Tiếp đó, ngày 27 tháng 3 năm 1946, Người thay mặt Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 38 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục. Cùng ngày, Người viết bài “Sức khỏe và Thể dục” đăng trên Báo Cứu Quốc - cơ quan của Mặt trận Việt Minh kêu gọi toàn dân tập thể dục.
Dưới sự lãnh đạo của Chính phủ và của Bác, ngành TDTT non trẻ đã phát động phong trào "Khỏe vì nước", "Khỏe để kháng chiến kiến quốc", với những ngày hội khỏe, ngày thanh niên vận động thu hút đông đảo nhân dân, nhất là các tầng lớp thanh niên trí thức tham gia. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, các phong trào: "Thể dục vệ sinh" trong trường học; "Chạy nối liền Nam-Bắc", "Luyện vai trăm cân, luyện chân vạn dặm" trong thanh, thiếu niên, các lực lượng vũ trang; "Câu lạc bộ sức khỏe ngoài trời" ở phố phường, xóm, làng... đã góp phần xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, tiếp sức vượt Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam.
Bác Hồ chơi bóng chuyền với các chiến sĩ bảo vệ. Ảnh tư liệu.
Sau chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975, cả nước thống nhất, ngành thể thao chuyển hướng với nhiệm vụ "Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Các phong trào “Xây dựng các điển hình tiên tiến về TDTT” nhanh chóng lan rộng và đến năm 1980 đã trở thành Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” diễn ra trong cả nước. Từ đó đến nay, phong trào TDTT ngày càng lan rộng, phát triển trong các đối tượng, trên các địa bàn với nhiều hình thức phong phú, nhiều môn thể thao mới được phổ biến, nhiều mô hình tổ chức mới được hình thành. Toàn ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân mỗi người chọn cho mình một môn thể thao để rèn luyện, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh việc phát triển TDTT quần chúng, từ khi thành lập ngành, Đảng và Nhà nước rất quan tâm phát triển thể thao thành tích cao. Ngay từ đầu thập niên 1960, những tuyển thủ được tôi luyện đã tham dự Đại hội thể thao GANEFO và đã giành được nhiều thành tích đáng khích lệ. Đặc biệt, thành tích vượt kỷ lục thế giới của xạ thủ Trần Oanh-người sau này được Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế (IOC) công nhận là VĐV xuất sắc nhất thế kỷ 20 của Việt Nam-tại Giải bắn súng quân đội các nước XHCN năm 1962 đã đưa thể thao Việt Nam có tên trên bản đồ thể thao thế giới.
Kể từ khi hội nhập, thể thao Việt Nam đã có 2 tấm HCB Ô-lim-pích, 11 HCV ở đấu trường ASIAD và nhiều huy chương cao quý ở các giải vô địch thế giới, SEA Games… Các VĐV: Trần Hiếu Ngân, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Thúy Hiền, Trần Quang Hạ, Hồ Nhất Thống, Nguyễn Hoàng Ngân, Phạm Hồng Thắm, Vũ Thị Nguyệt Ánh, Lê Bích Phương, Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương, Lê Quang Liêm, Dương Thúy Vi, Hoàng Xuân Vinh, Ánh Viên... đã tiếp nối truyền thống của các thế hệ VĐV đi trước, làm rạng danh thể thao nước nhà.
Ảnh minh họa/nguồn internet.
Việc mở rộng quan hệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thể thao đã góp phần tích cực vào việc tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân ta với bạn bè quốc tế; đồng thời tranh thủ được sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức thể thao quốc tế về đào tạo cán bộ, VĐV, HLV, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật TDTT để từng bước nâng cao thành tích thể thao của Việt Nam.
Trong lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng công tác TDTT-một bộ phận không thể thiếu trong chính sách phát triển kinh tế-xã hội, nhằm bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, tạo sức mạnh và động lực phát triển đất nước. Những văn kiện của Đảng và Nhà nước là nền tảng cơ bản về quan điểm, tư tưởng, về xây dựng tổ chức, về hoạt động TDTT qua các thời kỳ, hướng TDTT phục vụ đắc lực nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần rèn luyện con người mới phát triển toàn diện.
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục thể thao đến năm 2020 và Quyết định số 2198/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020, Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tiếp tục được đẩy mạnh để đóng vai trò quyết định thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của TDTT quần chúng, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong giai đoạn mới, góp phần tạo được những thành tựu hết sức quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực của toàn dân. Tính đến nay, tỷ lệ người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đã đạt 28,3%, số gia đình thể thao đạt 20,1%; tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia tập luyện thể dục, thể thao ngoại khóa đạt 71%; 100% cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang thường xuyên tập luyện TDTT… Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước và quân đội cũng đã “chú trọng phát triển TDTT trong lực lượng vũ trang đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; phát huy vai trò của lực lượng vũ trang trong việc phát triển TDTT của nhân dân trên từng địa bàn, nhất là ở vùng biên giới, vùng cao, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Ngành TDTT đã không ngừng phấn đấu, phát huy sáng tạo, tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách về thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam, tăng tuổi thọ và cải thiện chất lượng giống nòi; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Ngành TDTT cũng góp phần quan trọng thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế, mở rộng hợp tác, đối ngoại của Đảng và Nhà nước; nâng cao vai trò, vị thế, hình ảnh của đất nước và con người Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Những đóng góp to lớn của ngành TDTT được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận bằng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý, đặc biệt là tấm Huân chương Độc lập hạng nhất mà Tổng cục TDTT vinh dự đón nhận trong lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành.
Bên cạnh những thành tích đáng khích lệ, thời gian qua, ngành TDTT cũng còn có những bất cập, vướng mắc chưa tháo gỡ kịp thời nên chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân. Diện tích dành cho việc tập luyện TDTT còn thiếu, nhất là các cơ sở vật chất phục vụ cho thể thao thành tích cao; công tác xã hội hóa TDTT còn chậm, chưa thật hiệu quả; nạn tiêu cực, bạo lực trong bóng đá vẫn còn tồn tại... Thời gian tới, ngành TDTT sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ về phát triển TDTT, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tích cao hơn nữa, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
------
VƯƠNG BÍCH THẮNG - Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch