Rèn luyện để đáp ứng yêu cầu cao về thể lực

Bồi dưỡng, rèn luyện cho học viên một cách toàn diện là mục tiêu mà tiết thứ 9 của Trường Sĩ quan Lục quân 1 hướng tới. Học viên đào tạo của nhà trường không chỉ được trang bị kiến thức, truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý, chỉ huy, chiến đấu, huấn luyện bộ đội mà còn được bồi dưỡng về phẩm chất, nhân cách theo mục tiêu yêu cầu đào tạo, rèn thể lực và tính kỷ luật. Do vậy, việc rèn luyện thể lực được coi là một yêu cầu không thể thiếu đối với học viên. Đã thành thói quen, cứ đến giờ thể thao chiều, các đơn vị lại sôi động và đầy không khí tranh tài ở các nội dung rèn luyện thể lực. Đó là những hoạt động tăng sự bền bỉ, dẻo dai, tăng sức chịu đựng cho học viên, đáp ứng yêu cầu thực hiện các hoạt động quân sự của bộ đội. Đây còn là sân chơi bổ ích để học viên phát huy khả năng, sở trưởng của mình trong các hoạt động quân sự, nhất là các hoạt động hội thi, hội thao do đơn vị và nhà trường tổ chức.

Học viên Tiểu đoàn 3, Trường Sĩ quan Lục quân 1 luyện tập thể lực.

Thực tiễn cho thấy, việc duy trì nền nếp các chế độ sẽ tạo thói quen để cán bộ, học viên tự ý thức việc rèn luyện thể lực cho bản thân ngay từ khi vào trường cũng như sau khi tốt nghiệp ra trường. Đại tá Đỗ Văn Khuyến, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 cho biết: Ngay từ đầu năm học, đơn vị đã xây dựng kế hoạch thực hiện tiết thứ 9, giờ thể thao chiều cho bộ đội một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế. Với đặc thù, đơn vị quản lý học viên chuyên ngành trinh sát năm thứ 2, thứ 3 và thứ 4, chúng tôi đặt ra yêu cầu cao về thể lực, nhất là học viên hai năm cuối. Đây là đối tượng sẽ thực hiện nhiệm vụ diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp. Để hoàn thành nhiệm vụ, học viên phải có sức khỏe tốt.

“Khoe” với chúng tôi về kết quả của việc rèn luyện thể lực ở đơn vị, anh Khuyến chia sẻ: “Hội thao quân sự năm học 2021-2022, đơn vị tôi giành giải nhất toàn đoàn. Trong đó, giải nhất bóng đá, võ chiến đấu tay không; giải nhì vượt vật cản huấn luyện thể lực, bơi vũ trang của sĩ quan và chạy 3.000m vượt chướng ngại vật. Giải ba: Bơi vũ trang của học viên, 4 môn thể thao quân sự phối hợp liên hoàn và chạy việt dã 7.000m...".

Mồ hôi trên bãi tập... sức khỏe cho chặng đường quân ngũ

Đại úy Trần Văn Ba, Phó đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 3 kể: "Trên cơ sở kế hoạch của đơn vị, từng đại đội vận dụng linh hoạt vào thực tế để học viên vừa được bồi dưỡng kỹ năng chỉ huy, kỹ năng tiến hành hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, đồng thời vẫn có thời gian tham gia thể dục thể thao, rèn luyện thể lực và tăng gia sản xuất. Chúng tôi không chỉ rèn học viên mà luôn tạo sự hấp dẫn trong các hoạt động, tạo hứng thú trong từng buổi tập. Việc rèn thể lực cho học viên ở đơn vị thực sự trở thành sân chơi để bộ đội phát huy thế mạnh sở trường, năng khiếu của mình trong các hoạt động văn nghệ, thể thao".

"Thực mục sở thị" điều Đại úy Trần Văn Ba chia sẻ, chúng tôi có mặt tại khu rèn luyện thể lực. Một bầu không khí luyện tập của đơn vị diễn ra sôi nổi. Nhóm tập tại khu luyện tập thể lực ngoài trời, nhóm đang tự hướng dẫn, giúp nhau tập co tay xà đơn... Cuốn theo các hoạt động tiết thứ 9, giờ thể thao chiều của học viên Tiểu đoàn 3, chúng tôi giật mình, tiết trời ngày đông đã sập tối nhưng các học viên vẫn đang hăng say tập luyện, những giọt mồ hôi đã rịn ướt áo quân nhu.

Học viên Trần Văn Hải, Trung đội 13, Đại đội 9 cho hay: “Hoạt động tiết thứ 9, giờ thể thao chiều trở thành một chế độ không thể thiếu với học viên. Nhất là giai đoạn hiện nay, học viên năm thứ 3 đang chuẩn bị bước vào diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp, ngoài chế độ luyện tập quy định, chúng tôi tự ý thức, tự rèn luyện vào sáng sớm, ngày nghỉ, giờ nghỉ với các hình thức khác nhau như: Đeo ba lô cát với trọng lượng tăng dần từ 20 đến 35kg, leo cầu lang, chạy đường bằng... để có thể lực tốt nhất tham gia diễn tập. Việc rèn luyện thể lực trở thành thói quen sinh hoạt của cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên nhà trường. Điều này giúp chúng tôi phát triển toàn diện cả về thể lực, trí lực đồng thời biết khai thác, sử dụng tối đa công năng bãi tập dụng cụ thể lực được trang bị để chuẩn bị cho các hoạt động thực tập, tốt nghiệp...".

Việc thực hiện tiết thứ 9, giờ thể thao chiều không chỉ giúp cán bộ, học viên, nhân viên chủ động rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe mà nhà trường còn phát hiện, bồi dưỡng những đồng chí có tố chất thể thao, làm hạt nhân nòng cốt tham gia thi đấu cấp toàn quân. Đồng thời, phát huy hiệu quả vai trò trợ giáo của cán bộ các cấp trong việc rèn luyện thể lực, các kỹ năng chỉ huy cho bộ đội, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian học tập, rèn luyện tại trường và sau khi tốt nghiệp ra trường công tác.

Bài và ảnh: LÊ THỊ QUYẾT