Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh bốn năm mới có một lần sẽ làm ảnh hưởng, xáo trộn cuộc sống hằng ngày, dù mức độ ít nhiều khác nhau. Trực tiếp nhất là tác động đến V-League và Giải hạng Nhất đang diễn ra lượt về đồng thời với Russia 2018.

Năm nay bóng đá Việt Nam được tham gia rất nhiều giải đấu của khu vực và châu lục, từ các lứa U.19 đến tuyển quốc gia. Mong mỏi, phấn đấu căng sức cả năm và nhiều năm chúng ta mới giành được những thành tích-quyền lợi như vậy nên lịch thi đấu các giải quốc nội phải được sắp xếp hợp lý nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các đội tuyển thi đấu, bắt đầu ngay từ tháng 8 tới đây với Asian Games tại Indonesia. Vậy thì làm thế nào để khắc chế được phần tiêu cực từ World Cup đến các giải quốc gia?

Người nào việc nấy, giờ nào việc nấy-nguyên lý và phương châm sống nói chung là phải vậy-vui World Cup không quên nhiệm vụ. Giờ nào có thể xem, trận nào có thể xem trực tiếp và trận nào chỉ nên xem lại. Chỉ có thế ta mới có thể bảo đảm được sự tập trung cao nhất cho mỗi trận đấu đích thực “của mình”. Tập trung, tập trung và tập trung-hằng ngày, các HLV và cầu thủ đều động viên, truyền mệnh lệnh như vậy trong các buổi tập và trong suốt 90 phút của mỗi trận đấu. Dịp song hành giải quốc nội và giải thế giới, sự động viên, mệnh lệnh ấy càng trở nên cần thiết, càng phải có kế hoạch chuẩn bị chu đáo.

Không có sự đoàn kết, cả đội bóng không cùng nhìn về một hướng, không thể có sự tập trung cao độ thì đến các đội tuyển lừng danh nhất cũng thất bại. Nhưng để có sự tập trung đòi hỏi mỗi CLB và HLV phải chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhất của mỗi vị trí, mỗi cầu thủ. Đội tuyển lừng danh nhất thế giới là Brazil hầu như không giải thế giới nào không được xem là ứng cử viên vô địch số 1, số 2, nhưng hai lần World Cup trên sân nhà vào những năm 1950 và 2014 đều thất bại. Những kỳ 1982, 1998, 2010, cả thế giới nức nở về những đội hình đẹp như mơ của bóng đá Samba nhưng Samba đều đã không thể nổi lên. Đội Pháp vô địch thế giới 1998 và liền sau đó là vô địch EURO 2000, song ngay trận đầu tiên tại World Cup 2002 đã thua trắng đội “vô danh” Senegal rồi sớm về nước.

Nguyên do thì nhiều nhưng có điều rất rõ ràng từ sự thiếu hợp lý trong các trạng huống chuẩn bị chi tiết. Năm 1998, tại sao tuyển thủ quan trọng nhất của Brazil là Ronaldo (béo) lại đột ngột bị choáng trước trận chung kết? Năm 2002, tuyển thủ hy vọng nhất của Pháp là Zidane thì bị chấn thương lãng xẹt trong một trận khởi động trước ngày vào giải với một đội bóng địa phương Hàn Quốc… Chỉ một cầu thủ-một mắt xích không có được thể trạng, tâm lý tốt là cả guồng máy đội bóng xộc xệch.

Trở lại với bóng đá nước nhà, ngay trước ngày World Cup khai cuộc, chúng ta đã được chứng kiến sự mất tập trung của Hoàng Anh Gia Lai trước Quảng Nam FC để rồi đã hai lần dẫn trước cuối cùng vẫn bị thua ngược 2-3. Trước đó là trận dẫn 2-0 rồi bị CLB TP Hồ Chí Minh gỡ 2-2… Có lý do ở sự non yếu của hàng thủ nhưng sự thiếu tập trung của khâu phòng ngự và cả đội rõ ràng đã dẫn đến những bàn thua bất ngờ, đáng tiếc.

Sự tập trung không tự nhiên mà có kể cả ở những đội bóng toàn sao. Tại sao Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha quyết định loại ngay lập tức HLV Lopetegui dù ông tài năng và có công lớn giúp đội tiến một mạch vượt qua vòng loại? Họ lo rằng HLV vừa ký hợp đồng nắm CLB Real Madrid vào mùa tới mà không thông báo sẽ là mầm mống gây nên sự bất ổn giữa các cầu thủ của Barcelona và với nhóm Real cũng như sự thiếu kỷ luật của ông.

Nhân chuyện về sự tập trung cần nhắc lại kỳ tích U.23 Việt Nam tại Thường Châu, Trung Quốc vừa qua. Suốt 90 phút rồi 120 phút, rồi đá luân lưu, không trận nào, không phút nào cả 11 người trên sân chểnh mảng, lơ là. Quyết tâm, máu lửa trên nền kỹ thuật nhưng nếu không tập trung thì họ không thể thực hiện thành công chiến thuật của HLV Park Hang-seo.

Xa và gần để thấy kỷ luật, sự tập trung phải trải qua rèn luyện, phải ngấm vào máu mỗi cầu thủ và phải được chăm lo, quán xuyến kỹ càng. Song trùng giải trong nước và World Cup những ngày này là một thách thức, nhưng nếu chuẩn bị tốt lại chính là một dịp để rèn luyện nền nếp, kỷ luật và thói quen giờ nào việc nấy.

NGUYỄN ANH