Chú trọng kết hợp đánh giá và đánh giá lại
Đây là phần việc đặc biệt quan trọng, xuất phát từ đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn; cần được tiến hành đồng bộ, quyết liệt ở tất cả các cấp, các ngành và ngay tại thời điểm hiện nay. Bởi lẽ, công tác quy hoạch nguồn cán bộ cho Đại hội XIII của Đảng và đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 được cấp ủy, tổ chức đảng các cấp chuẩn bị chu đáo từ nhiều nhiệm kỳ trước và nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Do đó, đến nay, phần việc này về cơ bản đã được hoàn thiện, hoàn chỉnh. Trung ương cũng đã thống nhất danh sách giới thiệu dự bầu Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII do tổ chức đảng các cấp, các ban, ngành Trung ương và các địa phương giới thiệu quy hoạch. Căn cứ kế hoạch tổng thể, những cán bộ trong diện quy hoạch cũng được Trung ương Đảng và các cấp ủy quan tâm, tạo điều kiện cho đi đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển công tác để trui rèn, thử thách qua thực tiễn với nhiều cương vị công tác (từ thấp đến cao). Đây thật sự là bước chuẩn bị chu đáo, chủ động từ sớm, từ xa của Trung ương, các cấp ủy và hệ thống chính trị trong tiến hành công tác nhân sự khóa mới. Tuy vậy, công tác cán bộ là công việc hệ trọng, là việc gốc của Đảng; đánh giá cán bộ được quy hoạch phải là việc làm thường xuyên, liên tục của cấp ủy đảng; đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng răn dạy: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân".
Thực tiễn công tác quy hoạch cán bộ ở Đại hội XII và nhiều nhiệm kỳ trước cho thấy: Có những cán bộ, ở thời điểm được tổ chức phát hiện, giới thiệu quy hoạch nhân sự thì họ hoàn toàn là những cán bộ tốt, có uy tín. Nhưng, trải qua thời gian, kinh qua các vị trí công tác, thậm chí, có người phát triển lên vị trí rất cao, giữ cương vị công tác quan trọng của Đảng, Nhà nước, trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, thì đến một thời điểm nhất định nào đó mới nảy sinh tiêu cực, rơi vào khuyết điểm. Những hiện tượng như vừa kể có nguyên nhân chủ yếu và trước hết từ phía cán bộ, chi phối quyết định bởi yếu tố chủ nghĩa cá nhân, nhưng ít nhiều cũng do hiệu quả công tác đánh giá và đánh giá lại cán bộ của các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị còn nhiều hạn chế, yếu kém; thậm chí còn buông lỏng, có tâm lý "sợ" và "ngại" tiến hành đánh giá và đánh giá lại đối với thủ trưởng cấp trên...
Do đó, từng cấp ủy đảng, hệ thống chính trị, nhất là các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị-xã hội, quần chúng nhân dân phải coi trọng và phát huy cao nhất chức năng, nhiệm vụ trong thẩm định, đánh giá, phát hiện cán bộ không đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí quy hoạch được xác định ở mỗi cấp. Cần kết hợp giữa thẩm định, tìm ra hạn chế, khuyết điểm của cán bộ được quy hoạch với tìm kiếm, phát hiện nhân tố mới, cán bộ tốt để đề nghị xem xét bổ sung quy hoạch. Đối với những cá nhân đang được quy hoạch nhưng có biểu hiện tha hóa, biến chất, rơi vào tiêu cực, cần quyết liệt đưa ngay ra khỏi quy hoạch; tuyệt đối không để những kẻ cơ hội, tha hóa, biến chất "chui sâu, leo cao" vào bộ máy công quyền... như quyết tâm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII.
Khi chỉ đạo công tác chuẩn bị đại hội đảng các cấp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: "Đại hội là một dịp để ta sàng lọc cán bộ. Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi, không sợ thiếu cán bộ". Do đó, công tác kiểm tra, giám sát, rà soát, đánh giá cán bộ được quy hoạch không chỉ đơn thuần tiến hành ở thời điểm hiện tại mà phải xem xét cả quá trình công tác lâu dài, liên tục, xuyên suốt của cán bộ. Có nghĩa, phải kết hợp giữa đánh giá và đánh giá lại cán bộ một cách nghiêm khắc, chặt chẽ, bởi thực tế cho thấy: Có những cán bộ đang trong quy hoạch nhưng ở thời điểm trước, khóa trước đã từng có vi phạm kỷ luật, có biểu hiện suy thoái, tham nhũng, tiêu cực mà tổ chức, tập thể chưa phát hiện và xử lý kịp thời. Thậm chí, nhiều cán bộ được quy hoạch vốn có "ô dù" còn được bao che, dung túng, dù được luân chuyển đến đâu cũng rơi vào tiêu cực, vi phạm nguyên tắc, kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, nhưng điều đó vô hình trung trở thành cái cớ để điều chuyển, luân chuyển cán bộ lên vị trí công tác cao hơn, ví như vụ án Trịnh Xuân Thanh-bài học thấm thía, đau xót tận cùng trong tiến hành công tác cán bộ của Đảng ta.
Do vậy, các cấp ủy và từng cơ quan, đơn vị, đặc biệt là ủy ban kiểm tra các cấp cần tăng cường các nội dung kiểm tra, giám sát chuyên đề về công tác cán bộ; chú trọng kiểm tra, giám sát ở những nơi từng có khuyết điểm về công tác cán bộ, ở những nơi có thông tin được truyền thông, báo chí, dư luận và quần chúng nhân dân phản ánh.
