Khát khao chiến thắng, tự tin ở sức mình và có đấu pháp hợp lý là điểm chung làm nền tảng để U.23 Việt Nam có được chặng đường chiến thắng giống tuyển quốc gia Croatia.
Tất nhiên đó là những nét giống bề ngoài và bên trong, còn thực chất Croatia ở đỉnh thế giới, hơn U.23 của ta rất nhiều. Nhiều đến mức không thể so sánh, từ tố chất, vóc dáng, thể lực đến trình độ chơi bóng, bản lĩnh thi đấu và các đối thủ của họ cũng vậy. Song, bóng đá dù ở đẳng cấp nào cũng có sự giống nhau do là cuộc chơi của 11 người theo cùng một luật thi đấu. Nhìn từ World Cup về Hà Nội để thấy con đường, cách thức, bài học phấn đấu đưa bóng đá nước nhà từng bước đi lên cả trước mắt và lâu dài.
Điều đầu tiên dễ thấy và cũng là điểm cơ bản nhất để các đội tuyển đạt được thành công dù nhiều ít khác nhau tại World Cup là tính tổ chức cao. Tuyển quốc gia khác nhiều với bóng đá CLB, không tuyển chọn được đúng con người có phong độ tốt, có ý thức đoàn kết, kỷ luật, khát vọng cống hiến và khả năng kết dính sẽ không có một đội bóng đúng nghĩa. Từ yêu cầu này, việc chọn HLV là khâu quyết định đầu tiên, kèm theo đương nhiên là sự thống nhất ý chí, phương pháp làm việc của Liên đoàn bóng đá đối với HLV trưởng và ban lãnh đạo đội bóng. Có thể thấy rất rõ khâu tuyển chọn và chuẩn bị ngay cả ở những đội bóng lớn nhưng sớm thất bại đều có những điều không ổn. Nhân sự và nội bộ của cả Argentina, Đức, Tây Ban Nha đều có những trục trặc, thiếu hợp lý.
Điều dễ thấy thứ hai là lối chơi. Không phải đến Russia 2018 phòng thủ chặt chẽ, khoa học mới trở nên phổ biến mà đã từ rất lâu rồi, phòng thủ đã là một cách chơi, một trường phái của môn chơi đối kháng tập thể. Có điều ở World Cup này, bóng đá thế giới đã đưa lối chơi này đến đỉnh cao mới cùng với những giải pháp khắc chế nó bằng các thủ đoạn chống phòng thủ. Chống và thoát pressing, tận dụng các tình huống cố định, ghi bàn thắng bằng đánh đầu là một nét nổi bật và phổ biến tại giải thế giới trên nước Nga.
U.23 Việt Nam đã đi theo hướng tổ chức lối chơi chặt chẽ, toàn đội tham gia phòng thủ, nhiều tầng với nòng cốt là hàng hậu vệ, tiền vệ trung tâm. Đội bóng trẻ Việt Nam vừa phối hợp, bọc lót nhuần nhuyễn, vừa tích cực, linh hoạt di chuyển không bóng, kiểm soát giữ vững thế trận, vừa tranh cướp, giành giật bóng, mở bóng phản công. Chúng ta đã có những con người để thực hiện khá thành công lối chơi này và hoàn toàn nên và có thể tiếp tục theo hướng đó. Có điều, chống bóng bổng và dùng bóng bổng để tạo thế công, cơ hội dứt điểm vẫn là điểm yếu cố hữu bởi chúng ta ít có những cầu thủ cao to chơi đầu giỏi ở các tuyến. Đây là chỗ cần sáng tạo cách thủ và công riêng của chúng ta. Hai bàn thua từ bóng bổng của U.23 Việt Nam trước Uzbekistan ở trận chung kết tại Thường Châu có nguyên do ở sự thiếu tỉnh táo trong kèm người và tranh chấp khi tập trung đối phó với cầu thủ cao nhất của đối phương mà để sổng các cầu thủ cận kề. Trên phương diện tấn công, chúng ta mới chỉ có Hà Đức Chinh đánh đầu ghi bàn trong cả chiến dịch Thường Châu. Điều này nên nghiên cứu có thể tăng nhân sự bóng bổng trong các tình huống cố định là một nhẽ, còn hướng chủ đạo trong dứt điểm vẫn là phù hợp tầm thấp và sút xa.
Trong những ngày World Cup đang diễn ra, V.League cùng các giải đấu bóng đá Việt Nam vẫn diễn ra theo lịch vạch sẵn nhằm tạo điều kiện cho U.23 và đội tuyển quốc gia tham gia các sự kiện châu lục và khu vực. Đáng mừng là đội ngũ trong quy hoạch các đội tuyển đều đã thể hiện được năng lực, phong độ, đồng thời các khâu chuẩn bị với lịch tập huấn giao hữu cho thấy là khá hợp lý. U23+ sẽ có cơ hội cọ xát với các đội mạnh trong giải mời giao hữu đầu tháng 8 tới đây. Điều đáng lưu ý với người hâm mộ không phải là chuyện ta “trả nợ” Uzbekistan ở giải này ra sao mà quan trọng là ta rèn sự phối hợp, các đòn miếng công-thủ, đồng thời phát hiện những điểm yếu, khâu yếu để chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi bước vào ASIAD 2018.
ANH NGUYỄN