Qua hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhất là sau hơn 10 năm triển khai thực hiện cụ thể hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW và hơn 3 năm triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được thành tựu khá toàn diện và to lớn. Thông qua các nhóm giải pháp, Đảng ta đã khẳng định sự thống nhất cao về nhận thức, ý chí; xác định rõ mục tiêu, đề ra nhóm giải pháp và tập trung chỉ đạo trong cả hệ thống để đưa tam nông bứt phá. Nổi bật nhất là Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
1. Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, giai đoạn 2010-2020 theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ được xem là chương trình kinh tế-xã hội tổng hợp nhất, thể hiện sự hành động quyết liệt để thực hiện cho được tinh thần của Nghị quyết 26. Chương trình đã lượng hóa thế nào là NTM bằng 19 nhóm tiêu chí xuyên suốt; đó vừa là thước đo, vừa là tiêu chuẩn phấn đấu và vừa là tiêu chí giám sát. Nghị quyết 26 nói chung, Chương trình NTM nói riêng rất trúng, hợp lòng dân. Sau hơn 9 năm thực hiện, chương trình đã thực sự trở thành cao trào sâu rộng, là chương trình của toàn dân, vì nhân dân và được cả hệ thống chính trị quan tâm chăm lo.
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM vừa được tổ chức đã đưa ra những con số rất đáng tự hào. Đến tháng 10-2019, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%), 109 huyện và 8 tỉnh, thành phố có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM, vượt 2,4% so với mục tiêu 10 năm (2010-2020) của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao. Không chỉ cán đích trước về số lượng mà chất lượng các tiêu chí NTM rất đảm bảo; trung bình cả nước đạt 15,32/19 tiêu chí NTM, không còn xã dưới 5 tiêu chí và các địa phương đã cơ bản giải quyết được nợ đọng xây dựng cơ bản...
 |
Đã có nhiều địa phương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh minh họa/baoxaydung.com.vn |
Cùng với huy động mọi nguồn lực trong xây dựng NTM, Chính phủ đẩy mạnh các giải pháp lớn nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của ngành nông nghiệp và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Từ một nước phải nhập khẩu lương thực, đến nay, sản lượng lương thực của cả nước đạt khoảng 45 triệu tấn thóc/năm, không những đủ cung cấp cho 100 triệu dân mà đã vươn lên trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Đặc biệt, sau hơn 6 năm (2013-2019) thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả rõ nét, tạo chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn.
Những năm qua, ngành nông nghiệp đã duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao, cơ cấu cây trồng vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực. Trong giai đoạn 2013-2018, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt mức khá, 2,55%/năm, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,41%/năm; tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành tăng từ 64,7% năm 2013 lên gần 80% năm 2018. Nông, lâm, thủy sản của Việt Nam hiện đã có mặt ở gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch xuất khẩu 5 năm qua đạt gần 160 tỷ USD, tăng 51,2% so với giai đoạn trước; tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD... Năng lực cạnh tranh, uy tín và thương hiệu của nông sản Việt Nam tiếp tục được nâng cao trên thị trường quốc tế.
Những thành tựu về tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM đều không nằm ngoài mục đích nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân. Với sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, diện mạo nông thôn Việt Nam và đời sống của nông dân đã được thay đổi căn bản, toàn diện. Các thiết chế hạ tầng phục vụ đời sống, phục vụ sản xuất, như: Điện, đường, trường, trạm... từng bước được hoàn thiện, nâng cao. Đến nay, 100% các xã, 99% thôn, bản, hộ gia đình có điện lưới quốc gia. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Nghị quyết 26 đặt ra mục tiêu đến năm 2020, thu nhập của dân cư nông thôn tăng gấp hơn 2,5 lần so với thời điểm nghị quyết được ban hành. Đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đã đạt 35,4 triệu đồng/người, tăng 3,4 lần so với năm 2008, vượt chỉ tiêu trước 2 năm so với Nghị quyết 26 đề ra...
2. Dù đạt nhiều thành tựu quan trọng, nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở nước ta vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để. Năm 2019, dân số cả nước đã đạt hơn 96 triệu dân, đứng thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á, nhưng trong số đó có tới 65,6% người dân sống ở khu vực nông thôn, miền núi. Thu nhập và đời sống của nhân dân khu vực này nhìn chung còn thấp. Năm 2018, thu nhập của nông dân chỉ bằng 78% so với bình quân chung của cả nước, chênh lệch thu nhập giữa các hộ nông dân có xu hướng gia tăng. Mục tiêu của Chương trình NTM là giảm khoảng cách giữa các vùng, miền, nhưng tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn khá cao, cao gấp 4 lần ở thành thị trong năm 2018...
