Nghị quyết số 06-NQ/TW xác định hội nhập KTQT là trọng tâm của hội nhập quốc tế; hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập KTQT. Hội nhập KTQT là sự nghiệp của toàn dân; doanh nhân, doanh nghiệp, đội ngũ trí thức là lực lượng đi đầu...
Tiến trình chủ động, tích cực hội nhập KTQT của đất nước nói chung và khu vực phòng thủ (KVPT) nói riêng ngày càng phát triển sâu rộng, đạt nhiều kết quả, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Hội nhập KTQT trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, làm tăng sức mạnh tổng hợp của KVPT; mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tranh thủ được khối lượng lớn vốn đầu tư, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý và các nguồn lực quan trọng khác; tạo thêm nhiều việc làm; các doanh nghiệp Việt Nam và đội ngũ doanh nhân có điều kiện học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu tri thức và có bước phát triển đáng kể...
 |
Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn |
Tính đến tháng 5-2018, trên cả nước có 328 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) được thành lập, thu hút hơn 120 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và giải quyết việc làm cho hơn 3 triệu lao động. Riêng trong năm 2017, các KCN, KCX đóng góp hơn 2 tỷ USD vào ngân sách Nhà nước, 110 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, cả nước có thêm 625 cụm công nghiệp, tổng diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch của các cụm công nghiệp đang hoạt động là 19.000ha, thu hút hơn 10.000 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 137.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 538.000 lao động. Các cụm công nghiệp có những đóng góp nhất định vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy phát triển các làng nghề địa phương.
Tuy nhiên, hợp tác KTQT ở nhiều vùng, địa phương còn không ít bất cập, hiệu quả thấp. Công tác quy hoạch và chất lượng quy hoạch các KCN, KCX chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, còn mang tính cục bộ, mới chỉ chú trọng lợi ích của địa phương, chưa tính tới yếu tố liên kết vùng, ngành và lợi thế, tiềm năng của địa phương, của vùng. Tỷ lệ cho thuê đất tại các KCN, cụm công nghiệp thấp, còn nhiều dự án treo, gây lãng phí tài nguyên.
Nhận thức về hợp tác KTQT của một số địa phương trong KVPT có mặt còn hạn chế. Nhận thức về mối tương quan giữa lợi ích kinh tế, tăng trưởng kinh tế và văn hóa, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh (QPAN) của một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ chủ trì chưa đầy đủ. Đặc biệt, ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đơn vị, tổ chức kinh tế còn nhiều hạn chế, cá biệt còn có trường hợp vì lợi ích kinh tế, bất chấp lợi ích về QPAN, như phá rừng để xây dựng các công trình kinh doanh, trồng cây công nghiệp; xâm hại các công trình QPAN; không tuân thủ quy trình thẩm định về QPAN đối với các dự án kinh tế...
Việc phát triển KCN chưa gắn kết với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nhiều KCN được thành lập nhưng thu hút đầu tư kém, sản phẩm làm ra nghèo nàn, không tương xứng với quy hoạch. Việc đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư còn nhiều bất cập, dẫn đến khiếu kiện kéo dài, dễ bị các thế lực thù địch, những kẻ bất mãn chính trị lợi dụng để lôi kéo, kích động người dân biểu tình, gây mất ổn định xã hội, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài... Công tác quản lý môi trường trong các KCN, cụm công nghiệp còn bộc lộ nhiều bất cập. Các quy định về bảo vệ môi trường thường xuyên thay đổi khiến doanh nghiệp lúng túng trong thực hiện; công tác xây dựng, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và giám sát môi trường các cơ sở sản xuất còn gặp nhiều khó khăn...
Để đáp ứng yêu cầu không ngừng đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong KVPT trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, mà trước hết phải làm tốt công tác quy hoạch trong xây dựng các KCN, cụm công nghiệp. Cùng với đó, trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế phải gắn kết chặt chẽ với kết cấu hạ tầng của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Gắn xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế với xây dựng các công trình phòng thủ, các thiết bị chiến trường, các công trình phòng thủ dân sự. Phải bảo vệ, bảo tồn các địa hình, địa vật, các khu vực có giá trị về phòng thủ khi bố trí các cơ sở sản xuất, các công trình kinh tế, phê duyệt dự án đầu tư nước ngoài. Khắc phục tình trạng chỉ chú ý quan tâm đến lợi thế, hiệu quả kinh tế trước mắt mà quên đi nhiệm vụ QPAN và ngược lại khi bố trí các KVPT, các công trình quốc phòng, chỉ chú ý đến các yếu tố bảo đảm QPAN mà không tính đến lợi ích kinh tế.
Trong quá trình xây dựng các KCN, cụm công nghiệp phải có sự gắn kết với quy hoạch xây dựng lực lượng QPAN, các tổ chức chính trị, đoàn thể ngay trong các tổ chức kinh tế đó. Lựa chọn đối tác đầu tư, bố trí xen kẽ, tạo thế đan cài lợi ích giữa các nhà đầu tư nước ngoài trong các KCN, khu kinh tế, KCX.
Việc xây dựng, phát triển kinh tế trong KVPT phải đáp ứng nhu cầu dân sinh cả trong thời bình và khi chiến tranh xảy ra. Kết hợp phát triển kinh tế tại chỗ với xây dựng căn cứ hậu phương của từng vùng kinh tế trọng điểm để sẵn sàng chủ động di dời, sơ tán đến nơi an toàn khi có tình huống chiến tranh xâm lược.
Xây dựng các phương án bảo vệ an ninh, chính trị thời bình và phương án sẵn sàng chiến đấu khi chiến tranh xảy ra. Về QPAN, mỗi vùng kinh tế thường nằm trong các KVPT và phòng thủ then chốt của đất nước, nơi có nhiều đối tượng, mục tiêu quan trọng phải bảo vệ; đồng thời cũng là nơi nằm trên các hướng có khả năng là hướng tiến công chiến lược chủ yếu trong chiến tranh xâm lược của địch; hoặc đã và đang là địa bàn trọng điểm để các thế lực thù địch thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ với nước ta. Vì vậy, phải thực hiện thật tốt việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường QPAN trong KVPT.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về môi trường theo hướng ổn định; nghiên cứu, lược bỏ những quy định không phù hợp, xa rời thực tế, hạn chế quy định mang tính thủ tục hành chính không cần thiết, giảm phiền hà cho các nhà đầu tư nhưng vẫn bảo đảm quản lý môi trường chặt chẽ, hiệu quả. Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát môi trường có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết dứt điểm những nội dung, vấn đề nóng, bức xúc về môi trường, thông qua đó cập nhật những quy định mới về bảo vệ môi trường, hướng dẫn cho các địa phương, doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về môi trường, xử lý nghiêm các vi phạm gây ô nhiễm môi trường...
Thạc sĩ VŨ VĂN KHANH