Sự khắc nghiệt mà ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch CLB Định Hướng Phú Nhuận chia sẻ không đến từ tính chất cạnh tranh của giải hạng Nhất-hạng đấu thuộc hệ thống bóng đá chuyên nghiệp được quản lý bởi Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Bởi lẽ cho đến nay, giải đấu còn chưa chốt được số đội tham dự. Khoan nói về câu chuyện này, trở lại với Định Hướng Phú Nhuận, trong cuộc họp cách đây nửa tháng, đại diện lãnh đạo đội tân binh giải hạng Nhất phần nhiều bày tỏ nỗi niềm đến từ thủ tục hành chính.
|
|
Định Hướng Phú Nhuận mất định hướng ngay khi lên chuyên nghiệp.
|
Bởi trước khi đưa ra quyết định tạm dừng hợp tác với Ban huấn luyện đội bóng cũng như bỏ ngỏ khả năng dự hạng Nhất cho tới nay, ông Nguyễn Văn Trung cho rằng những quy định khắt khe về cơ chế bóng đá chuyên nghiệp, yêu cầu của VPF, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng như từ phía lãnh đạo, UBND thành phố, các cấp, các ngành về mặt pháp lý (bằng cấp, chứng chỉ) là những thách thức đối với Định Hướng Phú Nhuận.
3 câu hỏi được đặt ra: Vậy cầu thủ Định Hướng Phú Nhuận thi đấu hết mình ở giải hạng Nhì, giành vé lên chơi ở hạng chuyên nghiệp để làm gì, trong khi lãnh đạo đội bóng không sẵn sàng cho bước chuyển mình quan trọng? Xuyên suốt mùa giải vừa qua, liệu lãnh đạo Định Hướng Phú Nhuận có thật sự định hướng về mục tiêu phù hợp cho toàn thể đội bóng, thay vì rơi vào thế kẹt, tham dự chưa được mà bỏ cũng chẳng xong tại giải hạng Nhất? Về phía trách nhiệm của VFF và VPF, liệu hai tổ chức vận hành bóng đá Việt Nam (với VFF) và bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (với VPF) đã thật sự thẳng tay tạo bộ lọc chặt chẽ trong việc cấp phép cho các CLB khi chuyển mình từ hạng bán chuyên lên chuyên nghiệp, hay xa hơn là từ trong nước đến đấu trường quốc tế...?
Định Hướng Phú Nhuận thực tế không phải là CLB duy nhất chưa sẵn sàng tham dự giải chuyên nghiệp. Bởi như đã nói ở trên, giải hạng Nhất Quốc gia cũng chưa thể tổ chức lễ bốc thăm trong bối cảnh Khánh Hòa, Đồng Nai cũng bỏ ngỏ việc góp mặt; trong khi Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu miễn cưỡng tham dự.
Thống kê chỉ ra rằng, trong 3 năm qua, có 6 đội bỏ suất dự giải hạng Nhất: CLB Tây Ninh, Gia Định (năm 2021); An Giang (năm 2022); Cần Thơ, Sài Gòn FC (năm 2023) và Bình Thuận (năm 2024). Mấu chốt cho những lý do bỏ giải của các đội bóng vẫn đến từ mẫu số chung: Khó khăn về tài chính! Có tiền thì chơi, hết tiền thì bỏ.
25 năm qua, V-League hay hạng Nhất chứng kiến không ít CLB thiếu chuyên nghiệp trước những tiêu chí chuyên nghiệp! Để rồi sau cùng, nhiều đội bóng mất dạng, ông bầu bỏ của chạy lấy người trong khi cầu thủ rơi vào tình cảnh thất nghiệp, long đong tìm kiếm kế sinh nhai.
Bordeaux năm 2024 là câu chuyện buồn của bóng đá Pháp. Nhưng ngay cả khi đội bóng huyền thoại này sụp đổ, bóng đá đất nước hình lục lăng cũng phải quyết tâm cắt đi “khúc ruột thừa” sau những biến cố mà đội bóng này trải qua và gây ra. Những án phạt thẳng tay giáng Bordeaux từ Ligue 2 xuống hạng bán chuyên nghiệp được Cơ quan giám sát tài chính các CLB chuyên nghiệp Pháp đưa ra. Bởi có như vậy, bóng đá Pháp mới tồn tại một cách lành mạnh và sòng phẳng.
Bài và ảnh: TRỊNH MỸ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.