Động lực từ nền hành chính “liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ”
Ngành khai khoáng-động lực tăng trưởng chính của kinh tế trong những năm trước đây-ngày càng suy giảm, tạo ra những thử thách đối với đất nước ta trong việc phát triển kinh tế. Nhưng cũng chính từ sự suy giảm đó đã thúc đẩy thực hiện quyết liệt hơn tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm tạo ra các động lực tăng trưởng mới. Ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh việc xây dựng một chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong suốt hơn hai năm qua, tinh thần “liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ” thực sự trở thành kim chỉ nam của cả hệ thống hành chính. Thủ tướng cũng chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, giảm các chi phí cho sản xuất, kinh doanh (SXKD), trong đó điển hình là chi phí, thủ tục kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) cho rằng, cách tiếp cận “hành động, hành động và hành động” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đem lại những kết quả tích cực cho nền kinh tế. Tính hành động quyết liệt của Chính phủ thể hiện ở việc lần đầu tiên Chính phủ ban hành chỉ thị phân công trách nhiệm cho từng bộ, ngành tạo ra động lực về thể chế, trách nhiệm để cộng hưởng xung lực tích cực từ các ngành, địa phương. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thủ trưởng các ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm cụ thể hóa mục tiêu tăng trưởng cho từng ngành, từng sản phẩm và đề xuất các giải pháp phù hợp, tùy theo thẩm quyền. Để tạo thuận lợi tối đa cho xuất nhập khẩu, không chỉ dừng ở tuyên bố định hướng, Chính phủ đã định lượng, yêu cầu các bộ, ngành cũng phải đăng ký và thực hiện nghiêm túc việc cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% danh mục hàng hóa kiểm tra trước khi thông quan.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, Chính phủ đã tổ chức các tổ công tác đôn đốc quyết liệt việc thực hiện nhiệm vụ ở các bộ, ngành, địa phương. Đó là Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng là tổ trưởng; Tổ công tác kiểm tra về công vụ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân là tổ trưởng. Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng Chính phủ điện tử, yêu cầu các địa phương xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến phục vụ người dân, hướng tới sự minh bạch, hiệu quả, hiện đại của nền hành chính.
 |
Một góc Thủ đô Hà Nội/ Ảnh minh họa/TTXVN. |
Kịp thời, quyết liệt, sát thực tế trong xây dựng và giám sát thực thi pháp luật
Thời gian qua, các kỳ họp Quốc hội dành thời lượng khá lớn để thảo luận về các giải pháp phát triển KT-XH. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, mọi quy định của pháp luật đều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp, do đó đều được Quốc hội thảo luận thận trọng, xem xét các khía cạnh. Nhiều dự án luật có ảnh hưởng lớn tới hoạt động SXKD, như: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Quy hoạch... Với những dự án luật quan trọng và nhạy cảm, như Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), được Quốc hội thảo luận kỹ hơn so với các luật khác. Quốc hội đưa vào chương trình giám sát tối cao những vấn đề “nóng” về KT-XH được dư luận đặc biệt quan tâm, như: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”. Trên cơ sở giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016”, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), góp phần tạo sự chuyển biến tích cực hơn trong việc cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của DNNN trong thời gian tới.
Công tác xây dựng thể chế thời gian qua đã có sự phối hợp hiệu quả giữa Chính phủ và Quốc hội, nhằm cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng thành chính sách, pháp luật. Trước những vướng mắc phát sinh trong đời sống KT-XH, các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội đã khẩn trương đưa vào chương trình để nghiên cứu, sửa đổi các quy định. Ví dụ, trong mấy năm qua, bên cạnh những tác động tích cực thì Luật Đầu tư công cũng tạo ra những điểm bất hợp lý, thủ tục phức tạp, ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đến hiệu quả đồng vốn vay. Do đó, các cơ quan của Chính phủ đang khẩn trương bàn bạc để trình Quốc hội dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm khắc phục các điểm hạn chế nói trên.
Động lực từ cải thiện môi trường kinh doanh
Thời gian qua, các chuyên gia đã ghi nhận những thành công của Việt Nam trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hằng năm, Chính phủ đều ra các nghị quyết số 19; Chính phủ cũng ra Nghị quyết số 35/NQ-CP cho cả giai đoạn 2016-2020. Nhờ việc thực hiện quyết liệt các nghị quyết này của các bộ, ngành, địa phương, môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, lòng tin của người dân, doanh nghiệp được củng cố.
Bằng chứng là con số về thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng mạnh mẽ và kỷ lục trong thành lập mới doanh nghiệp. Thị trường chứng khoán sôi động, chỉ số VN-Index có lúc đã vượt ngưỡng 1.180 điểm, cao nhất từ trước đến nay. Môi trường kinh doanh của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá tăng 14 bậc, đứng thứ 68/190 nền kinh tế; năng lực cạnh tranh quốc gia được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá tăng 5 bậc, đứng thứ 55/137 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng được hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s và Fitch nâng mức tín nhiệm tài chính từ ổn định lên tích cực.
Cần đẩy mạnh sáng tạo để nâng cao năng suất lao động
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chất lượng tăng trưởng đã từng bước được cải thiện. Năng suất lao động (NSLĐ) của toàn nền kinh tế năm 2017 đã tăng khoảng 6%, cao hơn so với mức tăng năm 2016 là 5,29% (trong hai năm 2016, 2017, mức tăng NSLĐ đều vượt mục tiêu đề ra-mục tiêu là tăng 5%/năm). Nếu tính theo giá hiện hành, đạt khoảng 93,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.159 USD/lao động).
