Mở đầu “Sắc lệnh về hòa bình”, V.I.Lênin khẳng định bảo vệ hòa bình là vấn đề cấp bách, có ý nghĩa sống còn của nhân loại. Người nhấn mạnh thái độ dứt khoát của những người cộng sản là lên án mọi chính sách bạo lực cường quyền, phản đối chiến tranh xâm lược, ra sức bảo vệ hòa bình và quyền bình đẳng, quyền tự quyết định vận mệnh, con đường phát triển của các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Trên cương vị người đứng đầu Nhà nước xã hội chủ nghĩa (XHCN), V.I.Lênin kêu gọi chính phủ tất cả các bên can dự vào Chiến tranh thế giới thứ nhất phải đình chiến và tiến hành những cuộc thương lượng, đàm phán hòa bình để “ký kết một hòa ước hòa bình ngay lập tức” mà không cưỡng bức, không thôn tính, không xâm chiếm đất đai của nhau và không được sáp nhập các dân tộc khác vào lãnh thổ của mình.

Nhà lãnh đạo V.I.Lênin. Ảnh tư liệu.

Trong “Sắc lệnh về hòa bình”, V.I.Lênin nêu rõ: “Chiến tranh là một tội ác lớn nhất đối với nhân loại”; chỉ rõ bộ mặt thật của chủ nghĩa đế quốc (CNĐQ) và bọn tay sai phản động chính là nguyên nhân gây ra các cuộc chiến tranh hủy hoại sự phát triển của nhân loại. Đồng thời khẳng định bản chất của Nhà nước XHCN là yêu chuộng hòa bình, kiên quyết phản đối chiến tranh xâm lược. Trong cuộc đấu tranh để bảo vệ và giữ vững hòa bình của toàn nhân loại, V.I.Lênin đặt lên hàng đầu vai trò to lớn của giai cấp công nhân, của quần chúng nhân dân và khẳng định niềm tin chiến thắng: “Phong trào công nhân sẽ giành được phần thắng và sẽ vạch ra con đường đi tới hòa bình và chủ nghĩa xã hội”(1). Đó là con đường đúng đắn, duy nhất để buộc chính phủ các nước tham chiến nhanh chóng tìm lối thoát khỏi cuộc chiến tranh thế giới đẫm máu gây tổn thất rất lớn sinh mạng con người và của cải vật chất xã hội; là con đường giúp cho mỗi quốc gia, dân tộc được sống trong môi trường hòa bình.

“Sắc lệnh về hòa bình” cũng nêu những vấn đề có tính nguyên tắc của một kiểu quan hệ quốc tế mới, được đề ra không phải trên cơ sở các dân tộc lớn áp bức, chà đạp các dân tộc nhỏ và yếu, mà là dựa trên sự đoàn kết, xây dựng và giữ vững môi trường hòa bình bền vững của tất cả các dân tộc và sự bình đẳng của các quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, trong điều kiện thế giới còn tồn tại giai cấp thống trị, bóc lột và những thế lực hiếu chiến luôn tìm mọi cách đi xâm lược, thôn tính các quốc gia, dân tộc khác, V.I.Lênin không hề ảo tưởng về “một nền hòa bình giả dối”, nhất thời do các thế lực đế quốc chủ nghĩa hiếu chiến tuyên bố. Quan điểm của V.I.Lênin trong “Sắc lệnh về hòa bình” cho thấy, để có một nền hòa bình lâu dài, bền vững trong bối cảnh CNĐQ không ngừng chạy đua vũ trang, câu kết chặt chẽ với nhau và với các thế lực phản động quốc tế nhằm chống phá cách mạng, đòi hỏi Nhà nước XHCN phải hết sức chú trọng đến vấn đề mang tính chiến lược cách mạng là “tự bảo vệ”; phải không ngừng chăm lo xây dựng, tăng cường sức mạnh quân sự, quốc phòng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. V.I.Lênin cảnh báo: “Chúng ta đấu tranh chống sự dối trá của các chính phủ, trên lời nói thì tất cả đều nói về hòa bình, về công lý, nhưng trong việc làm lại tiến hành những cuộc chiến tranh xâm lược và cướp bóc...”(2).

Các nước đế quốc phản đối kịch liệt “Sắc lệnh về hòa bình” của V.I.Lênin; họ liên kết can thiệp bằng vũ trang nhằm xóa bỏ Nhà nước Xô-viết non trẻ, buộc Chính phủ Nga phải ký kết Hòa ước Brest-Litovsk đầu năm 1918 với nước Đức. Từ đây, nước Nga Xô-viết có khoảng thời gian hòa bình quý báu để củng cố hệ thống chính quyền nhân dân, phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, tập trung lực lượng cách mạng để đập tan sự phản kháng mãnh liệt của bọn phản cách mạng và sự bao vây, can thiệp của 14 nước đế quốc, bảo vệ vững chắc những thành quả của Cách mạng Tháng Mười Nga. 

Như vậy, với “Sắc lệnh về hòa bình”, lần đầu tiên chiến tranh xâm lược của CNĐQ bị lên án, bị coi là tội ác lớn nhất chống lại nhân loại. Đồng thời, các nguyên tắc cùng chung sống hòa bình, hữu nghị giữa các quốc gia, thừa nhận quyền bình đẳng đầy đủ giữa các dân tộc, tôn trọng quyền độc lập, tự chủ của các nước có chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác đã được V.I.Lênin xác lập. “Sắc lệnh về hòa bình” là dấu mốc ra đời và phát triển đường lối, chính sách đối ngoại hòa bình của Nhà nước Xô-viết; làm cơ sở trong xây dựng, phát triển đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới.

Việt Nam từng phải trải qua và gánh chịu nhiều hy sinh, đau thương, mất mát trong các cuộc đấu tranh lâu dài xây dựng và bảo vệ đất nước. Do đó, nhân dân Việt Nam luôn chia sẻ khát vọng chung của nhân loại vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định, hòa bình là một trong những mục tiêu cao cả và quan trọng nhất cần nỗ lực hướng tới ở cả bình diện quốc gia và quốc tế. Là một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, Việt Nam đã và tiếp tục làm hết sức mình để hiện thực hóa những tôn chỉ, mục đích bảo vệ hòa bình được ghi trong Hiến chương Liên hiệp quốc.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay còn nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, đòi hỏi các quốc gia, dân tộc phải tăng cường xây dựng lòng tin chiến lược, cùng chung tay ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột vũ trang và kiến tạo, gìn giữ hòa bình, an ninh trên toàn cầu. Đó chính là một tiêu chuẩn văn minh trong thế giới hiện đại, là biểu hiện sinh động tư tưởng vĩ đại của V.I.Lênin trong “Sắc lệnh về hòa bình”.

NGUYỄN ĐỨC THẮNG

-----------

(1), (2) V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb.Tiến bộ, Moscow, 1978, tập 35, tr.19; tr.18.