Nhưng tại sao trong hoàn cảnh tương tự, Nhật Bản, Hàn Quốc lại gây được ấn tượng mạnh và kết quả đầy khích lệ? Và tại sao nhiều đội bóng hàng đầu thế giới, những đương kim vô địch và ứng cử viên vô địch cũng bị loại rất sớm? Tất cả đều có mẫu số chung về tính tổ chức. Ngay cả sự khát khao, tinh thần quyết thắng cũng khởi nguồn và phát huy bởi khả năng tổ chức mà nên.
Trước hết nói về các đội bóng châu Phi và Tây Á. Cuối thế kỷ trước, khi những Cameroon, Ghana, Senegal, Nigeria… tỏa sáng ở các kỳ World Cup 1990, 1994 và đặc biệt là Nigeria đã đoạt ngôi vô địch Olympic Atlanta (Mỹ) 1996, cả thế giới đều đồng thanh ngợi ca và tiên đoán bóng đá châu Phi một ngày nào đó sẽ vươn đến đỉnh cao thế giới bởi tố chất thể lực, tầm vóc và khả năng kỹ thuật ưu việt của những thanh thiếu niên nơi đây. Cùng đó là những đợt sóng chiêu mộ các tài năng châu Phi và Iran (Tây Á) đến với các giải đấu nhà nghề ở các nền bóng đá phát triển châu Âu. Nhưng rồi cái ngày mong đợi và kỳ vọng ấy cứ như càng thêm xa. Có lý do từ sự hạn chế trong kinh tế, xã hội nên các giải bóng đá quốc gia ở châu Phi và khu vực Tây Á chưa thể phát triển như mong muốn, trong khi những tài năng được phát hiện từ các dòng người nhập cư hoặc con cháu của họ nếu thành tài thì hầu hết lựa chọn đá cho đội tuyển nước sở tại. Thành công của tuyển Pháp vô địch Euro 1984 cho thấy điều ấy và càng rõ hơn khi Pháp lần đầu tiên đăng quang Mondial 1998, sau đó vô địch tiếp Euro 2000 với gần phân nửa số tuyển thủ có xuất xứ từ châu Phi.
Tuy nhiên "kho báu" người tài châu Phi không vì thế mà cạn kiệt, ngược lại vẫn tiếp tục sinh sôi trên quê hương họ hoặc từ các CLB châu Âu. 4 năm sau ngày Pháp lên đỉnh thế giới, họ đã bị những cầu thủ “hạng 2” ở các CLB Pháp tập hợp trong tuyển Senegal đánh bại ngay trận đầu ra quân tại World Cup 2002. Một Senegal cửa dưới hạ bệ Pháp mâm trên phán quyết xác đáng về một đội bóng yếu hơn nhưng được tổ chức tốt về tinh thần, kỷ luật hoàn toàn có thể vượt qua một đội bóng rệu rã vì lục đục, không xác định rõ mục tiêu và lối chơi.
Sau vài kỳ World Cup nữa qua đi, cả người ngoài cuộc lẫn trong cuộc mới nhận thấy rõ nguyên nhân trọng yếu nhất đã làm các đội bóng châu Phi không thể duy trì được tính ổn định của họ chính là khả năng tổ chức. Thói tự do vô kỷ luật và sự phân rã bởi các mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo là một nhẽ. Khả năng tuân thủ chiến thuật lại là điểm yếu cố hữu khác. Với các đội bóng Tây Á cũng vậy và điều này lý giải cho việc ngay các đội bóng ở “vùng trũng” Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia và Việt Nam không hề e ngại họ.
Một đội Pháp rệu rã đã lại tái hiện tại Nam Phi 2010, lần này còn tệ hại hơn, chẳng ai bảo được ai. Nhưng sau những bi kịch đen tối, đến năm 2018 này một đội quân Pháp mới đã được xây dựng đầy sinh khí dưới bàn tay nhào nhặn hợp lý, hợp tình của HLV D.Deschamps, trong khi những đối thủ lớn nhất của họ đều đã rời cuộc chơi với những éo le, rắc rối, rào cản do họ tự tạo ra. Với Tây Ban Nha là sự bất cập của HLV “chữa cháy” bị động. Với Đức, Argentina và cả Bồ Đào Nha là lòng tin mù quáng gửi gắm vào những cầu thủ đã sa sút phong độ…
Nếu như khoa học tổ chức của người Đức và nhiều quốc gia châu Âu làm nên sức mạnh cho đội tuyển của họ ở nhiều World Cup đã gặp phải sai số trong kỳ này, thì có thể nói rằng trong cả 8 đội vào đến tứ kết thứ đặc sản của Đức đã được họ học tập và vận dụng thành công. Đó là lối chơi cân bằng công thủ tạo thế trận chặt, kín trong phòng thủ và giàu đột biến, hiệu quả trong tấn công với nhiều phương án. Các đội Pháp, Croatia nổi tiếng hào hoa trong quá khứ nhưng giờ đây lì lợm, khó lường hơn. Bỉ đa dạng, sắc sảo hơn hẳn trong tấn công trên cơ sở vẫn khôn ngoan đúng kiểu “Quỷ đỏ”. Đội bóng trẻ Anh vào giải này đã cho thấy họ đã vượt qua được chỗ yếu tâm lý mà tự tin lên rất nhiều trong các bài bản phòng thủ và các đòn miếng tấn công đa dạng hơn. Thụy Điển vẫn đấu thể lực và bóng bổng song vững chắc hơn trong pressing. Riêng với Nga, nếu không tính toán, không tạo được sự gắn kết của thế trận toàn đội phòng thủ-phản công mà vẫn hồn nhiên, rời rạc và chậm chạp như xưa không thể có kết quả cho đến lúc này được xem là vượt trên khả năng, vượt trên mong muốn.
Đến các đội bóng Nam và Trung Mỹ cũng đã từ lâu bớt đi thứ bóng đá trình diễn hoa mỹ với kỹ thuật cá nhân điêu luyện, thay bằng sự phối hợp tập thể trong lối đá thực dụng. Ở World Cup này Brazil và Uruguay trở thành các đội bóng hoàn hảo, toàn diện và chắc chắn bậc nhất. Tóm lại Russia 2018 không có Italia và Đức đã sớm rời cuộc nhưng lại thấy “chất Ý”, “chất xe tăng Đức lầm lì” hiện diện diện trong các đội bóng.
Bước vào thời Cách mạng công nghiệp 4.0, tính khoa học, chính xác trong tổ chức đội bóng, xây dựng lối chơi và vận hành chiến thuật càng làm thay đổi tư duy chơi bóng. Sự chắc chắn và hiệu quả của bóng đá lý trí đương nhiên làm giảm đi sự ngẫu hứng tươi mát. Xem bóng đá bây giờ cũng phải suy tính nhiều hơn, người xem cứ phải nhìn sân bóng như bàn cờ.
ANH NGUYỄN