Vừa đến cổng, chúng tôi đã chứng kiến không khí luyện tập hăng say của thầy trò HLV Quốc Thắng. Trên bức tường sau bàn bóng có treo câu tục ngữ “Có công mài sắt có ngày nên kim”, lời thề “Thắng không kiêu, bại không nản”, cùng những giải thưởng, bằng khen, tấm huy chương mà thầy "Thắng lốp" và các học trò đã giành được. Khi được hỏi về biệt danh “Thắng lốp”, người đàn ông chạc tuổi lục tuần này cười khà khà: “Đấy là do mọi người yêu quý đặt cho thôi!”. Nhấp một ngụm nước chè, thầy Thắng nhớ lại: “Ngày còn thi đấu, tôi có nhiều pha lốp bóng khiến đối thủ bất ngờ. Đấy cũng là tuyệt chiêu giúp tôi vô địch nhiều giải phong trào. Giờ khi chơi vui với mấy anh em trong xóm, tôi hay lốp bóng biểu diễn nên mọi người khoái lắm. Và cái tên “Thắng lốp” theo tôi từ đó”.

leftcenterrightdel
 Huấn luyện viên Quốc Thắng thị phạm động tác, hướng dẫn học trò.
Những năm 70-90 của thế kỷ 20, bóng bàn là trò giải trí của ông Thắng sau những giờ làm việc căng thẳng. Vì có khiếu với bóng bàn nên dù không được luyện tập bài bản, “Thắng lốp” vẫn được người trong nghề đánh giá cao. Trong thời gian này, ông được đi nhiều nơi, thăm nhiều “lò” dạy bóng bàn. Từ đây, “Thắng lốp” nuôi mục tiêu mở lớp bóng bàn vừa làm sân chơi cho các em nhỏ trong phường, vừa là cách để ông nguôi đi nỗi nhớ nghề sau khi giải nghệ. Năm 1997, “lò” dạy bóng bàn theo mô hình bán trú mang tên “Thắng lốp” ra đời. Nhưng chỉ sau hai năm hoạt động, ông đã vỡ mộng vì kết quả không được như mong muốn. Từ đó, ông Thắng tiếp tục cắp sách “tầm sư học đạo”. Cứ nghe tin ở đâu có “lò” dạy bóng bàn hay là ông lại đến học hỏi và nhờ chỉ bảo. Đến năm 2000, ông Thắng mở lại lớp bóng bàn với mục đích ban đầu là dạy con cháu trong nhà để lấy kinh nghiệm.

"Lò” dạy bóng bàn của thầy “Thắng lốp” nhanh chóng nổi lên và được nhiều phụ huynh ở Hà Nội lựa chọn để gửi gắm con em. Những ngày hè, nhà HLV Quốc Thắng không khác gì ngày hội. Mỗi tháng hè, thầy Thắng dạy bóng bàn cho 40 cháu, có tháng cao điểm lên tới 100 cháu. Thầy “Thắng lốp” cho biết: “Lớp của tôi dạy bóng bàn tùy theo mục đích của người theo học. Nếu chỉ là rèn luyện sức khỏe, tham gia các giải phong trào thì chỉ cần học trong 3 tháng. Nếu muốn theo nghiệp VĐV thì cần học ít nhất là 1 năm”. Đến nay, HLV Quốc Thắng đã dạy cho gần 800 em, trong đó có 19 em trở thành VĐV chuyên nghiệp môn bóng bàn, như: Nguyễn Đăng Hiệp, Nguyễn Đình Hiếu, Nguyễn Thanh Mai, Hà Đào Tuấn Nam, Nguyễn Minh Đức…

Trong số học trò của thầy “Thắng lốp” thì Nguyễn Minh Đức là đặc biệt nhất. Cách đây gần 9 năm, thầy Thắng đã nhận dạy bóng bàn cho Đức khi thấy cậu mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải đi rửa bát thuê. Minh Đức bị dị tật ở tay nên phải dùng dây cố định tư thế mỗi khi tập. Dưới bàn tay "nhào nặn" của thầy Thắng, Minh Đức không chỉ chơi tốt bóng bàn mà còn được tuyển thẳng vào Đội tuyển bóng bàn Quân đội khi mới 13 tuổi. Ngoài là thầy, Nguyễn Quốc Thắng còn là bảo mẫu chăm lo cơm ăn nước uống cho các học trò. "Thật lòng nhé! Mỗi em khi đến đây phải đóng 150.000 đồng/ngày gồm học bóng bàn và ăn ba bữa. Cháu nào khó khăn thì tôi giảm phí một nửa, còn trường hợp đặc biệt thì tôi miễn phí", HLV Quốc Thắng cho biết. Hữu xạ tự nhiên hương, lớp bóng bàn của thầy "Thắng lốp" không chỉ nổi tiếng khắp Hà Nội mà còn được biết đến ở các tỉnh khác, như: Hà Nam, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn... Các em không phân biệt giàu, nghèo, cứ mê bóng bàn là đều được thầy Thắng thu nhận.

Được biết năm 2012, thầy “Thắng lốp” đã được Liên đoàn Bóng bàn quốc tế cấp chứng chỉ HLV quốc tế. Tin rằng với kinh nghiệm, HLV Quốc Thắng sẽ cho ra lò thêm nhiều tài năng bóng bàn.

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG