Đây không chỉ là dấu mốc quan trọng, đưa giải lên tầm cao mới mà điểm đặc biệt của giải đấu này là các hoạt động thể thao còn mang ý nghĩa bồi đắp tinh thần yêu nước, gợi mở hướng phát triển cho việc kết hợp giữa du lịch và thể thao.

Chạy trong "rừng cờ" ở đảo Lý Sơn

Mấy bữa nay, cầu cảng huyện đảo Lý Sơn tấp nập người đến, không chỉ là gần 2.000 vận động viên (VĐV) đỉnh cao và phong trào tham dự Tiền Phong marathon 2020 mà còn là rất nhiều người thân, người hâm mộ đi theo cổ vũ các VĐV, các đoàn, nhóm chạy phong trào. Đó còn là đông đảo du khách đổ về Lý Sơn để đắm mình vào biển xanh, cát trắng, nắng vàng, được hòa mình vào bầu không khí tranh tài sôi nổi, gay cấn của giải đấu Tiền Phong marathon 2020 sau những ngày giãn cách xã hội vì dịch Covid-19.  

Nếu như trước đây, VĐV đăng quang ở việt dã toàn quốc giải Báo Tiền Phong chỉ được coi là nhà vô địch giải đấu thì nay, Tiền Phong marathon chính là nơi duy nhất các VĐV phong trào có thể đoạt danh hiệu vô địch quốc gia cự ly bán marathon, marathon. Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng hướng đến mục tiêu đưa giải đấu trở thành nơi tuyển chọn VĐV marathon đại diện cho Việt Nam thi đấu ở SEA Games, Asian Games... Chính vì vậy, các VĐV phong trào lẫn đỉnh cao đến với Tiền Phong marathon 2020 với một tâm thế háo hức hơn hẳn so với những giải đấu trước đây.

Runner Nguyễn Thượng Việt, đăng ký tranh tài ở cự ly 42,195km, phấn chấn cho biết: “Tôi tham dự giải không chỉ thỏa mãn niềm đam mê chinh phục các cung đường mà còn là dịp để tận hưởng kỳ nghỉ, khám phá vẻ đẹp của Lý Sơn. Quan trọng hơn, tôi muốn bổ sung vào bộ sưu tập của mình thành tích mang ý nghĩa bảo vệ chủ quyền biển, đảo đặc biệt này”.

Các vận động viên đã sẵn sàng cho Tiền Phong marathon 2020.

Chiều 4-7, runner nổi tiếng Thanh Vũ không chạy thử giày như các VĐV khác mà chú tâm vào bản danh sách các đoàn, các VĐV tham dự từng nội dung. Tiền Phong marathon 2020 là lần thứ hai Thanh Vũ góp mặt tại vị trí MC, hỗ trợ ban tổ chức chào đón VĐV ở vạch xuất phát. Nói về nhiệm vụ của mình vào sáng 5-7, Thanh Vũ-người chạy qua 7 lục địa chia sẻ: “Đây là niềm vui, niềm vinh dự của tôi. Chứng kiến tận mắt những giải chạy gần đây trên khắp mọi miền Tổ quốc, tôi vui mừng khi thấy phong trào chạy bộ ngày càng phát triển. Hiện nay, du lịch kết hợp thể thao là xu hướng phổ biến trên thế giới. Điều này giải thích vì sao ban tổ chức chọn Lý Sơn là địa điểm tổ chức giải đấu lần này. Việt Nam đã có được những thành công quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19 nên Tiền Phong marathon 2020 sẽ góp phần tạo bước đệm giúp kích cầu du lịch Quảng Ngãi nói riêng, nước nhà nói chung”.

