Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ TDTT Quần chúng (Tổng cục TDTT, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) để hiểu rõ hơn về điều này.

Phóng viên (PV): Thưa ông, sau thời gian giãn cách xã hội, các hoạt động của đời sống thường ngày đang dần trở lại. Làm thế nào để người dân vừa tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng, vừa nêu cao tinh thần phòng, chống đại dịch Covid-19?

Ông Nguyễn Ngọc Anh: Thời gian này, ngành TDTT vận động người dân vừa nêu cao tinh thần phòng, chống đại dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế, vừa tích cực vận động thân thể theo nguyên tắc duy trì nền nếp, thói quen luyện tập thể dục thể thao khoa học hằng ngày kết hợp với chế độ dinh dưỡng đủ chất, ăn chín, uống chín, nghỉ ngơi hợp lý và vệ sinh cá nhân sạch sẽ giúp cho người tập nâng cao sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch phòng, chống dịch bệnh.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ TDTT Quần chúng. Ảnh: Văn Duy

Để tạo điều kiện cho người dân tập luyện TDTT đúng cách, phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả, tới đây Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục hướng dẫn người dân các phương pháp tập luyện thể dục tại nhà, nơi công cộng hoặc tập luyện ở khu vực cách ly, các bài tập phù hợp với mọi đối tượng. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý về lĩnh vực TDTT trên toàn quốc sẽ hướng dẫn cụ thể với từng vùng nguy cơ và nguy cơ thấp với dịch bệnh Covid-19.

PV: Vụ Thể thao quần chúng có khuyến cáo gì với người dân rèn luyện thân thể ở nơi công cộng, ở nhà, khu cách ly?

Ông Nguyễn Ngọc Anh: Người dân cần nên duy trì luyện tập đều đặn, thường xuyên và tập đúng cách với thời gian ít nhất 30 phút mỗi ngày, thực hiện đúng kỹ thuật động tác khi tập luyện để nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng, hạn chế tối đa tình trạng chấn thương và tác hại đến sức khỏe. Các bài tập hướng dẫn đúng kỹ thuật được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thể dục thể thao (https://tdtt.gov.vn), Tạp chí thể thao (https://m.tapchithethao.vn) hoặc lớp học trực tuyến do các Liên đoàn, hiệp hội thể thao, cơ sở giáo dục truyền thông hướng dẫn. Không gian tập luyện phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, không trơn trượt, thoáng khí, tránh gió lùa để luôn giữ ấm cơ thể.

Đối với người dân tập luyện TDTT ở nơi công cộng cần đeo khẩu trang trong suốt thời gian tập luyện; thay và giặt khẩu trang, quần áo... ngay sau khi về nhà; giữ ấm mũi họng, không tập quá gắng sức mà nên nghỉ giữa quãng trong khi tập luyện để tránh tình trạng thiếu ôxy hoặc ngạt thở do thường xuyên đeo khẩu trang; tránh đưa tay sờ vào mắt, mũi, miệng, không khạc nhổ bừa bãi trong khi tập luyện; rửa tay thường xuyên với nước sạch, đặc biệt là ngay sau khi về nhà; đảm bảo giãn cách tối thiểu là 1m đối với khu vực nguy cơ thấp, 1,5m đối với khu vực nguy cơ; hạn chế nói chuyện, tiếp xúc gần khi tập luyện; các môn thể thao được tổ chức tập luyện tại nơi cộng cộng đảm bảo không tập trung quá 20 người đối với các tỉnh/thành phố có nguy cơ và không quá 30 người đối với các tỉnh/thành phố có nguy cơ thấp...

Đối với những người đang cách ly ở nhà thì sinh hoạt và tập luyện thể dục hằng ngày ở phòng riêng. Người đang ở khu cách ly cần tập ở ngoài trời hoặc trong phòng thông thoáng, không sử dụng điều hòa; khu vực tập luyện thường xuyên vệ sinh sạch sẽ...

