Do đó các thế hệ đi sau phải bảo tồn, cùng nhau gìn giữ, phát huy nét đẹp, cái hay, sự độc đáo của hội vật đầu xuân này”.

Năm nay Mồng 10 tháng Giêng, tiết trời Cố đô Huế đẹp, thuận lợi cho các đô vật về làng Sinh dự giải. Vật làng Sình có cái hay là đô vật ở mọi vùng miền Tổ quốc đều được chào đón nhiệt tình khi về đây dự hội (thi đấu và biểu diễn). Theo điều lệ, vào thi đấu, các đô vật không được ra các đòn đánh nguy hiểm đến tính mạng, như: Bẻ, vặn, khoá trái khớp, tấn công bằng đầu, đánh vào hạ bộ, yết hầu, mắt... Chính vì lẽ đó, vật làng Sình đề cao tinh thần thượng võ nhưng cũng hết sức fair-play. Bên cạnh đó, chuyện màu cờ sắc áo của địa phương cũng được đề cao ở hội vật này. Nếu một đô vật của địa phương nào đó không may thua trận, thì đô vật đến từ vùng đất đó sẽ lên thi đấu tiếp. Nhưng nếu thua trận, đô vật phải chờ đến hội vật năm sau mới được thi đấu trở lại sới vật làng Sình. Chính vì lẽ đó, đến với vật làng Sình thường các đô cử phải tập luyện kỹ lưỡng quanh năm.

Một trận đấu ở hội vật làng Sình năm 2018. Ảnh: Anh Dũng

Vật làng Sình về cơ bản cũng áp dụng luật thi đấu vật dân tộc. Các đô vật chỉ được công nhận chiến thắng khi khiến cho đối phương lấm lưng trắng bụng.

Các bậc bô lão làng Sình bên ấm trà nóng vẫn thường tự hào kể cho du khách về với hội vật rằng, ngày xưa, vật làng Sình đề cao tính giải trí, vui Xuân vui Tết, chứ không phải tổ chức lễ hội vật để tuyển chọn quân lính, võ sĩ cho triều đình phong kiến. Du khách đến với hội vật làng Sình không chỉ hòa vào không khí của hội vật đầu xuân mà còn có thể tham quan, thưởng thức các cơ sở sản xuất, vẽ tranh dân gian (làng Sình) nức tiếng; cũng như tham quan khung cảnh thiên nhiên nên thơ của làng Sình. Vừa thưởng ngoạn tài vẽ tranh, chúng tôi vừa được nghệ nhân Kỳ Hữu Phước kể chuyện, rằng thời nhà Nguyễn, nhờ có vị trí đặc biệt quan trọng trên các tuyến thủy lộ mà ngã ba Sình được triều đình xây dựng làm nơi diễn tập thủy quân. Với phương châm lấy việc rèn luyện sức khỏe cho quân dân làm đầu, nhà Nguyễn khuyến khích quân lính tổ chức đấu vật thi võ và về sau ấn định Mồng 10 tháng Giêng làm ngày tổ chức hội vật làng Sình.

Hội vật làng Sình có hai phần: Phần lễ và phần hội. Trước khi tiếng trống khai hội bắt đầu là phần lễ tại đình làng. Đó là nghi lễ vái tạ Thành Hoàng của các trưởng tộc ở đình làng, để nhắc nhở con cháu luôn nhớ đến ơn đức tổ tiên. Sau đó phần hội chính thức được khai mạc. Về với hội vật làng Sình năm nay có gần 100 đô vật tham gia ở ba lứa tuổi: Thiếu nhi, thiếu niên và thanh niên, với thể thức ghi danh tự do. Sới vật làng Sình diễn ra trên đất cát, mỗi cạnh rộng 8m. Theo quy định của Ban tổ chức, nếu đô vật nào đăng ký thi đấu mà phát hiện có mùi bia, rượu sẽ không được phép lên sới vật tranh tài.

Với bề dày truyền thống có từ hàng trăm năm qua, hội vật làng Sình là “món ăn” tinh thần không thể thiếu của người dân Cố đô Huế mỗi khi Xuân về Tết đến. Hội vật cũng là nơi những người con xứ Huế đi làm ăn phương xa trở lại nơi chôn nhau cắt rốn, gặp mặt người thân, bạn bè trước khi tự tin đóng khố bước vào sới vật tranh tài với tinh thần thượng võ, lạc quan yêu đời.

NHẤT TÂM