Đến tham dự buổi gặp mặt có cựu danh thủ Lê Nhâm người thuộc lớp cầu thủ đầu tiên của Thể Công (năm 1954), cựu danh thủ Thái Nguyên Bền, cựu danh thủ Cao Cường, Nguyễn Sĩ Hiển... và các cựu danh thủ khác qua từng thế hệ. Tại buổi gặp mặt, các cựu danh thủ, người hâm mộ CLB bóng đá Thể Công đã cùng nhau ôn lại, chia sẻ những kỷ niệm thi đấu mà mình đã trải qua. Đồng thời mong muốn những cầu thủ trẻ của CLB Viettel thi đấu sắp tới sẽ bước vào thi đấu giải hạng Nhất quốc gia 2016 thêm hiểu hơn về đội bóng, cũng như trách nhiệm của mình để nỗ lực đưa hình ảnh của CLB lên tầm cao mới.
Cựu danh thủ Lê Nhâm (ngồi giữa - đội mũ) và cựu danh thủ Nguyễn Sĩ Hiển có mặt tại buổi gặp mặt.
Ở mùa giải 2015, các cầu thủ trẻ do chính Trung tâm thể thao Viettel đào tạo đã xuất sắc giành vé tại giải hạng Nhất quốc gia 2016. Điều này khiến cho nhiều người hâm mộ bóng đá có thêm hy vọng một ngày không xa Thể Công sẽ trở lại thi đấu, đặc biệt Trung tâm Thể thao Viettel cũng thể hiện quyết tâm khi vạch ra lộ trình vào năm 2018-2020 CLB Viettel sẽ thi đấu ở giải V-League.
Trước đây, tại Việt Nam gần như không có đội bóng nào cạnh tranh được về số lượng người hâm mộ như CLB bóng đá Thể Công, nhưng kể từ khi Thể Công không còn thi đấu, gần như không có câu lạc bộ bóng đá nào tại Việt Nam còn được hâm mộ như vậy nữa.
Tuy nhiên, với khá nhiều người đã trót yêu Thể Công thì tình cảm đó vẫn mãi mãi còn và không bao giờ thay đổi. Họ đang tiếp tục hy vọng, chờ đợi để một ngày nào đó được thấy đội bóng thân yêu của mình thi đấu trở lại.
Nhớ lại những kỷ niệm khi được xem và chứng kiến những trận cầu đỉnh cao mà các cầu thủ Thể Công thi đấu, nhà báo Nguyễn Lưu đại diện cho CĐV lớn tuổi chia sẻ: Các cầu thủ Thể Công khi đã vào trận là thi đấu bằng tất cả tinh thần, sức lực, cống hiến cho màu cờ sắc áo. Đặc biệt phải kể đến trận thắng gây tiếng vang lớn khi đánh bại đội bóng rất mạnh của Trung Quốc là Bát Nhất. Không chỉ dừng lại ở miền Bắc Việt Nam, các cầu thủ Thể Công còn khiến người yêu bóng đá tại miền Nam Việt Nam phải thừa nhận Thể Công thi đấu quá xuất sắc khi vượt qua Cảng Sài Gòn với lối chơi đẹp.
Đông đảo các cựu danh thủ, người hâm mộ Thể Công tham dự buổi gặp mặt.
Cách đây hơn 60 năm, ngày 23-9-1954, Đoàn công tác Thể dục thể thao Quân đội ra đời (Thể Công) với 23 cán bộ, chiến sĩ, “biên chế” 3 đội bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ. Chỉ hơn một tháng sau ngày thành lập, ngày 25-10, Đội bóng đá Thể Công đã ra mắt khán giả Thủ đô trên sân Hàng Đẫy và thắng đội bóng những người lao động Thủ đô (Trần Hưng Đạo) với tỷ số 1-0.
Năm 1955, giải bóng đá đầu tiên của miền Bắc được tổ chức tại Hải Phòng với tên gọi “Giải Hòa Bình”, hai đội hình A và B của Thể Công tham gia đều giành chức vô địch.
Từ năm 1955 đến 1979, Thể Công được coi như CLB thành công nhất của bóng đá Việt Nam với 13 lần vô địch giải bóng đá miền Bắc, bên cạnh những chiến tích vang dội trên trường quốc tế như chiến thắng trước đội Bát Nhất (đội bóng mạnh nhất Trung Quốc lúc đó) rồi đội tuyển Cu-ba... Sau khi đất nước thống nhất và có giải vô địch quốc gia (tiền thân của V-League), Thể Công vẫn là đội bóng mạnh, với 5 lần đăng quang. Nhiều cầu thủ áo lính trở thành nòng cốt của đội tuyển quốc gia, góp phần tạo nên những lứa thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam như: Cao Cường, Thế Anh, Phan Văn Mỵ, Trọng Giáp, Vương Tiến Dũng, đến Hồng Sơn, Như Thuần, Việt Hoàng, Phương Nam... Cho đến lúc đó, Thể Công vẫn là đội bóng có thời gian trụ hạng lâu nhất và có đội ngũ cổ động viên đông đảo nhất Việt Nam.
Năm 2004, câu lạc bộ phải xuống hạng Nhất do chỉ cán đích thứ 11 trên 12 đội ở giải vô địch quốc gia. Từ mùa giải năm sau, câu lạc bộ đổi tên thành Thể Công Viettel và chịu sự quản lý một phần của Tổng công ty Điện tử Viễn thông Quân đội. Tháng 9-2007, đội bóng giành quyền lên V-League và trở lại tên gọi cũ - Thể Công…
Ngày 22-9-2009, Bộ Quốc phòng quyết định xóa tên Thể Công. Sau đó, câu lạc bộ được chuyển giao cho Tổng công ty Viễn thông Viettel. Một thời gian ngắn, Tổng công ty Viễn thông Viettel trên đã để lại đội một cho Thanh Hóa, chỉ giữ lại đội hai thi đấu ở giải hạng Nhất năm 2010 dưới tên gọi Trung tâm Bóng đá Viettel. Kết thúc mùa giải đó, đội hai cũng được chuyển nốt cho CLB bóng đá Hà Nội T&T.
Trong những năm trở lại đây, Trung tâm Thể thao Viettel đã đạt được nhiều thành công ở các giải đấu dành cho các lứa tuổi trẻ và từ những thành công đó, trung tâm đặt ra nhiều mục tiêu cao hơn. Cách làm chậm nhưng chắc chắn, đội bóng Quân đội đang từng bước làm hồi sinh những người lính đá bóng bằng triết lý đào tạo bóng đá “Mới - khác biệt - hiệu quả”. Thể hiện trong việc tu dưỡng đạo đức và đào tạo văn hóa cho cầu thủ, đây chính là những triết lý mà bấy lâu nay bóng đá Việt Nam vẫn thiếu.
“Trung tâm chấp nhận làm bóng đá từ những thứ căn bản nhất để đổi lại là những cầu thủ trọn đức vẹn tài. Tất cả những việc làm tâm huyết trên đều mong muốn một ngày nào đó rất gần, tượng đài một thuở của bóng đá Việt Nam - Thể Công mang tên Viettel sẽ trở lại thi đấu ở cấp độ cao nhất của bóng đá Việt Nam”, Trung tá Vũ Tam Hòa, Giám đốc Trung tâm Thể thao Viettel cho biết.
Tin, ảnh: VĂN PHONG