Dù giải đấu diễn ra vào ngày 5-7 nhưng chiều 4-7, ban tổ chức đã tổ chức lễ thượng cờ và lễ tôn vinh lá cờ Tổ quốc trên quê hương của Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Cột cờ chủ quyền trên đảo Lý Sơn là biểu tượng thiêng liêng về tình yêu biển, đảo quê hương, có ý nghĩa giáo dục truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Có thể khẳng định, trên cung đường chạy tuyệt đẹp ở đảo Lý Sơn, gần 2.000 VĐV không chỉ nhận được sự cổ vũ của người dân địa phương, du khách mà còn dâng trào cảm xúc bởi 3.000 lá cờ Tổ quốc cắm hai bên đường chạy. Lá đại kỳ trên đỉnh Thới Lới hẳn cũng giúp những chân chạy có thêm tinh thần, nhiệt huyết chinh phục đường chạy nơi huyện đảo tiền tiêu này.

Những cung đường mang dấu tích lịch sử

Ý thức được tầm quan trọng của giải đấu, ban tổ chức Tiền Phong marathon 2020 thường xuyên kiểm tra, sửa chữa đường chạy. Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các HLV, VĐV, nhằm có giải pháp tốt nhất trong tổ chức thi đấu. Tất cả đã sẵn sàng cho giờ khai cuộc.

Trong những ngày qua, không chỉ ban tổ chức, HLV, VĐV tham dự Tiền Phong marathon 2020 hối hả cho những công việc của riêng mình mà người dân huyện đảo Lý Sơn cũng vui mừng không kém. Đó không chỉ là việc giới thiệu cho du khách cảnh đẹp ở đảo Lớn, đảo Bé mà một số lượng lớn tỏi, hành tím-niềm tự hào của người dân Lý Sơn-đã được bán cho các đoàn, các nhóm chạy, du khách. Mừng là dù có rất đông người ra Lý Sơn dịp này nhưng giá cả vẫn không biến động nơi huyện đảo. Tuyệt nhiên không có hiện tượng “chặt chém”. Giá nhà nghỉ, homestay từ 250.000 đồng đến 400.000 đồng/phòng hai giường. Khách đi từ đảo Lớn sang đảo Bé bằng xuồng cao tốc vẫn là 100.000 đồng/vé khứ hồi. Khách đặt cơm theo suất 70.000 đồng/người, được thưởng thức từ mực, ốc cho tới cá biển rán, canh cá nấu chua ăn ngon đã đời. Đây cũng có thể xem là thành công bước đầu của ban tổ chức, của Quảng Ngãi-đơn vị đăng cai giải đấu.

Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, mong mỏi mọi người: “Hãy cảm nhận Lý Sơn không chỉ bằng tai, bằng mắt mà bằng cả đôi chân của mình trên những cung đường chạy mang dấu tích lịch sử”. Còn nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập Báo Tiền Phong, đồng Trưởng ban tổ chức giải thì cho hay: “Kết thúc giải, 3.000 lá cờ cắm ở hai bên đường chạy sẽ được ban tổ chức trao tặng ngư dân Lý Sơn để người dân dùng trong những chuyến vươn khơi đánh bắt xa bờ. Cùng với đó, toàn bộ vật phẩm, đồ dùng sử dụng cho công tác tổ chức giải đấu cũng được ban tổ chức tặng lại chính quyền và nhân dân huyện đảo. Bên cạnh đó, một số nhà tài trợ sẽ trao tặng những món quà ý nghĩa tới người dân Lý Sơn. Trong trái tim của người dân Việt Nam, Lý Sơn luôn là hòn đảo tiền tiêu thân thương, có vị trí địa lý và chiến lược đặc biệt quan trọng. Cá nhân tôi tin tưởng rằng, mỗi VĐV tham gia Tiền Phong marathon 2020 sẽ góp phần nêu cao ý thức, trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ và giữ gìn chủ quyền biển, đảo nước nhà, qua đó báo đáp tình cảm đối với các thế hệ trước đã xây dựng và gìn giữ Tổ quốc thiêng liêng qua hàng nghìn năm”.

Bài và ảnh: KHOA MINH