Theo dõi trận đấu, chúng ta có thể đồng ý với huấn luyện viên (HLV) Đinh Thế Nam về điểm yếu tâm lý, thể lực và cả phần nào trình độ của các cầu thủ trẻ. Nhưng điểm yếu đến từ đâu? Nhớ lại, ngay trận đầu vào Giải bóng đá U.19 Đông Nam Á 2022 gặp U.19 Indonesia, dàn trẻ của chúng ta đã bộc lộ sự căng cứng khiến lối chơi chệch choạc, lúng túng cả thủ lẫn công. Thậm chí cuối trận, hàng loạt cầu thủ bị căng cơ.
Các trận sau đỡ hơn song vẫn không thể chơi mượt mà. Trận bán kết, đội mở thế trận tấn công mạch lạc, sáng sủa tưởng như bàn thắng trước sau sẽ đến với U.19 Việt Nam, vậy mà không thể. U.19 Malaysia bắt bài U.19 Việt Nam khi khóa chặt các mũi nhọn Văn Khang, Văn Trường, Đình Bắc, Quốc Việt bằng lối chơi áp sát, quyết liệt từ xa.
Dâng đội hình áp đặt mà không thể xuyên phá hàng phòng ngự đối phương, đấy là lúc áp lực ngược đã đè nặng lên cả hàng công và thủ. Một “tai nạn” phòng ngự không kín kẽ, kèm người phá bóng không rõ ràng đã tặng đối thủ một pha bóng ngon lành để ghi bàn thắng dẫn trước. Lợi thế đó càng giúp U.19 Malaysia gia cố trận tuyến phòng ngự với “chiếc xe buýt hai tầng”.
Và thế trận phòng thủ có thể nói là hoàn hảo ấy của U.19 Malaysia đã thành công mỹ mãn. Ngay cả khi vào hiệp 2, các cầu thủ trẻ của chúng ta đã có những phút tấn công đầy quyết tâm, liên tiếp được hưởng phạt góc và đá phạt ngoài vòng cấm, song rừng người, rừng chân của đối thủ vẫn ngăn cản tất cả. Trong bối cảnh ấy, việc phải chịu hai đòn “hồi mã thương” thêm hai bàn thua xem như không bất ngờ.
 |
Một pha tranh chấp bóng giữa U19 Việt Nam (áo đỏ) với U19 Malaysia trong trận bán kết chiều 13-7. Ảnh: VFF. |
Quân ta có chủ quan không? Trước trận, HLV Đinh Thế Nam đã cho đội tập đá 11m chứng tỏ ông không hề đánh giá thấp người Malaysia. Tuy nhiên, từ ý định của HLV đến thực tế thi triển trên sân có khác. Sự hời hợt, thiếu bọc lót, thiếu quyết đoán của hàng thủ dẫn đến sai lầm là điều khá rõ.
Hãy so sánh, nếu như tiền vệ đội trưởng A.Hadi của U.19 Malaysia quán xuyến tốt khu trung tâm, luôn lăn xả kèm chặt các ngòi nổ và nhắc nhở quân mình thì chúng ta không có một người như thế. Khi các hậu vệ của họ khóa biên đâu ra đấy, che chắn, bọc lót kín kẽ hoặc phá bóng dứt khoát, phạm lỗi khôn ngoan thì chúng ta hết bài...
Bóng đá trẻ là thế, vốn không ổn định, thắng bại nằm ở tinh thần và đấu pháp. HLV Đinh Thế Nam dẫn dắt U.23 đến ngôi vô địch Đông Nam Á hồi đầu năm bằng liệu pháp tinh thần thành công đến mức ngoài mong đợi trong hoàn cảnh cực khó vì dịch Covid-19. Cùng đó là lối chơi tấn công đến cùng.
Tất nhiên U.19 là non, non hơn nhiều so với U.23 về mọi mặt và những bài bản phòng ngự rõ là các cầu thủ trẻ chưa thuộc, các mảng miếng tấn công, các kỹ năng chuyền, dứt điểm chưa thành thạo, chính xác... Vấn đề đáng lưu ý ở đây là lối chơi, đấu pháp. Chúng ta đã biết quá rõ về triết lý và phong cách Park Hang-seo đã đưa đến thành công trong các lứa U.23 Việt Nam nằm ở sự chắc chắn.
Tại sao các đối thủ trong khu vực và châu lục đều phải công nhận ghi bàn vào lưới đội tuyển Việt Nam là rất khó? Bởi hệ thống Park Hang-seo là phòng ngự-phản công. Hệ thống đó thành công và hạn chế thế nào ở cấp độ trẻ và tuyển quốc gia đều đã bộc lộ và chính ông đang tìm cách làm mới đặc biệt là nâng cấp hàng công, cách chơi tấn công, pressing, chuyển trạng thái, thoát pressing, chống phản công. Cân bằng công-thủ, trước hết phải bảo đảm phòng ngự chắc là đích đến mà các đội bóng trẻ của chúng ta cần hướng tới. Nói thế dễ nhưng bắt tay vào gây dựng lại là một quá trình.
U.19 Việt Nam thua, không vào được chung kết là bất ngờ, là buồn nhưng cũng là chuyện bình thường trong bóng đá trẻ. Vấn đề là làm sao để đòn đau đầu đời làm những ngôi sao mai thức tỉnh chứ không phải để họ nhụt chí phấn đấu. Thực tế U.19 Việt Nam chỉ mới một lần lên ngôi vô địch Đông Nam Á vào năm 2007, còn những lứa khác có kỳ còn không vượt qua vòng bảng. Vậy nhưng trải nhiều thành-bại, khát khao vươn lên đã nâng họ trở thành những cầu thủ, những tập thể giỏi và chiến thắng trên các đấu trường.
Với bóng đá trẻ là không nên nôn nóng, ép chín sớm, nhất là khi đội chỉ tập hợp gấp gáp, thiếu nhân sự vì nhiều lý do. Chẳng phải là an ủi nhau mà thực tế giải đấu mang đậm tính thử nghiệm, sàng lọc này cũng giúp chúng ta đánh giá được những điểm mạnh, điểm yếu của các cầu thủ tiềm năng.
Phía trước là mục tiêu chính của lứa trẻ này-vòng loại Giải bóng đá U.20 châu Á 2023. Hy vọng ban huấn luyện sẽ có thể tuyển chọn, huấn luyện kỹ càng hơn để U.20 Việt Nam có được sức vóc, sinh khí mới tiếp bước thành công lứa Quang Hải năm 2017 khi tham dự vòng chung kết U.20 World Cup.
THƯỜNG NGUYỄN