Xu thế tất yếu
Sau 2 năm thành lập Ban vận động, cuối cùng Liên đoàn Võ thuật tỉnh Hưng Yên đã được ra mắt ngày 2-6 và tổ chức thành công Đại hội lần thứ I nhiệm kỳ 2020-2025. Với những võ sư, huấn luyện viên, vận động viên, những người yêu thích võ thuật Hưng Yên thì đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng, đánh dấu một bước tiến mới cho võ thuật của tỉnh nhà. Tỉnh Hưng Yên hiện có hệ thống võ phát triển mạnh mẽ thu hút được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện. Toàn tỉnh hiện có gần 100 võ đường với hàng nghìn hội viên với các môn như: Võ thuật cổ truyền, pencak silat, karate-do, vovinam, taewondo.
Hiện tại, võ cổ truyền được quan tâm và là một bộ môn thể thao thành tích cao được đưa vào giảng dạy, huấn luyện tại Trường nghiệp vụ TDTT tỉnh Hưng Yên. Võ sư Lương Mạnh Hanh, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật tỉnh Hưng Yên cho biết: “Số lượng các hội, CLB, võ đường, các môn phái và những người có niềm đam mê võ thuật trên địa bàn tỉnh Hưng Yên ngày càng tăng cao. Nhiều phụ huynh sẵn sàng đưa con đến CLB võ thuật để luyện tập nhằm nâng cao sức khỏe, rèn luyện nhân cách. Cứ đến 17 giờ mỗi ngày, những sân võ lại hào hứng với không khí tập luyện hăng say của các học viên. Đa số các em có lứa tuổi từ 10-15. Đây là cơ hội để chúng tôi bồi dưỡng những cá nhân có tiềm năng bổ sung vào đội ngũ VĐV của địa phương”.
 |
Lớp dạy võ miễn phí tại Trường tiểu học thị trấn Vương (Tiên Lữ-Hưng Yên). Ảnh: PhẠM ĐĂNG |
17 năm trước, Hà Nội tổ chức giải bóng rổ không chuyên đầu tiên dành cho các câu lạc bộ thì nay việc Liên đoàn Bóng rổ Hà Nội được thành lập đã mở ra một thời kỳ phát triển mới. Những năm qua, bóng rổ Hà Nội phát triển mạnh mẽ rộng khắp các quận, huyện, thị xã và đặc biệt là trong nhà trường. Nhiều giải đấu bóng rổ dành cho học sinh, sinh viên được tổ chức những năm qua tại Hà Nội thu hút được đông đảo người chơi và người theo dõi đã cho thấy sức hút của bộ môn này. Được biết sau khi thành lập, Liên đoàn Bóng rổ Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện các hệ thống thi đấu, chú trọng vào đào tạo vận động viên trẻ. Theo ông Đào Văn Kiên, Tổng thư ký Liên đoàn Bóng rổ Hà Nội, cuối tháng 6 tới, Liên đoàn Bóng rổ Hà Nội sẽ tổ chức một ngày hội bóng rổ nội dung 3×3 trên phố đi bộ dành cho những người có niềm đam mê bóng rổ tại Thủ đô. Sân chơi sẽ được sử dụng hệ thống thảm đấu theo quy chuẩn của quốc tế. Trong thời gian tới, liên đoàn cố gắng phấn đấu cho SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam vào năm 2021 sẽ có từ 2-3 VĐV tham gia vào đội tuyển quốc gia; phấn đấu phát triển bóng rổ vươn tầm khu vực.
Đẩy mạnh xã hội hóa trong thể thao
Có thể nói, việc các liên đoàn thể thao địa phương được thành lập là một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển thể thao theo hướng xã hội hóa. Thể thao không chỉ là giải trí, vui chơi mà nó còn là tầm vóc, là cải thiện giống nòi của mỗi quốc gia dân tộc. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng công tác thể dục thể thao-một bộ phận không thể thiếu trong chính sách phát triển kinh tế-xã hội, nhằm bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, tạo sức mạnh và động lực phát triển đất nước. Ngày 1-12-2011, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ TDTT đến năm 2020” (Nghị quyết 08). Nghị quyết 08 đã xác định các quan điểm phát triển TDTT trong thời kỳ hội nhập quốc tế: “Phát triển thể dục thể thao là một yêu cầu khách quan của xã hội, nhằm góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân, chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội và của mỗi người dân, đảm bảo cho sự nghiệp thể dục thể thao ngày càng phát triển”.
Phát triển thể thao không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước mà nó còn là trách nhiệm của xã hội, của mỗi người dân. Muốn phát triển thể thao thì không thể chỉ trông chờ vào các nguồn vốn của ngân sách mà cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực trong nhân dân. Ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam cho biết: “Xã hội hóa trong thể thao có thể hiểu là một sự bắt tay đôi bên cùng có lợi. Doanh nghiệp thì được quảng bá hình ảnh, thể thao có vốn để phát triển. Nhưng có một thực tế hiện nay không phải bộ môn nào cũng làm tốt công tác xã hội hóa bởi nhiều lý do, trong đó sức hút của bộ môn là thấy rõ rệt nhất. Việc thành lập các liên đoàn thể thao địa phương chỉ là bước đầu trong rất nhiều việc phải làm. Nhưng đây chính là cơ sở để các bộ môn thể thao địa phương có cơ sở pháp lý để thu hút nhà tài trợ, có điều kiện để đào tạo tài năng VĐV, hoàn thiện các giải đấu. Muốn có VĐV đỉnh cao thì phải có thể thao quần chúng. Và muốn có những VĐV đội tuyển quốc gia thì phải chú trọng vào phát triển thể thao địa phương”.
HOÀI PHƯƠNG