Từ đó, Đảng ta đặt ra yêu cầu phải thành lập các ban chỉ đạo PCTN Trung ương và địa phương đủ mạnh, có thực quyền, hoạt động có hiệu quả. Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội X của Đảng, tại Hội nghị Trung ương 3, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí. Đây là lần đầu tiên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành một nghị quyết có nội dung chuyên đề về PCTN, lãng phí. Trên cơ sở phân tích, đánh giá một cách thẳng thắn, toàn diện, không né tránh về thực trạng PCTN, lãng phí, đặc biệt là phần thiếu sót, khuyết điểm, nguyên nhân để từ đó đề ra mục tiêu, quan điểm chỉ đạo cụ thể trong công tác PCTN.
 |
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN |
Các văn kiện Đại hội XI, XII của Đảng cũng đều đề cập đến tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là một trong những nguy cơ chưa được đẩy lùi. Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu rõ: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi. Từ đó, Đảng ta đặt ra nhiệm vụ trọng tâm thứ hai là: “Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh PCTN, lãng phí, quan liêu”.
Trên cơ sở nghị quyết của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư đã cụ thể hóa quan điểm, chủ trương về PCTN thành các quy định cụ thể về những điều đảng viên không được làm; về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; về xây dựng và chỉnh đốn Đảng… Tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và thông qua quy định trách nhiệm nêu gương, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Theo đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức; tặng quà, nhận quà vì vụ lợi...
Như vậy, các quan điểm, chủ trương PCTN thường xuyên được Đảng ta nhắc tới trong các văn kiện với mục tiêu biến việc PCTN trở thành công việc thường xuyên, liên tục, hằng ngày.
Trên cơ sở các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng trong công tác PCTN, Quốc hội đã thể chế hóa thành những quy định pháp luật về PCTN. Từ các văn bản riêng lẻ do Chính phủ và các bộ, ngành ban hành để triển khai thực hiện sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PCTN, Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Chống tham nhũng vào năm 1998, ban hành Luật PCTN năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2007, 2012) và mới đây nhất, tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật PCTN năm 2018 nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng được nêu ra tại Nghị quyết Đại hội XII và các văn bản của Đảng được ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XII.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thể hiện là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong việc chung tay đẩy lùi tệ nạn tham nhũng đang hoành hành khắp thế giới. Ngày 30-6-2009, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC). Ngày 7-4-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 445/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện UNCAC. Sau đó, rất nhiều nghiên cứu từ việc thực hiện các mục tiêu đưa ra tại Kế hoạch thực hiện UNCAC được tiếp thu, thể hiện trong Luật PCTN năm 2018. Vì thế, Luật PCTN năm 2018 được ông Francessco Checchi, cố vấn khu vực Đông Nam Á-Thái Bình Dương về PCTN (UNODC) đánh giá cao.
Theo Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, với việc Luật PCTN năm 2018 được Quốc hội thông qua, hệ thống quy phạm pháp luật về PCTN tại Việt Nam về cơ bản đã hoàn thiện, đồng bộ. Cùng với quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước, đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan hữu quan đẩy mạnh công tác PCTN với hiệu quả cao nhất, hướng tới xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, ổn định và phát triển.
Thực tế, từ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng tới việc hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật về PCTN đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho công tác này. Nhất là từ khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, rất nhiều “đại án tham nhũng” được phanh phui, đưa ra xét xử. Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tính đến tháng 6-2018, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và 35.000 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng được chú trọng hơn; việc kê biên, thu giữ tài sản trong một số vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao (vụ Giang Kim Đạt hơn 300 tỷ đồng; vụ Hứa Thị Phấn hơn 10.000 tỷ đồng; vụ Ngân hàng Đông Á hơn 2.000 tỷ đồng; vụ Phạm Công Danh (giai đoạn I) hơn 6.000 tỷ đồng; vụ AVG hơn 8.500 tỷ đồng...).
Kết quả công tác PCTN giúp Việt Nam tăng 2 điểm trong năm 2016, tăng tiếp 2 điểm trong năm 2017, nhờ đó tăng 6 bậc trên bảng xếp hạng Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2017 do Tổ chức Minh bạch Thế giới (TI) đánh giá. Theo thang điểm của CPI, điểm càng cao thì càng minh bạch, càng trong sạch. Việc tăng điểm của Việt Nam là dấu hiệu tích cực của công tác PCTN thời gian qua. Những kết quả đạt được trong công tác PCTN cũng đang làm lan tỏa hiệu ứng tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường an ninh, quốc phòng, đối ngoại, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá rất cao.
Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả như mong muốn trong việc triển khai các nghị quyết của Đảng về công tác PCTN trong thời gian tới, chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Đó là phải xây dựng cho được thói quen thanh toán không dùng tiền mặt; tránh hình thức trong kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập; tiếp tục đẩy mạnh xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi tham nhũng để răn đe, phòng ngừa chung. Đặc biệt, hiện nay, việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức mới chỉ tập trung vào tài sản, thu nhập. Trong khi đó, các khoản vay nợ chưa được đặt ra như một khoản bắt buộc phải kê khai. Vì vậy, trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật PCTN năm 2018, các cơ quan chức năng cần lưu ý tới vấn đề này, tránh để kẻ xấu lợi dụng làm giảm hiệu quả của công tác PCTN...
CHIẾN THẮNG