Giê-phơ-xơn sau khi nhập tịch Việt Nam lấy tên là Nguyễn Trung Sơn. Mùa giải 2014, cầu thủ Bra-xin này chia tay đội bóng QNK Quảng Nam. Mùa bóng 2015, dù thất nghiệp nhưng khi trở về quê nhà Bra-xin, Nguyễn Trung Sơn vẫn duy trì luyện tập với mong muốn có cơ hội được quay trở lại Việt Nam.

Lẽ thường, ở tuổi 34 (vào mùa bóng trước), Nguyễn Trung Sơn đã có thể treo giày, nhưng tiền vệ cho biết rất thích chơi bóng ở V-League. Nguyễn Trung Sơn cũng thừa nhận khi đã ở phía bên kia sườn dốc sự nghiệp thì mức lương khoảng 1.000USD/tháng là sống quá ổn ở miền sông nước Cửu Long. Nguyễn Trung Sơn là điển hình cho phong trào nhập tịch cầu thủ ở V-League. Giống như một vài cầu thủ nhập tịch khác như Van Ba-ken (FLC Thanh Hóa), Nguyễn Trung Sơn đã lấy vợ Việt Nam nhưng mối lương duyên này không được lâu. Anh cho biết: “Dù cuộc hôn nhân ở Việt Nam đổ vỡ nhưng tôi vẫn tin rằng mảnh đất hình chữ S là nơi tôi có thể kéo dài sự nghiệp sân cỏ, và biết đâu sẽ lại tìm được hạnh phúc trong hôn nhân”. Tính chuyện lâu dài ở Việt Nam, Nguyễn Trung Sơn đang chuẩn bị học lấy bằng HLV. Mơ ước của cầu thủ gốc Bra-xin này là “trong tương lai không xa, tôi có thể trở về mái nhà xưa QNK Quảng Nam để làm HLV đội trẻ. Tôi thích cuộc sống ở Tam Kỳ hay Đà Nẵng bởi người dân ở đây hiếu khách, thân thiện. Tôi hy vọng sẽ làm việc ở Tam Kỳ trong thời gian tới”.

leftcenterrightdel
 

Hoàng Vũ Xam-xơn (giữa) thuộc số ít ngoại binh nhập tịch vẫn đang có phong độ tốt ở V-League.

Trong số các cầu thủ nhập tịch Việt Nam còn đang thi đấu ở V-League, thì cái tên nổi bật hơn cả là Hoàng Vũ Xam-xơn của Hà Nội FC. Đến Việt Nam từ năm 19 tuổi, Xam-xơn đã trải qua 8 năm thi đấu ở V-League và nhanh chóng trở thành tay săn bàn hàng đầu ở giải đấu. Trong 2 mùa giải liên tiếp 2013 và 2014, anh đều đoạt danh hiệu “Vua phá lưới” V-League. Hoàng Vũ Xam-xơn luôn duy trì được khả năng ghi bàn đều đặn ở V-League và trở thành cầu thủ đầu tiên ghi được 130 bàn thắng ở giải đấu cao nhất Việt Nam.

Một cầu thủ nhập tịch nổi tiếng là trung vệ Nguyễn Van Ba-ken ở đội bóng FLC Thanh Hóa. Sở hữu chiều cao 1,92m, kỹ thuật tốt, Nguyễn Van Ba-ken đã trở thành trụ cột ở đội bóng xứ Thanh trong nhiều mùa giải qua. Cả Nguyễn Van Ba-ken và Hoàng Vũ Xam-xơn, Nguyễn Trung Sơn… từng nhiều lần ngỏ ý được khoác áo đội tuyển Việt Nam, nhưng đến nay, mong muốn của những ngoại binh nhập tịch trên vẫn chưa thành. Một số đội bóng bây giờ cũng không còn mặn mà với việc nhập tịch cho ngoại binh bởi chi phí tốn kém, chưa kể sau khi nhập tịch xong cầu thủ có thể xuống phong độ hoặc giở chiêu trò quậy phá...

Tuần trước, lãnh đạo đội bóng Than Quảng Ninh vui mừng khi tiền vệ trụ người U-gan-đa Ki-di-tô nhập tịch thành công. Ki-di-tô được đánh giá là một trong những cầu thủ chơi nổi bật ở đội tuyển U-gan-đa tại Giải vô địch bóng đá châu Phi (CAN) 2017. Như vậy, ngoài hai suất ngoại binh “cứng”, HLV Phan Thanh Hùng giờ có thể tung thêm Ki-di-tô vào sân, trong hoàn cảnh đội bóng đất mỏ phải căng sức ở nhiều mặt trận. Trong thời gian làm thủ tục nhập tịch cho ngoại binh U-gan-đa này, các đồng đội ở đội bóng đất mỏ đã biểu quyết lấy cái tên Trần Trung Hiếu đặt cho Ki-di-tô. Quá trình nhập tịch cho Ki-di-tô cũng mất khá nhiều công sức của lãnh đạo CLB Than Quảng Ninh, bởi U-gan-đa không có Đại sứ quán ở Việt Nam nên mọi thủ tục nhập tịch cho ngoại binh này phải sang Bắc Kinh (Trung Quốc). Sau khi Ki-di-tô nhập tịch thành công, HLV Phan Thanh Hùng mới cân nhắc việc có chiêu mộ thêm ngoại binh nữa hay không. Mùa bóng 2017, do chơi ở AFC Cup nên Than Quảng Ninh được ký hợp đồng với 4 ngoại binh, trong đó có một cầu thủ ngoại binh châu Á. Nhưng chiến lược gia Phan Thanh Hùng không khoái ngoại binh châu Á, nên chỉ ký hợp đồng với 3 ngoại binh.

Bài và ảnh: HẢI ĐĂNG