Đây là những thông báo đáng lo ngại của Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tiến sĩ (TS) Michael Ryan. Trong cuộc họp báo ở Geneva vừa qua, TS Michael Ryan nhấn mạnh, Nam Mỹ đã trở thành một “tâm chấn” mới của dịch bệnh này, trong đó Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo hãng tin Reuters, với hơn 330.000 ca dương tính với virus SAR-CoV-2 gây đại dịch Covid-19, Brazil trở thành quốc gia có nhiều ca mắc bệnh thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Số liệu thống kê từ Bộ Y tế Brazil cho biết, tính đến ngày 22-5, nước này ghi nhận 330.890 ca mắc, tăng gần 20.000 ca so với một ngày trước đó. Số người tử vong vì đại dịch này tại Brazil cũng lên hơn 21.000 ca sau khi ghi nhận hơn 1.000 ca tử vong trong vòng 24 giờ. Số người nhiễm bệnh thực tế có thể cao hơn nhiều do hệ thống xét nghiệm tại Brazil được đánh giá là chậm trễ và hiệu quả thấp. 

 Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, Brazil vẫn chưa ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc. Ảnh: Reuters.

Tại thành phố Sao Paulo, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 ở Brazil, các video ghi lại từ trên cao cho thấy nhiều ngôi mộ đã được đào sẵn ở Nghĩa trang Formosa khi số người tử vong tăng đột biến thời gian gần đây.

Đại dịch Covid-19 đang lây lan với tốc độ chóng mặt tại Brazil, khi mỗi ngày nước này ghi nhận từ 20.000 đến 30.000 ca mắc mới. Brazil mới vượt qua Anh trở thành tâm dịch lớn thứ 3 thế giới hôm 18-5 vừa qua và mất chưa đầy 1 tuần đã trở thành tâm dịch lớn thứ hai của thế giới. 

Mặc dù tình hình đại dịch diễn biến nghiêm trọng, nhưng cho tới nay, quốc gia Nam Mỹ này vẫn chưa áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc. Để ngăn chặn đại dịch lây lan, nhiều chính quyền liên bang đã buộc phải ban hành các quy định hạn chế đi lại tại địa phương mình.

TS Michael Ryan đã thừa nhận, Brazil đang bị tụt lại phía sau trong cuộc chiến chống Covid-19 và “đây là một thực tế”. Chính phủ của Tổng thống Jair Bolsonaro đã vấp phải không ít chỉ trích do cách ứng phó đại dịch. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở quốc gia Nam Mỹ này, Brazil đã mất hai bộ trưởng y tế sau khi chính phủ của ông Bolsonaro gây sức ép buộc họ khuyến cáo sử dụng thuốc trị sốt rét trong điều trị Covid-19.

Giới chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về tác động nguy hiểm của việc sử dụng thuốc trị sốt rét cho bệnh nhân dương tính. Bất chấp điều này, quyền Bộ trưởng Y tế Brazil Eduardo Pazuello, một tướng quân đội, cho phép đưa ra hướng dẫn mới khuyến khích sử dụng rộng rãi thuốc trị sốt rét cho các bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ. Theo TS Michael Ryan, các nhà chức trách Brazil đã chấp thuận sử dụng rộng rãi loại thuốc này để điều trị các bệnh nhân dương tính. Tuy nhiên, TS Michael Ryan khuyến cáo, không sử dụng các loại thuốc trị sốt rét để điều trị cho các bệnh nhân, nhấn mạnh chỉ sử dụng các loại thuốc này trong thử nghiệm lâm sàng. Ông nêu rõ mặc dù loại thuốc này đã được cấp phép sử dụng điều trị nhiều bệnh, song ở giai đoạn này, chưa xác định được hiệu quả của các thuốc trên trong điều trị bệnh nhân nhiễm virus SAR-CoV-2 hoặc cải thiện sức khỏe của người bệnh.

Sau Brazil, Peru hiện là vùng dịch lớn thứ hai ở khu vực Nam Mỹ với số ca nhiễm lên đến hơn 111.000  và số ca tử vong là hơn 3.000. Đây là vấn đề đáng lo ngại bởi Peru đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc từ ngày 16-3 và cũng đã 4 lần kéo dài lệnh cách ly xã hội bắt buộc.

Trong khi đó, tại Mexico, một trong hai quốc gia đông dân nhất khu vực, tình hình đặc biệt đáng lo ngại khi số ca nhiễm mới và tử vong tăng đột biến trong vài ngày qua. Nước này hiện có tỷ lệ tử vong ở mức cao trên toàn cầu, khoảng 10%. Tuy nhiên, cũng giống như Brazil, Mexico không triển khai các biện pháp cách ly bắt buộc ngoại trừ việc kêu gọi người dân thực hiện giãn cách xã hội tới ngày 31-5.

XUÂN PHONG