Cùng với đó, cần phát huy tối đa các kênh tiếp nhận, phát hiện, phản ánh đến cơ quan chức năng về các nội dung, vấn đề liên quan đến công tác cán bộ và chất lượng, hiệu quả quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ mới. Cần nêu cao tinh thần tiến công cách mạng không ngừng, kiên quyết đấu tranh, đẩy lùi mọi dấu hiệu tiêu cực, hạn chế của cán bộ; quyết liệt thanh lọc cán bộ yếu và kém để lựa chọn bằng được cho Đảng những hạt giống đỏ-những con người thực sự "có tâm, có tầm". Cũng trong quá trình đó, đặc biệt là thời điểm trước, trong và sau đại hội các cấp, các cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ cần nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng; chú trọng phát hiện, nhận diện, đấu tranh hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch và các ý đồ kích động, gây "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" nội bộ; ngăn chặn tình trạng đơn thư tố cáo nặc danh hòng hạ bệ uy tín và thanh danh cán bộ tốt của Đảng... Vì vậy, trong công tác quy hoạch cán bộ, chuẩn bị nhân sự cho đại hội nhiệm kỳ mới, mỗi "bước đi" của từng cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải bảo đảm tính tích cực, sáng tạo "đi tắt, đón đầu", nhưng đồng thời phải hết sức thận trọng, chặt chẽ, bám sát lộ trình, tiến trình và phương án nhân sự được xác định từ đầu.
Khắc phục kiểu quy hoạch “3 đường thẳng song song”
Một vấn đề cũng cần sớm được quan tâm hiện nay là phải chú trọng đổi mới tư duy, cách làm để bảo đảm công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ giữa Đảng, chính quyền và các đoàn thể xã hội phải được vận dụng linh hoạt, đan kết vào nhau, nhằm tạo ra nguồn cán bộ kế cận, kế tiếp phong phú, đa dạng, chất lượng.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ở không ít địa phương hiện nay, việc quy hoạch cán bộ vẫn mặc nhiên theo kiểu “3 đường thẳng song song”. Có nghĩa là cán bộ đang công tác ở cơ quan của Đảng sẽ được quy hoạch phát triển lên cương vị cao hơn về chức vụ Đảng; cán bộ chính quyền phát triển theo đường chính quyền; cán bộ làm việc ở các tổ chức xã hội phát triển trong nội bộ các tổ chức này theo "trục dọc".
Đây thực sự là một điểm vướng mắc rất lớn trong công tác cán bộ, mà nguyên nhân bắt nguồn từ tư duy của đội ngũ, thói quen công tác và sự ách tắc trong cơ chế luân chuyển cán bộ giữa cơ quan Đảng, Nhà nước và tổ chức đoàn thể xã hội. Tìm hiểu ở các địa phương: Bình Thuận, Ninh Thuận, Hậu Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu... cho thấy: Hiện, quy trình luân chuyển cán bộ từ các cơ quan của UBND sang các ban đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy là hết sức khó khăn. Cái khó trước hết bắt đầu từ tâm lý của cán bộ chính quyền hầu như không thích chuyển về công tác ở các ban đảng và lý do sâu xa là cán bộ Đảng thường chỉ có "danh ảo" chứ không phải “chủ tài khoản” của cơ quan, đơn vị. Thực tế cũng cho thấy một sự thật rất đáng băn khoăn, suy nghĩ: Đời sống của cán bộ công tác ở các cơ quan Đảng hiện phần nhiều còn khó khăn; nhìn chung thấp hơn mức sống của cán bộ công tác tại các cơ quan chính quyền nhà nước.
Tương tự ở cấp cao hơn, chúng ta cũng ít thấy việc luân chuyển các đồng chí chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về giữ các vị trí công tác ở các ban Đảng Trung ương; ít thấy việc luân chuyển các chủ tịch UBND quận, huyện phát triển lên các cơ quan Đảng ở các tỉnh ủy, thành ủy... Trong khi đó, những cán bộ trải qua các cương vị chủ trì ở các cơ quan chính quyền thường là những cán bộ có trình độ tốt, có năng lực thực tiễn và giàu kinh nghiệm trong quản lý, điều hành. Đây thực sự là những tiền đề nhân cách quan trọng để cán bộ chính quyền đủ khả năng đảm đương các chức danh trong các cơ quan Đảng. Thế nhưng, vì nhiều lý do, việc tạo nguồn cán bộ cho các ban đảng vẫn "bỏ ngỏ" đối tượng là cán bộ chính quyền nhà nước (?)
Để tận dụng nguồn lực nhân sự cho khóa mới, phát huy sức mạnh đội ngũ cán bộ một cách hệ thống, toàn diện, các cấp ủy cần chú trọng việc quy hoạch cán bộ tổng thể giữa 3 đối tượng cán bộ (cán bộ Đảng, cán bộ nhà nước, cán bộ đoàn thể), tận dụng ở mức tốt nhất có thể sức mạnh nội lực của cả đội ngũ cán bộ để xây dựng bộ máy lãnh đạo đất nước khóa mới ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ.
Với tinh thần đó, thời gian tới cần đẩy mạnh các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng và hệ thống chính trị về tầm nhìn, tư duy quy hoạch cán bộ cho Đảng. Cùng với đó, cơ quan chức năng của Đảng và cơ quan nhà nước phải đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ để lãnh đạo, chỉ đạo một cách đồng bộ, mạnh mẽ phần việc này trong thời gian tới. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng đơn giản hóa thủ tục hành chính khi luân chuyển cán bộ giữa các đối tượng cán bộ (Đảng, Nhà nước, tổ chức đoàn thể); coi trọng nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách; áp dụng những giải pháp mạnh tay trong lựa chọn, chỉ định cán bộ, chứ không đơn thuần dừng lại ở các giải pháp vận động, khuyến khích.
NGUYỄN TẤN TUÂN