Như vậy, NSLĐ của Việt Nam đang dần được nâng lên, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách xa so với các nước trong khu vực ASEAN. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này, như: Cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, trong khi NSLĐ ngành nông nghiệp ở nước ta còn thấp; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, một số yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến NSLĐ của Việt Nam thời gian qua, như: Xuất phát điểm của nền kinh tế thấp; trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập; tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) còn thấp; còn một số “điểm nghẽn” về cải cách thể chế và thủ tục hành chính.
Ngày 10-7, theo công bố của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2018, Việt Nam tăng hai bậc so với năm 2017, lên vị trí 45 trên 126 quốc gia/nền kinh tế được xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), cải thiện 14 bậc so với xếp hạng năm 2016-cao nhất từ trước tới nay. Đặc biệt, Việt Nam có điểm số cao trên mức trung bình trong cả 7 trụ cột chính, bao gồm: Thể chế vĩ mô; nguồn nhân lực và nghiên cứu; cơ sở hạ tầng; thị trường và môi trường kinh doanh; trình độ phát triển của thị trường; sản phẩm tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo.
Theo ông Sacha Wunsch-Vincent, chuyên gia cao cấp của WIPO, Việt Nam nổi lên là một quốc gia đặc biệt vì liên tục thăng hạng trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có sự chỉ đạo từ cấp Thủ tướng với nghị quyết thành lập nhóm chuyên viên đặc biệt, các bộ, ban, ngành để cùng thúc đẩy chính sách đổi mới sáng tạo. Theo ông Sacha, để tiếp tục cải thiện thứ hạng trong chỉ số đổi mới sáng tạo, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng cải thiện các nhóm chỉ số về môi trường kinh doanh, thị trường vốn và đầu tư, ứng dụng tri thức và công nghệ.
Những kết quả rất khích lệ này cho thấy những đột phá trong chỉ đạo quyết liệt, toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tạo ra những kết quả rất cụ thể, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới, thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo ra nhu cầu để doanh nghiệp đổi mới công nghệ nhanh hơn, mạnh hơn, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng, NSLĐ và sức cạnh tranh của nền kinh tế và năng lực cạnh tranh quốc gia. Kết quả chỉ số GII năm 2018 cho thấy Việt Nam đã đạt được hoặc gần đạt được các chỉ tiêu Chính phủ đặt ra đến năm 2020 tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP.
Nhận thấy những cơ hội đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt việc tạo ra nền tảng, hạ tầng để doanh nghiệp và người dân có thể tham gia ngay vào cuộc cách mạng công nghiệp này, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế tri thức.
Bảo đảm bền vững trong tăng trưởng kinh tế
Thời gian qua, mặc dù tăng trưởng kinh tế (TTKT) vẫn là ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên, Chính phủ, Quốc hội đã thực hiện nghiêm chủ trương không TTKT bằng mọi giá và nhất là không hy sinh môi trường sống, môi trường tự nhiên vì TTKT. Điều này thể hiện rõ qua việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 31/2016/QH14 về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Khi dự án Formosa Hà Tĩnh gây ra những tác hại đối với môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, Chính phủ đã chỉ đạo nhà đầu tư tạm dừng dự án để tiến hành khắc phục, đền bù thiệt hại cho người dân có liên quan; chỉ đến khi dự án đã có các phương án khắc phục và vận hành an toàn thì mới được tái khởi động.
Nhìn chung, các chuyên gia kinh tế đều nhấn mạnh việc thực hiện phát triển KT-XH mang tính bền vững trong thời gian tới. Các chuyên gia cũng nhìn nhận việc Việt Nam tham gia ngày càng tích cực vào các hiệp định thương mại tự do (FTA), mới nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đàm phán các hiệp định song phương sẽ tạo ra thêm các cơ hội mới cho hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam. Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong bày tỏ sự lạc quan vào mục tiêu TTKT, cùng với nền kinh tế mở, Việt Nam sẽ hội tụ và khai thác được các động lực tăng trưởng từ các hoạt động đối ngoại. TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, thời gian tới, động lực tăng trưởng chính của kinh tế sẽ đặt lên vai khu vực tư nhân, vì vậy nhiệm vụ quan trọng là Chính phủ thiết kế hành lang pháp lý, đột phá về thể chế cũng như thuận lợi về thủ tục để khu vực tư nhân nắm bắt và khai thác tốt cơ hội của mình cũng như liên kết tốt với các khu vực kinh tế khác trong và ngoài nước nhằm tạo ra động lực tăng trưởng mới, tích cực hơn.
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực đồng tình với quan điểm không nên thực hiện TTKT bằng mọi giá. Chuyên gia này đề xuất 3 trụ cột có thể đóng góp cho tăng trưởng, gồm: Tiêu dùng, du lịch và tạo cơ sở phát triển khối kinh tế tư nhân. Riêng đối với khối doanh nghiệp tư nhân, việc tạo động lực cũng như cơ chế cho khu vực này phát triển sẽ tạo thêm việc làm và kích thích tiêu dùng, qua đó góp phần tăng thêm tăng trưởng cho nền kinh tế. Vấn đề là Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh doanh, kích thích tiêu dùng trong nước.
Mới qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhưng những dấu ấn về phát triển KT-XH là khá đậm nét. Đó là thành quả của nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị trong suốt thời gian qua nhằm tạo ra một khung thể chế tiến bộ hơn, một nền hành chính liêm chính và hiệu quả hơn, một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nhằm khơi dậy được tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp của toàn xã hội. Đó cũng là động lực phát triển chính của đất nước ta trong thời gian tới đây.
HOÀNG GIA MINH - HỒ QUANG PHƯƠNG