Ban Tuyên giáo Trung ương đã triển khai ứng dụng đề án “Một số vấn đề về đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên giáo trong tình hình mới”, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên giáo; đề ra nhiều giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, quán triệt, góp phần sớm đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và nghị quyết các Hội nghị Trung ương khóa XII vào cuộc sống, như: Phối hợp sớm biên soạn các loại tài liệu phục vụ việc học tập nghị quyết; đề xuất báo cáo viên là các đồng chí trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và tham gia xây dựng đề án trình Hội nghị Trung ương để phân tích, truyền tải sâu sắc nội dung nghị quyết. Từ Hội nghị Trung ương 4, khóa XII đến Hội nghị Trung ương 7, khóa XII, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tham mưu với Ban Bí thư tổ chức các hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt nghị quyết bằng hình thức trực tuyến đến cấp tỉnh; được nhiều nơi kết nối đường truyền tới cấp huyện, có nơi tổ chức đến cấp xã, qua đó, mở rộng đối tượng học tập, rút ngắn thời gian quán triệt đến cấp cơ sở. Quá trình triển khai nghị quyết của Đảng trong đảng viên và nhân dân, ngành tuyên giáo đã lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức học tập, phương pháp tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng; nội dung gợi ý thảo luận chương trình hành động thực hiện nghị quyết sát hợp hơn với thực tế địa phương, đơn vị. Việc tổ chức viết thu hoạch sau các đợt học tập nghị quyết giúp đảng viên hệ thống hóa sâu hơn những nội dung cơ bản, cốt lõi của nghị quyết và hiến kế với cấp ủy nhiều giải pháp khả thi để triển khai thực hiện hiệu quả nghị quyết trong cuộc sống. Ban Tuyên giáo Trung ương và ban tuyên giáo các cấp chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra, khảo sát việc tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết. Những giải pháp đổi mới trên nhận được sự đồng tình của cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao chất lượng học tập, tuyên truyền nghị quyết; chấn chỉnh, khắc phục những biểu hiện mang tính hình thức trong công tác này.
Toàn ngành chủ động, tích cực tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, với nhiều cách làm mới, sáng tạo. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được đưa vào các chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị, phong trào thi đua ở địa phương, đơn vị, qua đó đã giải quyết nhiều vấn đề bức xúc nổi cộm; đã xuất hiện và phát triển hàng nghìn mô hình, cách làm hay, tấm gương điển hình tiên tiến, góp phần quan trọng xây dựng Đảng về tư tưởng và đạo đức; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng xuống cấp ở một số mặt đạo đức xã hội.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Ban Tuyên giáo Trung ương đã thẩm định hàng trăm đề án, văn bản liên quan đến chủ trương, chính sách thuộc lĩnh vực tuyên giáo. Hoàn thành 6 đề án Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao với nội dung mới và khó, là cơ sở khoa học phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với công tác tư tưởng chính trị; xây dựng 12 đề án phục vụ việc sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong lĩnh vực tuyên giáo. Việc xây dựng các đề án được Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện chủ động, tích cực, nhất là đổi mới cách thức tổ chức xây dựng đề án, như: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các ban, bộ, ngành tham gia ban chỉ đạo đề án; chọn những vấn đề đang gặp khó khăn trong triển khai thực hiện để thảo luận, xin ý kiến, đề xuất giải pháp; kết hợp điều tra xã hội học với tổng hợp ý kiến chuyên gia, nhà quản lý; coi trọng tổng kết thực tiễn, chắt lọc kinh nghiệm quý của bộ, ngành, địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết. Hệ thống tuyên giáo các cấp tích cực tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học và tham mưu với cấp ủy ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trên các lĩnh vực tuyên giáo.
