Ông Prô-đi rời nhiệm sở sau khi từ chức. Ảnh: Roi-tơ

Theo các nguồn tin nước ngoài, Thủ tướng I-ta-li-a Rô-ma-nô Prô-đi đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Na-pô-li-ta-nô và đã được chấp thuận. Ông Prô-đi đưa ra quyết định này sau khi Thượng viện không thông qua chính sách đối ngoại của chính phủ liên minh trung tả do ông đứng đầu. Như vậy, Thủ tướng Prô-đi chỉ ngồi trên chiếc ghế quyền lực được 281 ngày.

Trong suốt thời gian đó, Chính phủ do ông Prô-đi đứng đầu luôn phải đối mặt với những chống đối trong các vấn đề như ngân sách năm 2007, chính sách đối ngoại, chính sách quốc phòng, việc duy trì khoảng 2 nghìn quân I-ta-li-a tại Áp-ga-ni-xtan và cho phép Mỹ mở rộng căn cứ quân sự tại thành phố Vi-xen-xa, phía Bắc I-ta-li-a. Trong cuộc bỏ phiếu, Thượng viện đã không thông qua kế hoạch triển khai quân đội I-ta-li-a tại Áp-ga-ni-xtan cũng như kế hoạch mở rộng căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ I-ta-li-a. Theo các nguồn tin, thất bại trong chính sách đối ngoại của Chính phủ đã buộc ông Prô-đi phải từ chức. Giới phân tích bình luận, kết quả bỏ phiếu cho thấy sự lỏng lẻo trong quyền lực của Thủ tướng Prô-đi.

Trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện, các nghị sĩ cánh hữu đã kêu gọi Chính phủ của ông Prô-đi từ chức. Bộ trưởng Ngoại giao I-ta-li-a kêu gọi Chính phủ nên từ nhiệm nếu chính sách của họ không được phê chuẩn. Tuần trước, hàng chục nghìn người đã xuống đường tại Vi-xen-xa để phản đối kế hoạch mở rộng căn cứ quân sự của Mỹ tại thành phố này.

Trong khi đó, tờ "Diễn đàn tintức thế giới" đăng bài viết cho rằng, chính những chia rẽ trong nội bộ và vai trò của I-ta-li-a trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu đã dẫn tới sự sụp đổ của chính phủ Prô-đi. Sự sụp đổ này phản ánh sự suy yếu của Chính phủ và có thể là dấu hiệu có thấy những bất ổn chính trị ở I-ta-li-a sẽ không thuyên giảm. Ở một quốc gia đã từng trải qua tới 60 chính phủ (Chính phủ của ông Prô-đi là Chính phủ thứ 61) kể từ cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, ông Prô-đi đã phải chèo chống không dễ dàng một liên minh với 9 đảng phái khác nhau.

Trước sự ra đi của ông Prô-đi, dư luận I-ta-li-a đang bàn luận về khả năng cựu Thủ tướng Béc-lu-xcô-ni sẽ trở lại chính trường. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, nếu một cuộc bầu cử được tổ chức vào lúc này, ông Béc-lu-xcô-ni có thể sẽ thắng với số phiếu chênh lệch không nhiều. Trong khi các Bộ trưởng Nội các của ông Prô-đi đang nhóm họp để bàn về tương lai thì những người ủng hộ ông Béc-lu-xcô-ni tụ tập bên ngoài yêu cầu Chính phủ của ông Prô-đi đứng sang một bên. Tuy nhiên, tham vọng trở lại chính trường của ông Béc-lu-xcô-ni được đánh giá là sẽ không dễ dàng.

Sau khi chấp nhận sự ra đi của ông Prô-đi, hôm qua, Tổng thống Na-pô-li-ta-nô đã tổ chức một cuộc họp với đảng phái chính trị để bàn về việc thành lập chính phủ mới. Có 3 viễn cảnh chủ yếu được dự đoán sẽ xảy ra. Thứ nhất, nếu ông Prô-đi có đủ sự ủng hộ trong các đảng phái trung tả, ông Na-pô-li-ta-nô có thể đề nghị ông hoặc thành lập một Chính phủ Prô-đi mới hoặc tham gia Quốc hội với nội các hiện nay của mình; thứ hai, nếu ông Prô-đi không có đủ sự ủng hộ, Tổng thống sẽ đề cử một nhân vật khác lên làm Thủ tướng, có thể là Bộ trưởng Nội vụ Giu-li-a-nô A-ma-tô; thứ ba, nếu không đạt được thỏa thuận chọn ai làm Thủ tướng, ông Na-pô-li-ta-nô có thể sẽ buộc phải giải tán Quốc hội mở đường cho cuộc bầu cử sớm. Tuy nhiên, theo luật pháp I-ta-li-a, bất kỳ cuộc bầu cử nào cũng sẽ chỉ được tổ chức ít nhất trong 3 tháng nữa.

YẾN NHI (tổng hợp)