Nhân Ngày Thể thao Việt Nam (27-3), phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với TS Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục TDTT xung quanh nội dung này.
 |
TS Trần Đức Phấn. |
Phóng viên (PV): Thưa ông, đến nay, ngành TDTT đã làm được những gì trong Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 của Chính phủ?
TS Trần Đức Phấn: Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề phát triển thể lực và tầm vóc người Việt Nam. Điều đó được thể hiện ở Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28-4-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 (đề án). Trong đề án đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành cũng như mục tiêu cụ thể theo hai giai đoạn: Thực hiện thí điểm giải pháp đồng bộ về dinh dưỡng và TDTT (2011-2020); thụ hưởng thành quả của giai đoạn 1 để thực hiện mở rộng phạm vi toàn quốc và hoàn thiện đề án (2021-2030). Không chỉ có Tổng cục TDTT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà đề án còn có sự tham gia, phối hợp của các bộ: Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lao động-Thương binh và Xã hội...
 |
Giải bóng đá truyền thống năm 2021 của Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ, TP Hà Nội).Ảnh: HOA LƯ. |
Đến nay, hoạt động TDTT trường học được duy trì; phương pháp, nội dung, hình thức đã có những đổi mới nhất định, bước đầu đóng góp thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên. Trong năm học 2019-2020, số học sinh tham gia hoạt động TDTT tăng từ 15,8% lên 31%; tổng số học sinh đạt tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại thể lực theo tuổi tăng từ 11,3% lên 23,5% so với năm 2015. Hiện nay, 100% nhà trường có đủ trang thiết bị, dụng cụ phục vụ môn học Giáo dục thể chất (GDTC). Theo khảo sát do Tổng cục Thống kê và Viện Dinh dưỡng Quốc gia thực hiện trong năm 2020 cho thấy, nam thanh niên Việt Nam trong độ tuổi 18 đã có chiều cao trung bình là 168,1cm, nữ đạt 156,2cm, vượt mục tiêu của đề án. Ngoài ra, mục tiêu chạy tùy sức 5 phút tính quãng đường trung bình 1.050m với nam 18 tuổi và 850m với nữ; lực bóp tay thuận đạt trung bình 45kg với nam 18 tuổi và 30kg với nữ năm 2020 về cơ bản đã hoàn thành.
PV: Bên cạnh yếu tố di truyền và dinh dưỡng, sự rèn luyện thân thể đóng vai trò quyết định tầm vóc con người. Những năm qua, thực trạng phát triển phong trào TDTT, đặc biệt là trong học đường của Việt Nam như thế nào?
TS Trần Đức Phấn: Số lượng học sinh tham gia TDTT chính khóa và ngoại khóa không ngừng được tăng lên mỗi năm. Nhiều trường có các câu lạc bộ thể thao mạnh, đóng góp nhiều vận động viên năng khiếu cho đội tuyển thể thao địa phương. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể thì TDTT học đường vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chưa có một giải pháp đồng bộ trong việc thực hiện điều này, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, nhất là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. 10 năm qua, hoạt động TDTT trong học đường của đề án chưa được triển khai mạnh mẽ. Việc phát triển nâng cao thể lực, tầm vóc phải bắt đầu từ các cháu còn nhỏ. Đến nay, chuyện lựa chọn các bộ môn thể thao phù hợp cho trẻ, sử dụng dinh dưỡng như thế nào vẫn chưa được thống nhất. Tâm lý của xã hội vẫn xem GDTC là môn học phụ. Đội ngũ giáo viên môn GDTC vừa thiếu vừa yếu, chưa có chuyên môn sâu về lĩnh vực thể thao và chưa tạo được sự hứng thú cho người học. Thực tế cho thấy, chúng ta vẫn chưa có đủ nguồn lực để phát triển TDTT học đường. Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngành TDTT cần có chiến lược phát triển, nâng cao tầm vóc người Việt Nam. Về vấn đề này, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch và sẽ sớm trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
PV: Cuộc sống càng phát triển thì càng cần phải hình thành phong trào toàn xã hội chăm lo phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
TS Trần Đức Phấn: Trong giai đoạn hiện nay, tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải đẩy mạnh việc chăm lo sức khỏe con người. Muốn làm được điều đó thì phải có hệ thống cơ sở vật chất TDTT để cho người dân được tập luyện. Chăm lo sức khỏe là chăm lo cho tương lai. Bố, mẹ phải khỏe thì sinh ra con mới khỏe. Bên cạnh đó, các gia đình cần sớm hình thành ý thức rèn luyện thân thể cho con trẻ ngay từ còn nhỏ. Ngoài những người rèn luyện TDTT thường xuyên, chúng ta cần có nhiều hơn nữa những gia đình thể thao. Có một thực tế cho thấy, hầu hết các phụ huynh chưa có sự quan tâm về vấn đề này. Tôi từng có dịp khảo sát một số trường học thấy rằng, rất nhiều học sinh Việt Nam hiện nay bị cận thị. Điều đó chứng tỏ hằng ngày các em tiếp xúc quá nhiều với internet, điện thoại thông minh mà chưa dành thời gian cho các hoạt động thể chất. Tâm lý của nhiều phụ huynh hiện nay vẫn luôn mong thành tích học tập của con phải tốt, giành được giải thưởng này, danh hiệu kia mà quên mất trẻ nhỏ cần phải được vận động, rèn luyện thân thể...
PV: Trong thời gian tới, ngành TDTT sẽ có những biện pháp gì để tháo gỡ những khó khăn trên, thưa ông?
TS Trần Đức Phấn: Phát triển thể lực, nâng cao tầm vóc người Việt Nam là nhiệm vụ chung của toàn xã hội chứ không riêng của một đơn vị nào. Thời gian tới, Tổng cục TDTT sẽ tiến hành sơ kết đề án để nhìn nhận những gì ngành TDTT đã và chưa làm được, từ đó sẽ có những đánh giá, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan tới chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển GDTC và thể thao trường học. Tổng cục TDTT đề nghị Nhà nước cần tăng cường đầu tư kết hợp với huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa, các nguồn vốn viện trợ chính thức để tiếp tục đầu tư vào cơ sở vật chất TDTT trong trường học; khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia tài trợ, đầu tư và liên doanh, liên kết trong việc triển khai các hoạt động liên quan tới đề án. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế-xã hội; xây dựng các cổng thông tin điện tử của đề án và thiết lập cơ sở dữ liệu về phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam ở các trường học... Nếu huy động được nguồn lực của toàn xã hội và triển khai đề án một cách bài bản, tôi tin rằng thể lực, tầm vóc người Việt sẽ không ngừng được cải thiện.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
HỮU TRƯỞNG (thực hiện)