 |
Nhiều địa phương đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, giảm sức lao động cho người nông dân. Ảnh minh họa:kinhtedothi.vn. |
Những năm gần đây, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp. Theo kịch bản biến đổi khí hậu đến năm 2100, nhiệt độ trung bình tăng 2-3 độ C; nước biển dâng 1 mét; thay đổi quy luật lượng mưa từ 10-15%... Việt Nam là một trong 5 nước bị ảnh hưởng lớn nhất từ biến đổi khí hậu, và ngành nông nghiệp chịu tổn thương nhiều nhất. Mặt khác, những hạn chế, yếu kém nội tại của nền sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết là điểm yếu lớn trong sản xuất nông nghiệp vẫn tồn tại; cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn nhiều yếu kém, tiếp tục là thách thức lớn để thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Trong quá trình phát triển, ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc (nhiều năm tăng trưởng thấp hơn mục tiêu 3,5-4% như Nghị quyết Trung ương 7, Khóa X đề ra). Những yếu kém nội tại mặc dù đã được khắc phục, nhất là từ khi thực hiện đề án tái cơ cấu ngành, nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế...
3. Trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, tam nông vẫn luôn giữ vai trò, vị trí chiến lược, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giữ vững và ổn định chính trị, như cha ông ta đã đúc kết từ ngàn đời qua “phi nông bất ổn”. Bởi vậy, các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình CNH, HĐH đất nước. Xây dựng NTM gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản; phát triển toàn diện, HĐH nông nghiệp là then chốt. Đặc biệt, trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm và vai trò là chủ thể của quá trình phát triển, tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như xây dựng NTM.
Những năm qua, thành công lớn nhất trong phát triển tam nông không chỉ nằm ở những con số như đã đề cập ở trên mà còn từ việc thay đổi được nhận thức, tư duy trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Tam nông không còn là chỗ yếu, cần hỗ trợ mà coi đây vừa là thế mạnh, vừa là mục tiêu lâu dài. Bởi vậy, những năm tiếp theo cần tiếp tục duy trì thế mạnh, lợi thế này trong tiến trình phát triển và hội nhập; đưa nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế và nông thôn phải là miền quê đáng sống, thực sự xanh, sạch, đẹp và bản sắc.
Trong những năm tiếp theo, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là cần tiếp tục thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Để làm được điều này đòi hỏi rất nhiều các giải pháp đồng bộ, như: Đẩy mạnh liên kết hộ sản xuất, hình thành các hợp tác xã liên kết theo chuỗi giá trị; ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh CNH nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao; phát triển mạnh công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị hàng hóa và tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để tạo ra đột phá, chuyển biến trên thực tế trong quá trình tái cơ cấu. Đặc biệt, trước những thách thức to lớn từ biến đổi khí hậu, cần huy động tối đa các nguồn lực về ngân sách, trí tuệ, khoa học và công nghệ để biến những thách thức thành cơ hội cho ngành nông nghiệp bứt phá.
Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM vẫn là chương trình lớn cần tiếp tục được duy trì, đặc biệt phải nâng cao chất lượng và quy mô. Kinh nghiệm từ nhiều địa phương cho thấy, để đạt đủ các tiêu chí NTM không phải là nhiệm vụ "bất khả thi", nhưng cái khó là duy trì được các tiêu chí này. Do vậy, các địa phương, vùng miền phải đánh giá thực chất những mặt còn tồn tại, hạn chế; đặc biệt phải có tầm nhìn dài hạn về diện mạo của nông thôn Việt Nam trong 10-20 năm tới; phải mạnh dạn, quyết tâm và dám đặt mục tiêu cao hơn. Đời sống vật chất, tinh thần, thu nhập của người dân nông thôn phải từng bước được nâng lên, ngang bằng với người dân ở khu vực thị thành. Để đạt được mục tiêu này, cần sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết tâm chính trị rất lớn của cấp ủy, chính quyền các địa phương.
Những thành tựu của chương trình xây dựng NTM chính là biểu hiện sinh động, khẳng định thành công của Đảng ta khi biết huy động và phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân. Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã căn dặn “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”... Để khơi dậy và phát huy sức mạnh, nguồn lực to lớn trong nhân dân, Đảng, Chính phủ cần tiếp tục duy trì những chủ trương, chính sách để khoan thư sức dân.
Người nông dân Việt Nam bao đời nay luôn siêng năng, cần cù trên đồng ruộng quê hương để làm ra những hạt lúa-hạt vàng trên những tấc đất, tấc vàng. Tuy nhiên, trong xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) hiện nay, người nông dân với vị trí là trung tâm của tam nông, giữ vai trò là chủ thể của quá trình phát triển phải là những người làm chủ, nắm bắt được cơ hội từ cuộc cách mạng này. Do vậy, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần sớm xây dựng chương trình, kế hoạch để đưa những thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào nông nghiệp, đưa về nông thôn và đưa tới người nông dân. Đó cũng là giải pháp hữu hiện để sớm hiện thực hóa mục tiêu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao (nông nghiệp 4.0), nông thôn 4.0 và những người nông dân 4.0.
TRẦN MINH MẠNH