Ngày 27-2, trong bài phát biểu đưa ra sau hội đàm với người đồng cấp Nga và Ấn Độ ở thành phố Ô Trấn, miền đông Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh, cuộc gặp tại Hà Nội giữa hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ-Triều Tiên không chỉ làm ấm tình hình mà còn có thể là "bước đi quan trọng" hướng tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên cũng như thiết lập một cơ chế hòa bình.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, thế giới trong năm 2019 có cả những hy vọng và thách thức; đặc biệt, tuần này là khoảng thời gian rất quan trọng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Ông hy vọng Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần này có thể mang lại "bước tiến mới" liên quan đến vấn đề phi hạt nhân hóa cũng như thiết lập một nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Hình ảnh về Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên tại Hà Nội xuất hiện trên tờ Straits Times. Ảnh: Straitstimes

Trong khi đó, tại cuộc họp báo ngày 27-2, Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố rằng, bất kể sự nhượng bộ nào mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đưa ra ở hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Hà Nội đều có ý nghĩa quan trọng, vì đây được xem là bước tiến trong tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Tuyên bố trên được đưa ra để đáp lại một số tuyên bố và thông tin cho rằng Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần hai này sẽ chỉ đạt được tiến bộ có ý nghĩa khi các nước đạt được "thỏa thuận lớn", theo đó Triều Tiên đồng ý thực hiện các bước phi hạt nhân hóa tích cực. Theo ông Kim Eui-kyeom, đây là một quá trình liên tục và trong các thỏa thuận lớn sẽ bao gồm các thỏa thuận nhỏ.

Cuộc gặp lần hai tại Hà Nội giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un diễn ra sau hơn 8 tháng kể từ cuộc gặp đầu tiên ở Singapore. Nhiều người kỳ vọng cuộc gặp lần này sẽ tạo những kết quả thực chất và cụ thể liên quan đến tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cũng như thông qua đó hai bên có thể ra một tuyên bố chính thức đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Là nước chủ nhà tổ chức sự kiện, Việt Nam được dư luận quốc tế đánh giá cao với vai trò là đối tác thúc đẩy hòa bình.

Không chỉ ca ngợi công tác chuẩn bị và bảo đảm an ninh cho Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần hai, tờ Straits Times (Singapore) còn đăng bài nhấn mạnh rằng người dân Việt Nam rất mến khách, hiểu biết và sáng tạo. Bài báo cho biết Hà Nội chỉ có khoảng 10 ngày để hoàn tất mọi công tác chuẩn bị cho hội nghị. Do vậy, ngay trước khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đến Hà Nội, những công nhân đã miệt mài làm việc thông đêm để dọn dẹp, trang hoàng lại cảnh quan khu vực gần các khách sạn, nơi hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ-Triều Tiên nghỉ chân. Điều này cho thấy Việt Nam rất coi trọng Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần hai.

Trong khi đó, báo Japan Times đăng bài viết với tiêu đề "Việt Nam đảm nhận vai trò kiến tạo hòa bình với cuộc gặp thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần hai trong bối cảnh đang tìm cách cân bằng quan hệ ngoại giao với các bên”. Bài báo nhận định: Việt Nam đóng vai trò là đối tác thúc đẩy hòa bình, nhấn mạnh việc Việt Nam trở thành nơi diễn ra sự kiện quan trọng này là cột mốc chứng tỏ nước này đang nổi lên là một thành viên đáng tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam, quốc gia đã thúc đẩy hòa bình với các nước từng đối đầu với Việt Nam trong quá khứ và giờ đây Việt Nam đang giúp các nước khác làm những điều tương tự. Theo bài báo, từ những năm đầu thập niên 1990, Việt Nam bắt đầu thoát khỏi tình trạng bị cô lập về ngoại giao và mong muốn cải thiện quan hệ với các cường quốc trên thế giới cũng như trong khu vực. Việc tăng cường vị thế quốc tế của Việt Nam bằng cách tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần hai hoàn toàn phù hợp với chiến lược trên của nước này.

NGỌC HÂN