Ngày 24-4, New Zealand và Pháp thông báo, hai nước sẽ phối hợp tổ chức một hội nghị toàn cầu tại thủ đô Paris của Pháp vào tháng tới nhằm thảo luận các biện pháp ngăn chặn việc các trang mạng xã hội bị sử dụng để truyền bá khủng bố và bạo lực cực đoan. Hội nghị này sẽ do Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đồng chủ trì tại Paris vào ngày 15-5 tới. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo New Zealand và Pháp dự kiến kêu gọi các công ty công nghệ thực hiện cam kết xóa bỏ những nội dung mang tính khủng bố và bạo lực cực đoan trên mạng xã hội. Được biết, hội nghị này sẽ diễn ra bên lề Hội nghị các Bộ trưởng kỹ thuật số của Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) mang tên "Tech for Humanity" (Công nghệ cho lòng nhân đạo) và hội nghị riêng rẽ của Pháp mang tên "Tech for Good" (Công nghệ cho những điều tốt đẹp).
 |
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Điện Elysee ở Paris (Pháp). Ảnh: Getty Images |
Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết, New Zealand và Pháp kêu gọi các nhà lãnh đạo của những công ty công nghệ tham dự hội nghị tại Paris để đạt được mục tiêu xóa bỏ tư tưởng cực đoan bạo lực trên mạng xã hội. Bà Jacinda Ardern nêu rõ, vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại hai đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch của New Zealand khiến 50 người thiệt mạng ngày 15-3 vừa qua cho thấy, mạng xã hội đã bị sử dụng như một công cụ truyền bá hành động khủng bố và thù hận. Hung thủ đã phát trực tiếp trên Facebook hành động nã súng vào các nạn nhân và sau đó các đoạn clip được chia sẻ trên nhiều mạng xã hội. Thủ tướng New Zealand nhấn mạnh: "Tất cả chúng ta đều cần phải hành động, trong đó các nhà cung cấp truyền thông xã hội cần chịu trách nhiệm nhiều hơn về nội dung đăng tải trên nền tảng trực tuyến của mình và phải ngăn chặn để những nội dung cực đoan bạo lực không đăng tải và chia sẻ được". Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết, New Zealand muốn cùng với Pháp xây dựng một cộng đồng mà ở đó internet cùng các nền tảng xã hội được sử dụng tự do nhưng an toàn và không được sử dụng làm công cụ để lan truyền các hành động cực đoan. Trong khi đó, từ Paris, Điện Elysee cho biết, hội nghị trên sẽ bảo đảm rằng, các biện pháp mới và cụ thể sẽ được thực hiện để những gì xảy ra ở Christchurch không bị lặp lại.
Với nỗ lực để mạng xã hội không trở thành công cụ làm gia tăng căng thẳng, sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố vào ngày 21-4 tại Sri Lanka, chính phủ nước này đã đóng cửa toàn bộ các nền tảng xã hội lớn, trong đó có Facebook, WhatsApp, YouTube, và Snapchat. Việc cắt đứt mối liên hệ với mạng xã hội có thể xem là giải pháp nhanh, gọn, hiệu quả thay vì chật vật tìm cách tháo gỡ những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội tại thời điểm gặp rắc rối.
Hiện nay, toàn thế giới đang đánh giá lại vai trò thích hợp của các mạng xã hội. Ivan Sigal, Giám đốc điều hành của Global Voices-tổ chức cam kết sử dụng công cụ internet để cổ vũ sự hiểu biết vượt biên giới đã đưa Twitter vào diện xem xét liên quan đến các vụ tấn công Sri Lanka. Ông nói: "Nhiều năm trước đây, chúng ta dựa vào những nền tảng xã hội này để giúp đỡ lẫn nhau và kêu gọi sự tương hỗ trong hoạt động cứu trợ. Hiện giờ, chúng ta coi các nền tảng này như một mối đe dọa". Ông cũng nói thêm: "Trước đây, chúng ta coi việc đóng cửa các trang mạng xã hội sau một vụ tấn công là sự kiểm duyệt thái quá, nhưng giờ chúng ta nên nghĩ rằng, đây là trách nhiệm cần thiết để bảo vệ bản thân trước mối đe dọa”.
Chủ nghĩa cực đoan đang xâm nhập vào các mạng xã hội và khiến chúng trở thành mối nguy hại. Bằng cách tự động khuếch tán mọi tin tức xuất hiện trên nền tảng của họ và sử dụng dữ liệu và các thuật toán cá nhân để đưa những thông tin tới những nguồn tin có khả năng phát tán rộng lớn nhất, các mạng xã hội chính là vũ khí. Chúng phải được xem là một mối nguy hiểm đối với toàn xã hội, chứ không đơn thuần là sự mở rộng danh sách người sử dụng mạng xã hội. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần kiểm soát mạng xã hội với những quy định hợp lý về địa điểm, thời gian và thể loại nền tảng nào được hoạt động tự do, tương tự như các quy định toàn diện về địa điểm, thời gian và loại súng nào được phép sử dụng trong cộng đồng mà gần như tất cả các chính phủ trên thế giới đang áp đặt. Sự "tự do" có thể tiếp tục trở thành cái cớ dẫn đến sự thất bại trong việc kiểm soát các mạng xã hội như từng được đưa ra cách đây 250 năm cản trở hoạt động kiểm soát súng đạn.
LÂM ANH