Toàn ngành đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, có chiều sâu. Ban Tuyên giáo Trung ương bám sát tình hình quốc tế và trong nước, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng tài liệu hướng dẫn tuyên truyền, chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền đồng bộ trên các lĩnh vực. Trong định hướng chính trị, tư tưởng các hoạt động báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ…, đã có những đổi mới tích cực, nhất là chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động nâng cao chất lượng báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ; chú trọng tính tương tác, đối thoại, cung cấp thông tin về một số vụ việc quan trọng, phức tạp, nhạy cảm để định hướng tuyên truyền, đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh và đa dạng của xã hội; chủ động phối hợp xử lý các sản phẩm báo chí, xuất bản, nghệ thuật... có nội dung sai quan điểm chính trị tư tưởng, hoặc vi phạm thuần phong mỹ tục. Công tác đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” có nhiều giải pháp mới trong chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn; tổ chức đấu tranh phản bác các thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động…
Trong công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức một số cuộc hội thảo quốc gia, quốc tế, nhằm làm rõ những giá trị lý luận, những đóng góp của Đảng trong việc vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào cách mạng Việt Nam, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, khẳng định tính đúng đắn, hợp quy luật của con đường cách mạng Việt Nam. Hệ thống tuyên giáo tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội với nhiều hình thức, phương pháp đa dạng; chủ động phát hiện, báo cáo nhanh những vấn đề phức tạp tác động đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tham mưu các giải pháp phù hợp, nhằm định hướng tư tưởng chính trị và dư luận xã hội, góp phần giải quyết, tháo gỡ những vụ việc phức tạp, nhạy cảm.
Sự phối hợp công tác giữa ngành với các cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp (nhất là ở Trung ương và cấp tỉnh) linh hoạt, chủ động hơn. Ban Tuyên giáo Trung ương đã lựa chọn một số nội dung bức thiết để ký kết chương trình phối hợp với các bộ, ngành liên quan, nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, bảo đảm an ninh tư tưởng, tạo sự đồng thuận của xã hội đối với việc giải quyết, xử lý những vấn đề, vụ việc bức xúc, nổi cộm mà dư luận quan tâm, góp phần đưa nhanh nghị quyết, chỉ thị của Đảng vào cuộc sống. Toàn ngành quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, có nhiều đổi mới trong nội dung, phương thức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ của ngành và đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội…
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương xác định, một trong những vấn đề quan trọng nhất là phải đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Quán triệt sâu sắc quan điểm Đại hội XII của Đảng về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp với từng giai đoạn, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội”; bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy đảng, thời gian tới, toàn ngành tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng học tập, tuyên truyền Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với từng đối tượng theo hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức học tập nghị quyết của Đảng. Tiếp tục đề xuất các giải pháp tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”…
Tiếp tục coi trọng thực hiện tốt công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, quan tâm phát hiện những điểm mới trong đời sống xã hội; nâng cao chất lượng tham mưu cho Trung ương và các cấp ủy đảng trong từng lĩnh vực công tác tuyên giáo; thể hiện rõ vai trò tiên phong trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng và đạo đức. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để chủ động thông tin tích cực; kịp thời đấu tranh phản bác, đẩy lùi thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, nhất là trên internet, mạng xã hội...
Ngành cũng chú trọng điều tra, nghiên cứu, nắm bắt, phản ánh kịp thời, chính xác tình hình tư tưởng, dư luận xã hội; gắn nghiên cứu dư luận xã hội với định hướng tư tưởng chính trị; chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước kịp thời định hướng tuyên truyền toàn diện, đồng bộ; đổi mới sâu sắc, quyết liệt hơn nữa công tác định hướng chính trị, tư tưởng trong hoạt động báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ. Chú trọng công tác tham mưu thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng về các lĩnh vực khoa giáo, an sinh xã hội…
Lĩnh vực tuyên giáo luôn có vị trí quan trọng hàng đầu trong công tác lãnh đạo của Đảng. Kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống công tác tuyên giáo của Đảng (1-8-1930 / 1-8-2018) là dịp để cấp ủy đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo nhận thức sâu sắc hơn vai trò, vị trí của công tác tuyên giáo, góp phần củng cố, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân, tăng cường sự đồng thuận xã hội. Cùng với việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên giáo; đánh giá đúng và kiên quyết khắc phục những mặt tồn tại, yếu kém, toàn ngành cần thực hiện nghiêm túc việc kiện toàn tổ chức bộ máy theo đúng tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, khóa XI; Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII…; triển khai thực hiện các quyết định mới về chức năng, nhiệm vụ của ban tuyên giáo các cấp; chăm lo xây dựng tổ chức đảng và cơ quan tuyên giáo các cấp trong sạch, vững mạnh; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ trong ngành; chú trọng rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chất lượng tham mưu; trau dồi phẩm chất đạo đức; nêu cao tính tiền phong, gương mẫu và bản lĩnh chính trị của người cán bộ trên mặt trận tư tưởng của Đảng, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
VÕ VĂN PHUÔNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương