Chương trình Rafale của Tập đoàn Dassault đã đạt được “kỳ tích” trong những năm gần đây sau khi Ai Cập, Qatar và Ấn Độ đạt được thỏa thuận mua máy bay tiêm kích Rafale của Pháp trong những năm 2015-2016. Cuối tháng 1 vừa qua, Pháp đã chuyển giao cho Ai Cập 18 chiếc Rafale cùng một lượng lớn trang bị vũ khí, trong đó có tên lửa hành trình SCALP, tên lửa chống hạm AM39 Exocet, các loại tên lửa không đối không MICA NG và Meteor, với tổng số tiền 2,4 tỷ euro. 

Theo trang mạng latribune.fr, năm 2021 là “năm vàng” của Rafale khi có 8 quốc gia, gồm: Hy Lạp, Thụy Sĩ, Croatia, Phần Lan, Ấn Độ, Indonesia, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang đàm phán mua loại máy bay chiến đấu này. Trong 6 tháng đầu năm nay, tập đoàn Dassault dự kiến sẽ ký hai hợp đồng tiềm năng với Croatia và Indonesia. Croatia muốn mua loại máy bay Rafale đã qua sử dụng để thay thế những chiếc Mig21 cũ kỹ. Dù giá trị hợp đồng trên còn khiêm tốn nhưng đây là cơ hội để tập đoàn Dassault có thể bán thiết bị đi kèm. Trong khi đó, Pháp cơ bản hoàn tất quá trình đàm phán cung cấp 36 chiếc Rafale cho lực lượng Không quân Indonesia và dự kiến sẽ ký hợp đồng trong nửa đầu năm 2021.

Rafale, còn gọi là “Phượng hoàng bầu trời”, đang là sự lựa chọn của nhiều quốc gia. Ảnh: meta-defense.fr. 

Trong nửa cuối năm nay, Rafale sẽ cạnh tranh với các đối thủ Typhoon (Đức) cũng như Super Hornet và Lightning 2 (Mỹ) với hy vọng giành được hợp đồng thay thế những chiếc F5 và F18 của Không quân Thụy Sĩ. Rafale đang có lợi thế hơn các đối thủ nhờ vào mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Pháp và Thụy Sĩ cũng như đề nghị tài chính hấp dẫn. Ngoài ra, Rafale còn tham gia cuộc đua giành quyền thay thế những chiếc F18 của Phần Lan. Kết quả cuối cùng của cuộc đua này sẽ được công bố trước khi kết thúc năm 2021.

Việc bình thường hóa quan hệ giữa Paris và Cairo cũng có thể cho phép lực lượng không quân Ai Cập tiếp tục thực hiện đơn đặt hàng Rafale mới cùng với tên lửa hành trình Scalp. Các cuộc đàm phán thương vụ bán 40-60 chiếc Rafale cho UAE hay 36 chiếc Rafale cho Qatar cũng đang được các đối tác Pháp khẩn trương tiến hành.

Theo báo chí Pháp, trước tình hình an ninh thế giới diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia đã tăng ngân sách quốc phòng nhằm hiện đại hóa quân đội. Một số nước đã tính mua máy bay chiến đấu Su-25 của Nga hay Gripen của Thụy Điển có giá thành tiết kiệm hơn. Tuy nhiên, Washington đe dọa trừng phạt những nước nào vi phạm Ðạo luật chống kẻ thù của Mỹ thông qua hành động trừng phạt (CAATSA), do đó những nước này tìm cách chuyển hướng sang mua Rafale.

Trong số khách hàng tiềm năng của Pháp phải kể đến Iraq, nước đang lên kế hoạch mua máy bay Rafale nhằm hiện đại hóa lực lượng không quân của mình. Trong chuyến thăm Pháp vào đầu năm 2021, Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Jumaah Enad Saadoon cho biết, Paris và Baghdad đang tiến hành đàm phán mua máy bay Rafale, trong đó tập trung vào các điều khoản thanh toán. Ông Saadoon không nêu cụ thể nội dung cuộc thảo luận nhưng cho biết Baghdad không có ý định kéo dài thời gian đàm phán. Một trong những yếu tố chính để máy bay chiến đấu Rafale được Không quân Iraq lựa chọn chính do khả năng chiến đấu đa năng. Sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và đặc điểm khí động học tuyệt vời giúp Rafale không chỉ đáp ứng được nhiệm vụ không chiến mà còn khả năng tấn công mặt đất bằng vũ khí chính xác cao và nhiệm vụ đột kích vào sâu trong hậu tuyến đối phương.

Bên cạnh đó, Rafale là loại máy bay hai động cơ nhưng có giá thành tương đương với chiếc Gripen một động cơ của Thụy Điển. Hơn nữa, tập đoàn Dassault còn cung cấp các loại vũ khí tối tân đi kèm với loại tiêm kích này. Đặc biệt, ngày 6-3, đơn vị máy bay chiến đấu của Không quân Pháp được trang bị tên lửa không đối không Meteor đã có chuyến bay thực tế đầu tiên, đánh dấu sự khởi đầu của việc tích hợp tên lửa đầy uy lực cho máy bay chiến đấu Rafale của nước này. Với thành công này, năm 2021 được dự báo là năm khởi sắc với Rafale.

BÌNH NGUYÊN