 |
Trở về đất mẹ Việt Nam |
Sân bay Tân Sơn Nhất ngày Mùng 5 Tết, vẫn còn đông Việt kiều về quê. Họ là những người bận công việc, hoặc không lấy được vé về sớm để đón giao thừa trên quê hương. Ra đón họ không chỉ có những người thân ở Việt Nam, mà còn có cả những Việt kiều đã về đón xuân trước ngày Mùng 1 Tết. Bà Lê Nguyễn Hoàng Lan, Việt kiều ở Mỹ, tâm sự: “Tôi là một trong những người hạnh phúc nhất. Sau 43 năm xa Tổ quốc, tôi mới được hưởng một cái Tết ấn tượng đến thế. Hôm nay tôi ra đón 4 người con về Việt
Nam. Tôi sẽ kể cho mọi người biết Tết ở quê hương ấn tượng như thế nào”.
Ngày Mùng 3 Tết, trên đại lộ hoa Nguyễn Huệ, tôi làm quen với anh Bùi Thành Công, một Việt kiều về từ thủ đô Pa-ri của nước Pháp. Anh Công sinh năm 1964 tại Sài Gòn, nhưng một năm sau đã phải theo cha mẹ sang Pháp. Anh cũng chỉ hiểu Tết cổ truyền ở Việt Nam qua lời kể của cha mẹ. Là một chuyên gia máy tính, anh có thời gian tìm hiểu Việt Nam trên mạng. “Dòng máu Lạc Hồng” trong Công nóng dần lên, anh có ước vọng được về quê đón Tết. Thế là Công dành thời gian để học tiếng Việt. Sau 3 năm, anh đã có thể giao tiếp với mọi người bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Công kể: “Năm trước, tôi đã định về quê ăn Tết, nhưng công việc lu bù quá, không bố trí được. Năm nay tôi trở về, Việt Nam ùa vào trong tâm hồn thật xúc động. Sài Gòn ngày nay đẹp như mơ. Không khí Tết hấp dẫn hơn bất cứ một lễ hội nào trên thế giới. Đây là Tết để đời của tôi”.
Khác với Bùi Thành Công, cô gái Huỳnh Phương Thảo, nghiên cứu sinh Viễn thông về từ Ca-na-đa, lại ngất ngây với cảnh đẹp của xứ dừa Bến Tre ngày Tết. Cô thích nhất là được nằm trên cánh võng dưới bóng dừa. Thảo được mọi người đưa đi dạo bằng thuyền ba lá trong bộ quần áo bà ba thướt tha, nhẹ như một làn gió. Quê cô còn nghèo, nhưng con người thì ai cũng tốt, cũng gần gũi và đáng yêu. Thảo nói: “Đối với em, Tết Đinh Hợi đầy ắp những kỷ niệm đẹp. Em sẽ cố gắng học thật giỏi, để sau này về góp sức xây dựng quê hương”.
Những tấm lòng vàng
Trong cuộc gặp gỡ bà con Việt kiều về quê ăn Tết Đinh Hợi, tôi được biết năm 2006, kiều bào cả nước nói chung, kiều bào ở TP. Hồ Chí Minh nói riêng đã có nhiều đóng góp đáng kể cho sự phát triển của quê hương. Câu lạc bộ Khoa học-kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh có 179 chuyên gia trí thức Việt kiều ở 18 nước tham gia. Hơn 400 công ty do Kiều bào thành lập ở TP. Hồ Chí Minh đã góp phần tích cực trong việc “xóa đói, giảm nghèo”, khám-chữa bệnh cho người nghèo, giúp đỡ các vùng bị thiên tai trong các cơn bão lớn ở miền Trung, miền Đông và miền Tây Nam bộ hàng tỉ đồng.
Trong dịp Tết này, hàng chục nghìn Việt kiều đã bỏ tiền giúp các gia đình khó khăn đón Tết, xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, trường học, trạm y tế… Trong số những tấm lòng vàng đó, có một triệu phú đã đón Tết với người nghèo. Ông là Hoàng Kiều, Giám đốc Công ty RAAS của Mỹ. Người con của vùng quê Quảng Trị đến nước Mỹ kiếm sống với cương vị một nhân viên của Công ty Abbott, với mức lương 1,75USD/giờ. Khi đã có vốn, ông quyết định thành lập Công ty RAAS với chức năng thử nghiệm và thu huyết tương. Đến năm 1994, công ty này đã có 11 cơ sở trên toàn nước Mỹ, với cơ sở vật chất kỹ thuật rất hiện đại. Trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường Mỹ, Hoàng Kiều quyết định chuyển hướng sang thị trường Trung Quốc và đặt Văn phòng tại Thượng Hải với tên Công ty TNHH chế phẩm máu Thượng Hải. Sản phẩm của RAAS sản xuất không đủ cung cấp cho thị trường nhưng ông Hoàng Kiều vẫn trích một phần để tặng cho các trung tâm truyền máu và huyết học Việt Nam để cứu chữa cho những ca bệnh hiểm nghèo.
