Ước mơ... mặc áo dài

Được coi là quốc phục của Việt Nam, tà áo dài luôn nổi bật trong các sự kiện văn hóa, thể thao. Thế nhưng, với những nữ VĐV, để có thể tự tin khoác lên mình áo dài thì chủ yếu chỉ là các tuyển thủ bóng chuyền như Kim Huệ, Thu Hoài, Trà Giang, Thanh Thúy... Nhiều tuyển thủ nữ quốc gia từng hạ quyết tâm dịp 8-3 mặc áo dài để chụp ảnh lưu niệm nhưng rồi lại ngại. Thậm chí, những VĐV nữ ở đội tuyển vật, judo, cử tạ, boxing quốc gia không bao giờ biết đến áo dài. Hiếm hoi lắm, tuyển thủ quân đội Ánh Viên mới mặc áo dài, trong Lễ trao giải Cúp Chiến thắng 2019. Trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, huấn luyện viên (HLV) đội tuyển trẻ taekwondo Hà Nội Hà Thị Nguyên nhớ lại: “Hồi còn thi đấu đỉnh cao, có đúng một lần tôi mặc áo dài, đó là ngày kỷ niệm thành lập taekwondo Thủ đô. Nếu tôi nhớ không nhầm thì chiếc áo dài đó màu đỏ vì đó là màu tôi yêu thích”. Đô cử Vương Thị Huyền thì trải lòng: “Là con gái, ai chẳng muốn mặc đẹp, được mọi người để ý, nhưng có phải VĐV nào cũng đủ tự tin mặc lên người bộ áo dài đâu. Em cũng từng nghĩ đến mặc áo dài vào những dịp lễ đặc biệt nhưng lại ngại”.

leftcenterrightdel
Vận động viên Câu lạc bộ bóng chuyền nữ Bộ tư lệnh Thông tin - FLC duyên dáng trong tà áo dài.Ảnh: HỮU TRƯỞNG. 

Hướng đến ngày 8-3 năm nay, tuyển thủ điền kinh Quách Thị Lan chia sẻ: “Sắp đến SEA Games 31 nên chúng em chỉ biết chú tâm vào luyện tập. Mọi năm, vào Ngày Quốc tế Phụ nữ, gần như chúng em vẫn tập luyện bình thường. Với VĐV nữ, dịp này được nhận một vài lời chúc mừng từ người thân, bạn bè, lãnh đạo là vui rồi. Có thêm bó hoa nữa thì càng ấm lòng”. Nhân chuyện được tặng hoa ngày 8-3, khi còn là VĐV nổi danh, Nguyễn Thị Hà nhớ mãi bó hoa được bạn trai (nay là chồng) tặng vào Ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2015. Chị tâm sự: “Đó là kỷ niệm đẹp trong đời VĐV của tôi”. Còn đô cử Vương Thị Huyền chia sẻ: “Ngày 8-3 nhận được hoa, quà từ người thân, có sức khỏe thật tốt để hoàn thành nhiệm vụ thi đấu là điều vô cùng đáng quý đối với VĐV nữ”.

Động lực để khổ luyện thành tài

Thời điểm hiện tại, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội có hơn 800 VĐV thuộc 30 đội tuyển và khoảng 10 đội tuyển trẻ đang tập luyện. Trung tâm chính là nơi tập trung nhiều đội tuyển quốc gia gánh vác trọng trách tại SEA Games 31. Ngày 8-3 năm ngoái, trung tâm tổ chức lễ mít tinh chào mừng nhưng năm nay, tình hình dịch bệnh phức tạp, lãnh đạo trung tâm cho hay, nếu có tổ chức Ngày Quốc tế Phụ nữ thì cũng trên tinh thần gọn nhẹ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội khẳng định: “Trong quá trình xây dựng và phát triển, trung tâm có nhiều thế hệ VĐV, HLV nữ xuất sắc ở các bộ môn, giành nhiều thành tích vẻ vang ở đấu trường quốc tế, mang vinh quang về cho Tổ quốc”.

Nếu điểm lại các cột mốc lịch sử của thể thao nước nhà thì đều có dấu ấn của VĐV nữ. Trần Hiếu Ngân giành huy chương đầu tiên (huy chương bạc) cho thể thao Việt Nam ở đấu trường Olympic (Sydney 2000). Mới nhất, đội tuyển bóng đá nữ quốc gia giành vé dự World Cup 2023, xác lập cột mốc mới vẻ vang cho thể thao nước nhà. Ông Trần Quốc Tuấn, quyền Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khẳng định: “Hằng năm, ngày 8-3 là dịp đặc biệt để liên đoàn tôn vinh các tuyển thủ nữ quốc gia. Nữ cầu thủ bóng đá ở các đội "U", đội trẻ, đội tuyển quốc gia đều là những tài năng của đất nước, xứng đáng được trân trọng. Thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, ngành, xã hội đã có sự quan tâm kịp thời, động viên cả về vật chất lẫn tinh thần cho bóng đá nữ, đó là điều vô cùng đáng quý, đáng trân trọng. Đó chính là động lực để các nữ tuyển thủ dấn thân hơn vì sự nghiệp thể thao nước nhà”.

Mừng khi đội tuyển nữ quốc gia nhận được nhiều phần thưởng ý nghĩa sau chiến tích giành vé dự World Cup 2023, nhưng nhìn rộng ra, cuộc sống của nhiều VĐV nữ còn vất vả. Đương kim vô địch ASIAD Bùi Thị Thu Thảo từng bán khoai lang để kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Thu Thảo trải lòng: “Kiếm tiền chân chính là đáng quý. Tôi không ngại lao động chân tay. Việc đi bán hàng là điều bình thường, nhất là khi tôi mang tới khách hàng sản phẩm ngon, sạch”.

Không riêng gì Thu Thảo mà một số tuyển thủ quốc gia đều tranh thủ lúc nhàn rỗi, làm thêm để phụ giúp gia đình. Những khó khăn VĐV gặp phải khi theo đuổi sự nghiệp thì nhiều nhưng giờ đây, các nữ tuyển thủ đã dần thích nghi và biết cách vượt khó. Ở chiều ngược lại, xã hội cũng luôn đề cao, ghi nhận và có những phần thưởng xứng đáng dành cho những nỗ lực, quyết tâm khổ luyện vì nền thể thao nước nhà của các tuyển thủ nữ quốc gia. 

HÀ THÀNH