Nào là đội chủ nhà Nga có thứ hạng thấp nhất trong số 32 đội dự giải lại thắng đậm Saudi Arabia tới 5 bàn không gỡ; đội bóng châu Á-Nhật Bản thắng đội bóng khá mạnh của Nam Mỹ-Colombia 2-1; Iceland-một đất nước chỉ có hơn 300.000 dân nhưng đã thủ hòa đội bóng hàng đầu thế giới-Argentina 1-1... nhưng khi kết thúc vòng bảng, người hâm mộ lại thấy một kết cục quen quen.

Bất ngờ khó tin

Từ vị trí của một nhà đương kim vô địch, đội Đức gây thất vọng khi bị loại ngay từ vòng bảng. Tưởng rằng thua Mexico 0-1 ở trận ra quân chỉ là tai nạn nhưng thầy trò HLV Joachim Loew gục ngã với tỷ số 0-2 khi đối đầu với Hàn Quốc đã hết hy vọng đi tiếp. Điều đáng nói, đây là lần đầu tiên trong lịch sử của mình, đội tuyển Đức rơi vào cảnh trớ trêu này. Đức về nước sớm làm người hâm mộ liên tưởng đến tình cảnh tương tự của Pháp ở World Cup 2002. Lúc ấy, Pháp cũng là đương kim vô địch thế giới nhưng lại thua Senagal, Đan Mạch, hòa Uruguay ở vòng bảng và rời giải mà không ghi được bàn thắng nào. Năm 2010, đoàn quân Thiên thanh hòa Paraguay, New Zealand và thua Slovakia 2-3 ở vòng đấu bảng, chấp nhận kết cục về nước sớm. Cách đây 4 năm, Tây Ban Nha cũng vậy, họ sớm trở thành cựu vương khi thua Hà Lan 1-5 và Chile 0-2 và biết ngày trở về nước thuộc diện sớm nhất giải đấu năm ấy. Những kết cục trên cho thấy, bóng đá luôn tiềm ẩn những bất ngờ đến khó tin.

 Messi (phải) sẽ lấy lại hình ảnh của ngôi sao hàng đầu trong trận đấu đêm nay. Ảnh: FIFA.

Những ứng cử viên tiềm năng

Qua 48 trận vòng bảng, 32 đội bóng ghi được tổng cộng 122 bàn thắng (2,54 bàn/ trận) ít hơn World Cup 4 năm trước 14 bàn. Song, đó là con số dễ chấp nhận, bởi sự tiến bộ về thể lực, tư duy chiến thuật của những đội bóng vốn được xem là nhỏ.

Hơn nữa, World Cup diễn ra trong vòng một tháng, những đội muốn đến đích phải trải qua 7 trận đấu nên sự tính toán hơn, thiệt là điều khó tránh. Vì thế, vòng bảng vẫn còn có trận người xem chưa được mãn nhãn... Song từ truyền thống, từ những con người và chiến thuật trên sân, chúng ta vẫn phác họa ra các ứng cử viên hàng đầu trong việc đua giành chiếc cúp bóng đá danh giá nhất thế giới.

Trước hết, phải nói đến Brazil, một đội bóng có truyền thống lẫy lừng nhất, có đội hình đồng đều và phong độ ổn định. Sau trận đầu hòa không được như ý 1-1 trước Thụy Sĩ, guồng quay của Brazil mới vào nhịp và thắng dễ dàng Costa Rica 2-0. Tiếp mạch thắng lợi đó, Brazil loại thẳng thừng Serbia cũng với 2 bàn trắng. Việc ở vòng 1/8, đội quân của HLV Tite phải gặp một đối thủ khó chơi, lại cùng lối đá thiên về kỹ thuật như Mexico là một trở ngại; hay Neymar chưa thể hiện đúng phong độ làm giảm hiệu quả tấn công của Brazil... nhưng chúng tôi tin rằng, vòng đấu loại trực tiếp mới là lúc để vũ công Samba hòa nhịp.

