Lâu nay, vấn đề xin tài trợ cho các đội tuyển, các giải đấu rất khó khăn. Nói không đâu xa, vừa qua nhân Giải cầu lông quốc tế Ciputra Hà Nội 2017, Ban tổ chức trong buổi họp báo một mặt vui mừng thông báo số tiền tài trợ cho giải tăng cao, một mặt vẫn nhờ cánh phóng viên có quen doanh nghiệp, “Mạnh Thường Quân” nào thì có thể mời gọi tài trợ thêm cho giải.
Tiến Minh là số ít VĐV nước nhà được tài trợ lớn với số tiền lên đến 50.000 USD/năm (chưa kể trang phục, vợt thi đấu) từ một thương hiệu Nhật Bản. Ở Giải cầu lông quốc tế Ciputra Hà Nội 2017, nhà tài trợ yêu cầu phải có Tiến Minh và các tay vợt đơn nam, đơn nữ hàng đầu Việt Nam tham dự. Có Tiến Minh, nhà thi đấu Cầu Giấy, nơi diễn ra Giải cầu lông quốc tế Ciputra Hà Nội 2017 hôm nào cũng chật kín khán giả. Những người tổ chức giải đấu hoan hỉ vì giải thu hút đông CĐV, nhà tài trợ vui mừng vì thương hiệu được nhiều người biết đến… chứ không như một số giải đấu khác chỉ lèo tèo vài người hâm mộ đến xem. Như giải điền kinh vô địch quốc gia chẳng hạn, tổ chức ở sân Mỹ Đình, Hàng Đẫy (Hà Nội), hay sân Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh)… chẳng mấy khi thu hút được đông CĐV đến xem, cổ vũ. Thế nên, vừa qua, việc hãng sản xuất đồ dùng thể thao Li-Ning tài trợ cho hàng loạt VĐV điền kinh hàng đầu Việt Nam quả là tín hiệu đáng mừng.
Các VĐV điền kinh, cầu lông Việt Nam được Li-Ning tài trợ. Ảnh: Tùng Nguyễn
Năm 2016, Li-Ning đã ký hợp đồng tài trợ cho toàn bộ đội tuyển điền kinh quốc gia trong 5 năm (từ 2017 đến 2021), với gói tài trợ trị giá 1 tỷ đồng/năm. Đến năm nay, Li-Ning tiếp tục tài trợ cho cá nhân nhằm hỗ trợ VĐV tập luyện và thi đấu. Các tuyển thủ điền kinh quốc gia được Li-Ning tài trợ gồm: Nguyễn Thành Ngưng (Đà Nẵng, đi bộ), Dương Văn Thái (Nam Định, 800m, 1.500m), Nguyễn Thị Huyền (Nam Định, 400m và 400m rào), Quách Thị Lan (Thanh Hóa, 400m và 400m rào), Nguyễn Thị Oanh (Hà Nội, 100m, 200m), Bùi Thị Thu Thảo (Hà Nội, nhảy xa), Lê Tú Chinh (TP Hồ Chí Minh, 100m, 200m), Vũ Thị Ly (Ninh Bình, 800m, 1.500m), Hoàng Thị Thanh (Biên phòng, marathon). Ngoài các VĐV điền kinh, trong đợt này Li-Ning còn ký hợp đồng với hai tay vợt cầu lông Hà Nội là Phạm Hồng Nam và Lê Thu Huyền.
Các tuyển thủ điền kinh quốc gia nói trên đều là những gương mặt được kỳ vọng sẽ giành HCV tại SEA Games lần thứ 29-2017. Trong số này, Nguyễn Thành Ngưng, Nguyễn Thị Huyền từng tranh tài ở Ô-lim-pích Rio 2016. Trò chuyện với chúng tôi, tuyển thủ quân đội Hoàng Thị Thanh cho biết: “Tôi rất vui mừng và vinh dự khi được Li-Ning tài trợ. Đây là sẽ động lực để tôi phấn đấu đạt được những thành tích trong tương lai”.
Lý do Li-Ning tài trợ dài hạn cho đội tuyển điền kinh và cá nhân các VĐV điền kinh Việt Nam, xuất phát từ việc khoảng một thập niên trở lại đây, điền kinh Việt Nam đã bắt đầu cạnh tranh sòng phẳng với điền kinh Thái Lan ở các giải đấu trong khu vực. Còn ở tầm châu lục, điền kinh Việt Nam cũng giành được nhiều huy chương giá trị. Hai kỳ SEA Games trở lại đây, đặc biệt tại SEA Games 28 vừa qua, điền kinh Thái Lan đã bắt đầu lo sợ viễn cảnh bị Việt Nam qua mặt. Cơ sở để khẳng định khả năng cạnh tranh sòng phẳng ngôi đầu khu vực của điền kinh Việt Nam trong 1, 2 kỳ SEA Games tới, chính là việc sở hữu một đội ngũ trẻ tài năng, nổi bật ở các cự ly 400m, 400m rào nam và nữ, 100 và 200m nam, marathon nam và nữ… Thực tế, VĐV Thái Lan đã thua trực tiếp Việt Nam trong một số cuộc đấu mà trước đó họ chiếm thế thượng phong, như: 200m nam, 400m rào nữ, tiếp sức 4x400m nữ. Đặc biệt, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Thúy, Nguyễn Thị Huyền đã vượt đội Thái Lan để giành HCV SEA Games 28-2015 ở nội dung tiếp sức 4x400m nữ, mà bạn từng giữ suốt 5 kỳ SEA Games, cũng như giành cả HCV ASIAD và dự đấu trường Ô-lim-pích.
Li-Ning tin tưởng rằng, với sự đầu tư đúng tầm, cộng với việc đang sở hữu một dàn VĐV trẻ tài năng, điền kinh Việt Nam sẽ chiếm ưu thế ở các giải đấu khu vực trong tương lai gần.
MINH HÀ