Không chỉ chú trọng làm kinh tế, ông Hoàng Kiều là người rất “mê” làm từ thiện. Ngay khi chưa giàu có, ông đã sẵn lòng giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Tết Đinh Hợi này về quê ngoại Thi Ông (huyện Hải Lăng) và quê nội Bích Khê (huyện Triệu Phong), Hoàng Kiều và các con đã tổ chức một bữa tất niên lớn để mời bà con lối xóm đến chung vui. Trước khi về Quảng Trị vui xuân, ông Hoàng Kiều đã cùng các con đi tặng hơn 1.000 căn nhà tình thương cho bà con nghèo thuộc 16 tỉnh từ Lạng Sơn, đến Vĩnh Long. Những gia đình ông không đến được, người dân chỉ biết đó là “Nhà đại đoàn kết” do ông Hoàng Kiều tặng. Gặp chúng tôi ở TP. Hồ Chí Minh, ông nói: “Khi được tiếp chuyện với Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, tôi được biết nước ta còn nhiều người nghèo và có 3 triệu trẻ em khuyết tật, 5 triệu người là nạn nhân của chất độc da cam cần được giúp đỡ. Gia đình tôi sẽ cố gắng hết sức, hy vọng sẽ xoa dịu đi phần nào những khó khăn, vất vả của đồng bào”. Với 20 tỷ đồng giúp đỡ người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước, ông Hoàng Kiều đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân Việt Nam. Câu nói “Muốn ngẩng đầu lên với thế giới, muốn hội nhập tốt, người Việt phải giúp nhau thoát nghèo, rồi mới đến giàu mạnh” của ông, đang là khẩu hiệu đối với mọi Việt kiều có tấm lòng đối với Tổ quốc.
Hòa cùng vận nước đang lên
Niềm hân hoan của hơn 140.000 Việt kiều về quê ăn Tết Đinh Hợi không chỉ thấy quê hương, đất nước đã phát triển nhanh chóng, mà còn được đón tiếp trọng thị.
Gặp ông Trần Đình Thảo, Việt kiều tại Pháp trong khu du lịch Suối Tiên chiều Mùng 3 Tết, tôi được biết ông cũng có mặt trong buổi gặp gỡ chúc Tết Việt kiều ở Trung tâm Hội nghị quốc gia mới đây. Ông xúc động nói: “Tôi sẽ nhớ mãi câu nói của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là Xuân Đinh Hợi là mùa xuân của tự hào, của niềm tin, là mùa xuân hân hoan, phấn khởi của những con tim Việt Nam trước những bước phát triển mạnh mẽ, có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi cơ bản và toàn diện bộ mặt của đất nước sau 20 năm đổi mới”. Theo ông Thảo, năm 2007 Nhà nước ta sẽ bắt đầu việc miễn thị thực cho Kiều bào là một quyết định đúng đắn. Nó thể hiện chính sách tốt đẹp khi vận nước đang lên và mở rộng cửa hơn, để đón Việt kiều về chung sức xây dựng đất nước. Không những thế, nhiều chính sách, qui định bất cập, gây phiền hà, mất thời gian khi Việt kiều về nước đầu tư cũng dần được thay đổi và xóa bỏ. Anh Tuấn Vũ, người chuẩn bị bảo vệ bằng thạc sĩ tài chính nói: “Khi thế nước đang lên, tôi rất mong muốn về Việt Nam để góp phần phát triển hệ thống ngân hàng”.
Theo ông Nguyễn Chơn Trung, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài của TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2007, sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt kiều về nước đầu tư. Hiện nay, Trường đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, đã phối hợp với Viện Nghiên cứu nước khoáng nóng, thuộc Viện đại học Victor Segalen (Pháp) để nghiên cứu, sản xuất nước khoáng phục vụ cho chữa bệnh và cuộc sống của nhân dân. Trường đại học Hoa Sen cũng đã lập kế hoạch để mời trí thức Việt kiều về giảng dạy. Đất nước đã bắt đầu “bơi ra biển lớn”, hàng trăm doanh nghiệp Việt kiều ở 90 nước trên thế giới, đang mong muốn về Việt Nam đầu tư, để góp sức cùng dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Nhiều Việt kiều sẵn sàng giúp đỡ để đưa các doanh nghiệp trong nước lên sàn giao dịch quốc tế. Họ cũng tình nguyện là cầu nối giữa Việt Nam và thế giới.
Một mùa xuân tràn ngập hạnh phúc và niềm vui đối với Kiều bào về quê ăn Tết. Với tấm lòng trân trọng của đất nước, hy vọng năm 2007 và những năm tới, bà con Việt kiều sẽ có nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể và hiệu quả hơn nữa, cùng Tổ quốc tiến xa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hùng mạnh.
Lê Phi Hùng