Trong “bộ nhớ” của các thành viên ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam, họ đã có những thông tin gì về các cầu tiềm năng của bóng đá nước nhà?
Bóng đá là một môn thể thao đào thải khắc nghiệt. 100 cầu thủ được đào tạo theo một giáo trình huấn luyện, ăn ở, sinh hoạt như nhau thì may ra chỉ vài cầu thủ đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp. Vì thế, để tuyển chọn được một đội tuyển mạnh nhất, từ cấp độ quốc gia cho tới các tuyển trẻ là công việc được vận hành, sàng lọc liên tục.
Nhìn lực lượng của đội tuyển bóng đá nam nước ta trong mấy trận đấu gần đây mới thấy rõ sự thiếu hụt lực lượng ảnh hưởng lớn thế nào tới mục tiêu chúng ta hướng tới, có được điểm. Nhìn xa hơn là việc chúng ta không thể vươn tới các mục tiêu lớn khi không có đủ lực lượng kế cận.
Qua 6 trận đấu tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, không khó để nhận thấy ngoài điểm yếu về thể hình, thể lực thì vấn đề lớn nhất của đội tuyển Việt Nam là chiều sâu lực lượng. Khi Văn Lâm dính chấn thương, người thay thế anh là thủ thành Tấn Trường vẫn chưa mang lại sự tin tưởng cho người hâm mộ.
Ai sẽ là người thay thế Tuấn Anh, Ngọc Hải khi cả hai cầu thủ này lĩnh án treo giò trong trận gặp Australia sắp tới? Nhìn rộng ra, nếu những Tiến Linh, Quang Hải, Hoàng Đức chẳng may vì lý do nào đó không thể ra sân thì cầu thủ nào đủ sức gánh vác vị trí của họ?
 |
U23 Việt Nam. Nguồn: VFF |
Nhìn vào thực tế thấy rõ, vấn đề của bóng đá trẻ hiện nay ngoài việc cần thêm nhiều học viện, trung tâm bóng đá thì còn phải chú trọng nâng cao chất lượng, liên kết đào tạo trong nước và quốc tế. Để có thế hệ cầu thủ nối tiếp nhau thì mỗi trung tâm, học viện bóng đá cần phải đẩy mạnh công tác “đãi cát tìm vàng” và có một lộ trình khoa học, chuyên nghiệp để nuôi dưỡng các tài năng.
Bóng đá Nhật Bản, Australia hay Saudi Arabia không chỉ hơn chúng ta về đẳng cấp, thể lực mà mọi vị trí trên sân của họ đều có những cầu thủ đủ sức thay thế nhau. Họ có thể luân phiên thay đổi cầu thủ, vị trí qua trận này trận khác mà vẫn giữ được sức mạnh vốn có. Nhìn vào chúng ta, điểm yếu lớn nhất tại các lứa U của bóng đá Việt Nam hiện nay là ít được cọ xát, thi đấu, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19.
Trong nước, nhiều tài năng trẻ hiện ít được tạo điều kiện cho ra sân. Áp lực về thành tích khiến cho nhiều đội bóng buộc phải sử dụng những cầu thủ giàu kinh nghiệm, ngoại binh. Vấn đề liên kết, hợp tác với các câu lạc bộ hàng đầu thế giới mới chỉ ở giai đoạn đầu... Những điều này giải thích lứa trẻ của chúng ta chưa theo kịp lứa đàn anh.
Thời gian qua, huấn luyện viên Park Hang-seo đã có cách làm phù hợp với thực tế khi tạo điều kiện cho một số cầu thủ U.23 Việt Nam được lên đội tuyển quốc gia tập luyện. Mặc dù số lần và số lượng cầu thủ trẻ được triệu tập lên còn hạn chế, song đây là một phương án hữu hiệu nhằm giải quyết được vấn đề do tác động của đại dịch.
Nhìn rộng ra, nếu các tài năng trẻ của U.16 được tạo điều kiện lên tập luyện thường xuyên tại U.19, các cầu thủ tài năng của U.19 được triệu tập lên U.23 và cầu thủ xuất sắc của U.23 được thường xuyên “ăn cơm” tuyển thì chúng ta sẽ tạo ra một hệ thống huấn luyện liên thông. Từ đây, các cầu thủ trẻ sẽ sớm được tiếp cận với triết lý huấn luyện của đội tuyển quốc gia để từ đó tiếp tục rèn luyện phong cách, bản lĩnh thi đấu.
Để làm được điều này, bóng đá Việt Nam cần sự vào cuộc quyết liệt của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, sự chung tay của các trung tâm, học viện bóng đá và các câu lạc bộ. Muốn đội tuyển Việt Nam giữ vững được thành tích thì trước hết thế hệ kế cận phải được đầu tư kỹ càng.
HỮU TRƯỞNG