Người dân Hà Nội đeo khẩu trang tập luyện TDTT. Ảnh: Ngọc Tú 

PV: Trong thời gian giãn cách xã hội, người dân đã sử dụng có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tập luyện TDTT. Đây chắc chắn không chỉ là giải pháp tạm thời, mà cần phải được ứng dụng nhiều hơn trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả việc rèn luyện thân thể, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Anh: Trong thời gian dịch bệnh, việc luyện tập đối với người dân trở nên khó khăn, ngành TDTT phối hợp với ngành Y tế, các đơn vị thông tin và truyền thông và các cơ báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, tác dụng của việc luyện tập TDTT nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng phòng, chống dịch dịch Covid-19; đồng thời tuyên truyền, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức tập luyện, thi đấu thể dục thể thao trực tuyến hoặc sử dụng phần mềm các thiết bị điện tử để theo dõi sức khỏe và duy trì nền nếp, thói quen thường xuyên luyện tập hằng ngày.

Hiện nay một số mô hình ứng dụng tập luyện và thi thể thao bằng hình thức trực tuyến và sử dụng phần mềm được người dân hưởng ứng như: Cuộc thi “Nam vương chống đẩy, nữ hoàng gập cơ bụng”của Trường Đại học Quốc gia; “Đi bộ vì sức khỏe” thuộc Chương trình sức khỏe Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động được ứng dụng trên phần mềm điện thoại; hoặc “5 ứng dụng thể dục thể thao trên smartphone” và nhiều hình thức khác nữa…

PV: Học sinh, sinh viên đã có lịch đi học trở lại. Sau thời gian nghỉ học lâu, chắc chắn các em cần phải tăng cường học tập môn giáo dục thể chất, rèn luyện TDTT trong nhà trường để nâng cao sức khỏe, giải phóng sức ỳ?

Ông Nguyễn Ngọc Anh: Để tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn. Theo chủ trương của ngành Giáo dục và Đào tạo, các em học sinh được kết hợp giữa học trực tiếp và trực tuyến để đảm bảo chất lượng và khối lượng các tiết học. Theo đó, ngành TDTT cũng khuyến khích học sinh tích cực kết hợp tập luyện thể dục tại nhà và theo chương trình học trực tiếp tại trường. Thời gian này gia đình và nhà trường cần quan tâm nhiều hơn đến việc luyện tập thể dục và chế độ dinh dưỡng cho các em.

PV: Đối với các Trung tâm văn hóa thể thao, trung tâm thể dục thể thao, câu lạc bộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao cần phải bảo đảm các điều kiện gì khi hoạt động trở lại để tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc phòng, chống dịch Covid-19, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Anh: Các cơ sở này cần bảo đảm những yêu cầu gồm: Phải thực hiện vệ sinh môi trường, phun thuốc khử khuẩn toàn bộ khu vực, trụ sở, phòng tập; bảo đảm phòng tập thông gió tốt, khuyến khích thông gió tự nhiên, hạn chế dùng điều hòa; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư rửa tay, sát khuẩn, đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế quy định; dùng xà phòng hoặc các dung dịch khử khuẩn thông thường khác lau rửa nền nhà, bàn ghế, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, bề mặt các trang thiết bị, dụng cụ tập luyện ít nhất 1 lần/ngày.

Các trung tâm luyện tập TDTT cần phải yêu cầu người tập và cả nhân viên hướng dẫn luyện tập tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của ngành y tế...; phân bổ thời gian tập luyện theo các khung giờ để thực hiện giãn cách người tập, đảm bảo tập trung quá 20 người đối với các tỉnh/thành phố có nguy cơ và không quá 30 người đối với các tỉnh/thành phố có nguy cơ thấp...

PV: Các giải TDTT quần chúng đã “đóng băng” trong thời gian khá dài. Xin ông cho biết kế hoạch tổ chức các giải thể thao trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Ngọc Anh: Trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố cho phép tổ chức các sự kiện thể thao trở lại, Vụ TDTT quần chúng và các vụ, đơn vị chuyên môn thuộc Tổng cục Thể dục thể thao phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan đề xuất lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh điều chỉnh kế hoạch tổ chức các sự kiện thể thao, giải thi đấu thể thao quốc gia vừa đảm bảo mục tiêu, kế hoạch công tác năm 2020, vừa đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Đối với việc tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân; Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước… các sự kiện trên sẽ được hướng dẫn lùi thời gian tổ chức vào thời điểm thích hợp theo lịch nghỉ hè của học sinh, sinh viên năm 2020.

Tùy theo tình hình thực tiễn của mỗi địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo tình hình triển khai và xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân để xem xét, quyết định việc tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, sự kiện thể dục thể thao ở địa phương.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HOÀI PHƯƠNG (thực hiện)