Song, với chuyên gia trong môn bơi và ngay cả những nhà báo có thâm niên trong nghề thì niềm vui đó thực sự chưa trọn vẹn. Bởi một lẽ hết sức đơn giản là 16 HCV đó thì có tới 15 chiếc của cá nhân Ánh Viên. Chiếc HCV còn lại của đoàn Quân đội là ở cự ly tiếp sức 4x100m nữ, mà ở nội dung này không có kình ngư thuộc biên chế Trung tâm Thể dục thể thao (TDTT) Quốc phòng 4 thì chưa chắc đã về tay các tuyển thủ Quân đội (năm 2016 Ánh Viên không dự giải, các VĐV Quân đội đoạt HCĐ ở nội dung thi đấu này).

Người hâm mộ thể thao ai cũng biết kình ngư Ánh Viên là "báu vật" không những của riêng Trung tâm TDTT Quốc phòng 4, của thể thao Quân đội mà của cả thể thao Việt Nam. Lịch sử bơi lội đất Việt đến nay mới chỉ có Ánh Viên đoạt liền 16 HCV qua hai kỳ SEA Games liên tiếp. Ngoài ra chị còn đoạt huy chương tại các kỳ cuộc châu Á và giới hâm mộ thể thao nước nhà đang rất kỳ vọng trong tương lai gần, nếu được đầu tư chuyên biệt nội dung sở trường, tuyển thủ Quân đội này có thể tiếp cận được huy chương Olympic. Vì thế, có người nói vui, Ánh Viên vừa ngủ dậy, xuống bơi ngay cũng đoạt huy chương ở bất cứ giải đấu trong nước nào!

leftcenterrightdel
Ánh Viên trên đường đua xanh. Nguồn SEA Games 29 
Nói đến đây, những người yêu thích môn bơi chột dạ, sao không thấy một VĐV của Trung tâm TDTT Quốc phòng 5 - cái nôi của bơi Quân đội, đoạt HCV cá nhân tại giải vô địch quốc gia lần này?

Thể thao Quân đội có 5 trung tâm. Nếu Trung tâm I (Hà Nội) là con chim đầu đàn với các môn mũi nhọn: Bắn súng, điền kinh, vật, karatedo; Trung tâm II (Quân khu 7) có thế mạnh cầu lông, quần vợt, xe đạp... thì khi nhắc đến Trung tâm 5 (Hải quân), môn bơi chắc chắn là số 1.

Còn nhớ cách đây 41 năm, Quân chủng Hải quân đã có quyết định thành lập Đội 9 Hải quân, đơn vị chuyên trách các hoạt động TDTT của quân chủng đóng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Lúc đó, TDTT trong quân đội còn mang tính phong trào, chủ yếu tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ tập luyện nâng cao thể lực, sẵn sàng chiến đấu nên ở Đội 9 có các môn: Bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền... và tất nhiên không thể thiếu được môn thể thao gắn liền với sông nước, với cuộc sống huấn luyện thường ngày của cán bộ, chiến sĩ hải quân - bơi lặn. Vì thế, năm 1988, khi thể thao có xu hướng tách bạch rõ phong trào với đỉnh cao thì Quân đội giao cho Hải quân chuyên tâm đào tạo nuôi dưỡng các VĐV bơi.

Ngày ấy, dù còn nhiều thiếu thốn, kể cả việc chưa có bể bơi dài 50m, nhưng đội bơi Hải quân vẫn khổ luyện để đào tạo, bồi dưỡng cho ra lò hàng loạt VĐV xuất sắc: Tô Văn Vệ, Trương Hải Phong, Nguyễn Đăng Bình, Quách Hải Nam, Quách Hải Đăng, Lương Thị Hoa, Nguyễn Thị Nhung... Những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, Đội tuyển bơi Quân đội gồm hầu hết là các tuyển thủ Hải quân hễ ra quân thi đấu là nằm trong tốp đầu quốc gia, luôn cạnh tranh sòng phẳng với các đoàn mạnh. Trên đấu trường quốc tế, Trung úy Hải quân Trương Ngọc Tuấn, đoạt HCB SEA Games 22-2003 ở nội dung 200m ngửa. Cũng cần nói thêm, việc đoạt HCB bơi lội của Đoàn thể thao Việt Nam ở SEA Games thời ấy chẳng khác nào mò kim đáy bể (kết thúc SEA Games 22, bơi lội Việt Nam không giành được HCV, chỉ đoạt duy nhất 1 HCB và có thêm 2 HCĐ).

Trở về với thực tại, việc các tuyển thủ bơi lội Trung tâm TDTT Quốc phòng 5 không đoạt được một HCV cá nhân nào ở giải vô địch bơi toàn quốc có thể do quá trình chuyển giao thế hệ, các VĐV lớn tuổi nghỉ thi đấu trong khi lớp kế cận chưa kịp trưởng thành; hay việc VĐV trẻ thiếu kinh nghiệm nên vuột HCV trong gang tấc... Song nói gì thì lãnh đạo Trung tâm TDTT Quốc phòng 5 cũng phải xem xét lại quá trình từ khâu tổ chức tuyển chọn đến công tác đào tạo, huấn luyện các VĐV, nhất là khi thời gian từ nay Đại hội TDTT toàn quốc 2018 chỉ còn chưa đầy năm.

Hy vọng Trung tâm TDTT Quốc phòng 5 chung vai gánh vác một phần trách nhiệm trong việc giành HCV ở các kỳ cuộc trong nước, để kình ngư Ánh Viên có thời gian tập trung vào những nội dung sở trường, vì mục tiêu lớn hơn là ASIAD và cả Olympic ./.

NAM THẮNG