Công tác cán bộ (CTCB) có nhiều khâu, trong đó đánh giá cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa hết sức quan trọng để thực hiện các khâu của CTCB. Bởi chỉ có đánh giá đúng phẩm chất, năng lực của cán bộ, mới tạo cơ sở vững chắc cho việc tuyển chọn, quy hoạch, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ một cách chính xác, khách quan; bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp với năng lực và nhiệm vụ.  

Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong đánh giá cán bộ, theo đó: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ, nhưng chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục”. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng khẳng định: “Đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ”.

Đánh giá đúng cán bộ là công việc khó khăn, phức tạp, song để xây dựng ĐNCB bố trí, sử dụng đúng cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới thì nhất thiết phải tiến hành nghiêm túc và thực chất phần việc này.

Để góp phần thực hiện tốt khâu quan trọng là đánh giá cán bộ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; ban hành Quy định số 08-QĐi/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Bộ Chính trị, Ban Bí thư (BCT, BBT); đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc bổ sung, sửa đổi và ban hành mới nhiều quy định, quy chế, kết luận, quy trình… nhằm từng bước hoàn thiện thể chế về CTCB để thực hiện, như: Quy định số 89-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, khung tiêu chí đánh giá đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định số 90-QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý; Quy định số 105-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử…

Tại Hội nghị Trung ương 9, khóa XII (từ ngày 25 đến 26-12-2018), cùng với việc giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành (BCH) Trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026,  BCH Trung ương đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên BCT, Ủy viên BBT khóa XII. Đây là việc làm thường xuyên theo nhiệm kỳ 5 năm hai lần, giúp các đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm thấy mức độ tín nhiệm của mình, tiếp tục phát huy những ưu điểm, kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót để phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Đồng thời, đây cũng là một kênh tham khảo quan trọng để giúp BCT có cơ sở nhận xét, đánh giá cán bộ được khách quan, chính xác hơn.

Việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên BCT, Ủy viên BBT được dư luận xã hội bày tỏ sự đồng thuận, hoan nghênh, ủng hộ, bởi làm tốt phần việc này không chỉ giúp cơ quan đầu não Trung ương của Đảng tự chỉnh đốn, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động mà còn gửi đi tín hiệu niềm tin đến toàn xã hội về một Đảng cầm quyền luôn tự đổi mới, chỉnh đốn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng.

Đây không phải là lần đầu BCH Trung ương lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên BCT, Ủy viên BBT, mà đã được BCH Trung ương khóa XI tiến hành và đạt kết quả tích cực tại Hội nghị Trung ương 10, khóa XI (tháng 1-2015). Kết quả có người tín nhiệm cao, người tín nhiệm chưa cao, đã phản ánh tính nghiêm túc, trách nhiệm trong tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Trung ương. Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm được xem là giải pháp hữu hiệu giúp mỗi thành viên BCT, BBT thấy rõ mức độ tín nhiệm của mình, để tự soi lại mình và có hướng sửa chữa, khắc phục, phấn đấu không ngừng để ngày càng xứng đáng hơn với cương vị, chức trách mà Đảng và nhân dân giao phó.

Tại các buổi tiếp xúc cử tri ở TP Hà Nội mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ rõ: "Lấy phiếu không phải để truy trách nhiệm hay thay đổi cán bộ ngay mà việc lấy phiếu cốt là để cán bộ thấy sai để sửa, thấy khuyết điểm để rút kinh nghiệm, thế mới tốt và nhân văn”.

Để có những cán bộ ở vị trí Ủy viên BCT, Ủy viên BBT, Đảng ta phải trải qua quá trình đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và qua rất nhiều quy trình để xem xét, đánh giá. Cùng với đó, bản thân từng đồng chí không ngừng nỗ lực phấn đấu để đạt những tiêu chí Trung ương đặt ra đối với Ủy viên BCT, Ủy viên BBT. Đó cũng là cách mỗi người phấn đấu trở thành những cán bộ mẫn cán, tài năng, gương mẫu tiêu biểu trong toàn Đảng và được nhân dân tin yêu, tín nhiệm. Thực tế cho thấy, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, tập thể BCT, BBT thực sự là tập thể tiêu biểu về tinh thần đoàn kết, sáng tạo, cùng BCH Trung ương Đảng lãnh đạo toàn Đảng và xã hội gặt hái nhiều thành công trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội; nhất là những bứt phá trong phát triển kinh tế, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững quốc phòng, an ninh; nâng cao vị thế, uy tín của Đảng và đất nước trên trường quốc tế.

