Theo Reuters, chỉ ít giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức và tiếp quản vai trò “ông chủ” Nhà Trắng, ông Biden đã ban hành những sắc lệnh hành pháp về xử lý đại dịch Covid-19, nhập cư, môi trường, công bằng chủng tộc. Đúng như dự đoán, nhiều trong số đó đảo ngược một số chính sách đã được người tiền nhiệm Donald Trump áp dụng. “Với tình hình như hiện tại, chúng ta không có thời gian để lãng phí. Phải bắt tay vào ngay lập tức. Tôi sẽ bắt đầu bằng việc giữ những lời hứa mà mình đã đưa ra với người dân Mỹ”, ông Biden nhấn mạnh như vậy với các phóng viên có mặt trong Phòng Bầu dục của Nhà Trắng.    

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden ký nhiều sắc lệnh quan trọng trong ngày làm việc đầu tiên. Ảnh: Reuters 

Quyết định đầu tiên phải kể đến là yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội tại mọi tòa nhà liên bang và khu vực liên bang. Trước đó, Chánh văn phòng Nhà Trắng Ron Klain tiết lộ, ông Biden sẽ có nhiều chương trình liên quan đến công tác đối phó với đại dịch Covid-19 như kéo dài thời gian tạm ngưng trả nợ cho sinh viên, mở cửa trở lại trường học và một số cơ sở kinh doanh, đẩy nhanh phân phối vaccine hay mở rộng xét nghiệm. Thực tế, nước Mỹ đang phải vật lộn với một cuộc khủng hoảng sức khỏe tồi tệ. Theo trang worldometers, tính đến tối 21-1 (theo giờ Việt Nam), Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới bởi dịch bệnh với khoảng 24 triệu ca nhiễm và hơn 415.000 trường hợp tử vong.

Tân Tổng thống Mỹ cũng khởi động tiến trình đưa Washington trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hoan nghênh quyết định trên của ông Biden và bày tỏ cam kết hợp tác với Washington để khắc phục tình trạng khẩn cấp về khí hậu và giúp các nước phục hồi sau đại dịch. Thậm chí, ông Biden trước đó từng cam kết sẽ đặt ra các mục tiêu về giảm lượng khí thải mới khi trở lại cơ chế này, trong đó có kế hoạch đưa mức phát thải carbon của Mỹ, quốc gia phát thải carbon lớn thứ hai thế giới, về 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, chính quyền mới còn đưa ra quyết định tái hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sau khi  giữa năm ngoái ông Trump tuyên bố xứ cờ hoa chính thức chấm dứt mối quan hệ với tổ chức này và chuyển hướng tài trợ cho các sáng kiến y tế công cộng khác. Ngày 21-1, Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm, sẽ đại diện nước này tham gia một cuộc họp của ủy ban điều hành quốc tế của WHO tại Geneva (Thụy Sĩ).

Ngoài ra, ông Biden cũng ký một số sắc lệnh hủy bỏ những quy định áp dụng dưới thời người tiền nhiệm của mình, như: Chấm dứt hạn chế nhập cảnh với công dân các nước Hồi giáo chiếm đa số, một trong những sắc lệnh đầu tiên được ông Trump ký sau khi nhậm chức vào năm 2017; sắc lệnh chấm dứt “tình trạng khẩn cấp an ninh quốc gia” do ông Trump ban bố nhằm huy động tiền xây dựng bức tường biên giới phía nam giữa Mỹ và Mexico để ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp; sắc lệnh hủy bỏ giấy phép triển khai xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL, dự án mà các nhà hoạt động môi trường đã đấu tranh phản đối trong hơn một thập kỷ; lệnh đẩy mạnh chương trình bảo vệ hàng nghìn người nhập cư vào Mỹ từ khi còn nhỏ (DACA).

Có thể nói, những sắc lệnh hành pháp trên đã thể hiện quyết tâm hành động, mở đầu cho quá trình hiện thực hóa lời hứa tranh cử của Tổng thống Biden với người dân Mỹ-những cử tri đã dùng lá phiếu để giúp ông đạt tới đỉnh cao nhất trong cuộc đời làm chính trị của mình. Dự kiến, ông Biden sẽ ký hơn 50 sắc lệnh trong 10 ngày đầu tiên nắm quyền điều hành đất nước. 

Trước đó, đêm 20-1 (theo giờ Việt Nam), trong bài diễn văn nhậm chức đánh dấu sự khởi đầu nhiệm kỳ 4 năm với tư cách là Tổng thống thứ 46 của Mỹ, ông Biden đã cam kết sẽ trở thành nhà lãnh đạo của tất cả mọi người, đưa nước này vượt qua khủng hoảng và nỗ lực tăng cường mối quan hệ với các đồng minh, cũng như củng cố vai trò lãnh đạo toàn cầu của Washington trong thời gian tới.

VĂN HIẾU