CTTT, hiện đại hóa đội ngũ CBTG và phương thức, phương tiện tiến hành CTTG. CBTG từ cấp nhỏ nhất phải có kiến thức công nghệ thông tin, có trình độ quản trị mạng, biết cách phân tích, xử lý tư tưởng, tâm lý, dư luận xã hội trên không gian mạng. Vì lẽ đó, CBTG rất cần được trang bị đồng bộ, đầy đủ phương tiện, trang thiết bị làm việc theo hướng hiện đại.
4. Vấn đề tiếp theo được đặt ra chính là ngành tuyên giáo và CTTG phải phát huy nhiều hơn nữa tính chủ động, đi trước, đón đầu để dự báo, nắm bắt tư tưởng, tâm lý xã hội trong thời buổi xã hội số. Nói về vấn đề này, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương từng thẳng thắn chỉ rõ: Công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng, dư luận xã hội có lúc chưa kịp thời; chưa đầu tư nhiều cho việc nghiên cứu, phân tích, dự báo xu hướng, chưa gắn nghiên cứu với định hướng sát, đúng, tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền xử lý các vấn đề phức tạp, vấn đề mới phát sinh ngay từ cơ sở.
Để khắc phục hạn chế đó, cùng với việc tập trung làm tốt công tác dự báo, chủ động tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra, ngành tuyên giáo và CTTG phải dự báo được những vấn đề cụ thể có thể nảy sinh để "đi tắt, đón đầu" trong tuyên truyền, giáo dục, định hướng, vận động, đấu tranh. Khi CTTG đi trước theo đúng nghĩa, giúp người dân hiểu rõ, hiểu đúng chủ trương, đường lối của Đảng và các vấn đề thực tiễn khách quan thì đương nhiên sẽ dập tắt mọi "ngòi nổ" của sự kích động, chống phá từ các lực lượng thù địch; tạo sự đồng thuận to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực tế đó đòi hỏi ngành tuyên giáo phải là lực lượng đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ. Ngành tuyên giáo phải xung kích, mở đường để đưa một quốc gia đang phát triển năng động như Việt Nam, tiềm lực con người Việt Nam vô cùng to lớn có thể đón bắt cuộc CMCN 4.0. Sớm hiện đại hóa hoạt động trong tất cả các lĩnh vực tuyên giáo để đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.
Cùng với đó, CTTG phải tiếp tục tăng cường và nêu cao tính chiến đấu. Tinh thần này thể hiện trước hết ở chỗ, ngành tuyên giáo phải giương cao ngọn cờ chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Đồng thời, CTTG phải là mũi xung kích đi đầu, nêu cao dũng khí cách mạng, quyết liệt đấu tranh, trí tuệ và sáng tạo triển khai các phương án tác chiến, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của chiến lược “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm lăng, xâm lấn về hệ tư tưởng chính trị trong điều kiện xã hội số.
NGUYỄN TẤN TUÂN