Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng chiếm dụng đất bất hợp pháp và bảo vệ lợi ích của người nông dân, mới đây chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Đất đai giám sát và xem xét lại toàn bộ việc quản lý sử dụng đất của các chính quyền địa phương...
Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng chiếm dụng đất bất hợp pháp và bảo vệ lợi ích của người nông dân, mới đây chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Đất đai giám sát và xem xét lại toàn bộ việc quản lý sử dụng đất của các chính quyền địa phương. Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc cũng quyết định thành lập một cơ quan cấp quốc gia và 9 cục quản lý để giám sát việc sử dụng đất tại các địa phương trên cả nước.
Theo đánh giá của một quan chức Trung Quốc, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xuống cấp trong công tác quản lý đất đai là sự xuất hiện ngày càng nhiều các khu đất công nghiệp giá rẻ. Kết quả cuộc khảo sát do Bộ Tài nguyên và Đất đai Trung Quốc tiến hành tại 16 thành phố cho thấy, gần 50% số đất đang được sử dụng là bất hợp pháp. Để ngăn chặn tình trạng này, tháng 9 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc cảnh báo sẽ kỷ luật các quan chức địa phương nếu như họ để xảy ra tình trạng mua bán đất bất hợp pháp tại địa bàn quản lý của mình. Những quan chức nào bán đất với mức giá thấp hơn giá tối thiểu sẽ bị truy tố và xét xử theo đúng luật.
Tình trạng chiếm dụng đất nông nghiệp ở một số địa phương của Trung Quốc đã gióng lên hồi chuông báo động việc bảo vệ lợi ích của người nông dân, những người trực tiếp gánh chịu thiệt hại khi đất canh tác của họ bị bán hoặc bị chuyển nhượng bất hợp pháp. Tại một số địa phương, người nông dân thay vì được hưởng đền bù từ việc bán đất canh tác thì lại bị bỏ mặc, thậm chí còn không được hưởng các chính sách tái định cư cần thiết. Họ phải bỏ dở công việc đồng áng khi đất canh tác bị "sang tên" thành đất công nghiệp trong khi thời hạn đền bù tiếp tục bị kéo dài thêm.
Trước thực trạng này, chính phủ Trung Quốc đã tiến hành thảo luận và đưa ra một số đạo luật mới, trong đó quy định rõ rằng: vốn đầu tư được rót vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại nông thôn phải đi kèm với bảo vệ quyền lợi của người nông dân hoặc người có thu nhập thấp. Quy định này cho thấy, nếu như giá bán đất nông nghiệp không đủ chi trả cho việc tái định cư, chính quyền địa phương có trách nhiệm đền bù cho người nông dân từ nguồn lợi nhuận trong quá trình khai thác khu đất đó. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng cần phải bảo đảm tạo việc làm mới cho người dân khi họ không còn đất canh tác. Hiện nay, nhiệm vụ cực kỳ khó khăn của chính phủ Trung Quốc là làm sao tiếp tục duy trì được hơn 120 triệu héc-ta đất canh tác tới trước năm 2010. Số liệu thống kê cho thấy, đất nông nghiệp của Trung Quốc chỉ còn 122 triệu héc-ta, ít hơn 8 triệu héc-ta so với 10 năm trước đây.
THANH LINH