Đội Bỉ được đánh giá rất cao không chỉ ở những thông số kỹ thuật đang diễn ra trên sân cỏ nước Nga (thắng cả 3 trận vòng bảng, ghi 9 bàn thắng và chỉ để lọt lưới 2 lần) mà là cả một quá trình từ vòng loại đến những trận đấu khởi động trước thềm World Cup. Đội Bỉ sẽ rất mạnh với thủ môn Courtois; các tiền vệ: K.Bruyne, E.Hazard; các tiền đạo: Lukaku, Batshuay... Một điểm sáng nữa của đoàn quân do HLV Martinez dẫn dắt là ý chí. Họ không tính toán thiệt hơn trong trận đấu với Anh, sẵn sàng đương đầu với Brazil ở vòng tứ kết (trong trường hợp cả hai đội vượt qua vòng 1/8).

Xem Croatia thi đấu với Nigeria, với Argentina ở vòng đấu bảng, thiết nghĩ các đội bóng dù đó là Brazil hay Bỉ đều phải đề phòng từ xa.

Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp... những tên tuổi lớn, có tiềm năng nhưng chưa thể hiện được nhiều ở vòng đấu bảng. Có thể là do họ ở những bảng đấu thuận lợi, tính chất của từng trận đấu khác nhau nên vẫn chưa bộc lộ hết khả năng. Tính chất vòng 1/8 là một mất một còn nên sau loạt trận đấu này, chúng ta sẽ nhận diện rõ hơn về họ.

Vẫn mới là đốm sáng

Những trận đấu: Iran hòa Bồ Đào Nha 1-1; Morocco hòa Tây Ban Nha 2-2; Úc hòa Đan Mạch 1-1; Nhật Bản thắng Colombia 2-1; Hàn Quốc thắng Đức 2-0... hóa ra chỉ mới là những đốm sáng của các đội bóng châu Phi, châu Á. Qua vòng đấu bảng, chúng ta nhận thấy, khoảng cách trình độ giữa các đội bóng châu Âu, Nam Mỹ với phần còn lại của thế giới xem ra còn quá lớn. Và việc cả 5 đội bóng châu Phi dừng bước ngay ở vòng đấu bảng; 4/5 đội bóng khu vực châu Á sớm rời nước Nga đã khẳng định châu Âu và Nam Mỹ vẫn sẽ thay nhau thống trị bóng đá thế giới.

Đâu là nét mới?

Qua 48 trận đấu, chúng ta chưa phát hiện được bất cứ một nét mới nào trong việc xây dựng đội hình chiến thuật cũng như tư duy khác lạ nào của 32 người ngồi ghế nóng ở World Cup lần này. Và có lẽ điều đáng bàn luận nhất thời điểm này là VAR.

Ai cũng biết, sai sót của trọng tài là một phần của bóng đá, từ lâu, con người đã gắng hạn chế tối đa và vì thế VAR ra đời. Tất nhiên, VAR chỉ là công cụ hỗ trợ và quyền quyết định vẫn là trọng tài nên vẫn chưa thể khắc phục triệt để những sai sót, nhất là trong những tình huống 50-50. Nhưng rõ ràng việc áp dụng VAR là bước đi thích hợp, có lợi cho bóng đá, giúp trọng tài tự tin và điều khiển trận đấu công bằng hơn. Song, bóng đá cũng nên học quần vợt trong việc áp dụng công nghệ. Chẳng hạn, ngoài suy nghĩ chủ quan dừng trận đấu xem lại VAR từ trọng tài, trong một hiệp đấu, mỗi đội sẽ được quyền đề nghị trọng tài dừng trận đấu, xem lại VAR một lần. Như vậy, ngoài sự công bằng, tránh cho trận đấu bị nát vụn, còn tạo tâm lý thoải mái hơn cho cầu thủ đôi bên.

World Cup 2018 đã bước vào giai đoạn loại trực tiếp và đêm nay người hâm mộ chắc sẽ mãn nhãn với hai trận đấu Pháp-Argentina; Uruguay-Bồ Đào Nha.

NAM THẮNG