 Trước yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới, việc đánh giá cán bộ, nhất là cán bộ chiến lược, cán bộ cấp cao, là hết sức cần thiết. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiến hành thường xuyên hơn, trong đó việc lấy phiếu tín nhiệm là cách làm hiệu quả. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là một kênh thông tin giá trị giúp các đồng chí Ủy viên BCT, Ủy viên BBT, lãnh đạo Đảng, Nhà nước… kiểm nghiệm, nhìn nhận lại mình. Thực tế, cùng với việc tổ chức tự kiểm điểm, tự phê bình, tự đánh giá, cần có sự đánh giá của tập thể đối với các đồng chí Ủy viên BCT, Ủy viên BBT để bảo đảm tính khách quan, toàn diện, trung thực. Đồng chí nào được phiếu tín nhiệm cao thì đó là sự động viên, là phần thưởng đối với họ. Đồng chí nào chưa thật xuất sắc, phiếu tín nhiệm chưa được cao thì đây cũng là dịp để “tự soi, tự sửa” nghiêm túc.

Thực tế cho thấy, qua 3 lần Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn; cũng như lần bỏ phiếu tín nhiệm Ủy viên BCT, Ủy viên BBT khóa XI, cho thấy: Những cán bộ ở lần bỏ phiếu trước tín nhiệm không cao, nhưng sau đó đã quyết tâm khắc phục khuyết điểm, nỗ lực thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao, thì kết quả ở lần lấy phiếu sau, mức độ tín nhiệm đối với họ cao hơn. Đó cũng chính là mục đích quan trọng của việc lấy phiếu tín nhiệm.

Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng cho thấy: Đảng ta luôn nêu cao tinh thần quyết liệt, công tâm trong công tác đánh giá cán bộ, dù ở vị trí nào, làm gì thì cơ chế của Đảng cũng luôn bảo đảm sự giám sát, kiểm soát, giúp cán bộ tiến bộ, phát triển, trưởng thành.

Điều 11 về sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm theo Quy định số 262-QĐ/TW, ngày 8-10-2014 của BCH Trung ương về việc lấy phiếu tín nhiệm với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, nêu rõ: Kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để tham khảo trong đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Những người có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp cần được xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn khi rà soát, bổ sung quy hoạch và xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp. Còn những người có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên cần kịp thời xem xét, nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Việc lấy phiếu tín nhiệm là căn cứ quan trọng để cơ quan chức năng nhận xét, đánh giá cán bộ; là một kênh quan trọng giúp Trung ương Đảng, BCT có thêm thông tin để đánh giá, bố trí cán bộ chiến lược, cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước trong thời gian tới. Đây cũng là minh chứng sinh động, khẳng định sự nêu gương thiết thực của tập thể BCT và từng đồng chí Ủy viên BCT, Ủy viên BBT tự nguyện thực hiện nghiêm nguyên tắc, quy định của Đảng; chịu sự giám sát, đánh giá của tập thể BCH Trung ương và toàn xã hội về năng lực, trình độ, phẩm chất và kết quả hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị công tác mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc BCH Trung ương tổ chức nghiêm túc, thực chất việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Ủy viên BCT, Ủy viên BTT chính là việc làm gương để các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị và tổ chức chính trị nhận thức rõ hơn vai trò, ý nghĩa, nắm chắc quy trình và có thái độ, trách nhiệm cao hơn, nghiêm túc hơn khi thực hiện phần việc hệ trọng này. Nếu làm tốt, chắc chắn chất lượng đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ nói riêng, CTCB nói chung, sẽ có chuyển biến tích cực, hiệu quả, thực chất.

ĐỨC HÀ - NGUYỄN ANH