Bao giờ cho đến ngày xưa...

Giai đoạn ấn tượng nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam kéo dài từ năm 2018 đến đầu năm 2023. U.23 Việt Nam gây chấn động với ngôi á quân giải U.23 châu Á và hạng 4 Á vận hội trong năm 2018. Đội tuyển Việt Nam giành chức vô địch AFF Cup lần đầu tiên sau 10 năm cũng ở thời điểm bấy giờ. Thừa thắng xông lên, “những chiến binh sao vàng” vào tứ kết Asian Cup 2019, đi kèm việc đoạt vé dự vòng loại thứ 3 World Cup 2022. 

Nền tảng tạo nên thành công liên tiếp trong giai đoạn vàng của bóng đá nước nhà không chỉ đến từ năng lực cầm quân của huấn luyện viên Park Hang-seo. Nó còn hiện diện ở một nguồn lực tuyệt vời, với sự kết hợp của hai lực lượng chủ đạo vốn trưởng thành từ câu lạc bộ Hà Nội và Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Đội bóng phố núi hãnh diện về khóa 1 của Học viện HAGL JMG, khi những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... từ chỗ vực dậy niềm tin nơi người hâm mộ cho đến đóng góp rất lớn vào thành tích chung của các đội tuyển Việt Nam cấp độ khu vực và châu lục.

Trong khi đó, “gà nòi” của hệ thống đào tạo Hà Nội bao gồm Duy Mạnh, Đức Huy, Đình Trọng, Văn Hậu và đặc biệt là Quang Hải đã hoàn thiện sức mạnh cho đội tuyển Việt Nam giai đoạn bấy giờ. Đặc biệt, lứa Quang Hải, Văn Hậu còn đưa U.20 Việt Nam đến vòng chung kết U.20 World Cup 2017. 

Lực lượng U.23 Việt Nam tham dự Giải vô địch bóng đá U.23 Đông Nam Á 2025 không có nhiều cái tên của Hà Nội và Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: VFF 

Tuy nhiên, sau giai đoạn hoàng kim ấy, bóng đá Việt Nam đang không có thêm nhiều thành công như kỳ vọng. Ngoài chức vô địch ASEAN Cup 2024, các đội tuyển quốc gia nam đa phần thất bại. “Những chiến binh sao vàng” tan vỡ giấc mơ dự World Cup 2026, khi sớm dừng bước từ vòng loại 2. Ở sân chơi Asian Cup, tuyển Việt Nam thua Indonesia, kéo theo việc bị loại sớm từ vòng bảng. Cấp độ U.16 và U.19 Việt Nam gần đây cũng thất bại từ giải khu vực đến châu lục. Mọi hy vọng ở thời điểm này dồn cả vào U.23 Việt Nam, với khát vọng chinh phục ngôi vô địch Đông Nam Á, giành huy chương vàng SEA Games hay tiếp tục đoạt vé dự vòng chung kết U.23 châu Á.

Hụt hơi

Trong danh sách 23 cầu thủ U.23 Việt Nam tham dự Giải vô địch bóng đá U.23 Đông Nam Á 2025 không có nhiều cái tên đến từ Hà Nội hay HAGL. Lý Đức, Trung Kiên là hai cái tên hiếm hoi mà đội bóng phố núi đóng góp cho đội U.23 Việt Nam. Con số tương tự với Hà Nội khi Văn Trường và Văn Hà là hai cầu thủ ít ỏi của đại diện Thủ đô được huấn luyện viên Kim Sang-sik tin tưởng.

Hiếm khi nào trong vòng 10 năm qua, Hà Nội và HAGL lại hụt hơi trong việc đóng góp đại diện cho U.23 Việt Nam đến vậy. Nhưng đó cũng là minh chứng cho thấy việc đào tạo của hai câu lạc bộ truyền thống này đang ở giai đoạn bão hòa. Bất chấp việc vẫn tiếp tục sản sinh ra các thế hệ cầu thủ tiếp bước lứa đàn anh Công Phượng hay Quang Hải, phải thừa nhận rằng, Hà Nội cùng HAGL đang thiếu đi sản phẩm đặc sắc, in dấu ấn ở cấp độ đội tuyển quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi đấu của các đội tuyển Việt Nam như đã phân tích kể trên. Và nếu như câu chuyện vẫn cứ tiếp diễn ở giai đoạn tới, Hà Nội, HAGL khó lòng trở lại vị thế đỉnh cao, từ thành tích thi đấu cho đến danh tiếng đào tạo trẻ.

Đúng thời điểm Hà Nội và HAGL sa sút, Thể Công Viettel vượt lên khi đóng góp nhiều cầu thủ trẻ cho các đội tuyển Việt Nam. Với riêng đội U.23 Việt Nam hiện tại, đại diện áo lính có 4 gương mặt gồm Công Phương, Văn Khang, Thành Đạt và Tuấn Phong. Trong đó, Văn Khang là cầu thủ trẻ đáng chú ý nhất của bóng đá Việt Nam trong 3 năm trở lại đây.

Dẫu vậy, những tài năng trẻ của Thể Công Viettel kể trên vẫn cần một bước tiến mạnh mẽ hơn, để vượt qua ranh giới năng lực và kỳ vọng hiện tại. Tấm gương về Hoàng Đức, sản phẩm tự hào nhất mà Thể Công Viettel từng tạo dựng là điều mà Công Phương hay Văn Khang cần học hỏi. Từ nay đến hết năm 2025, U.23 Việt Nam sẽ tham gia 3 giải đấu lớn. Đây là cơ hội để các cầu thủ trẻ của Thể Công Viettel nắm bắt và trưởng thành.

TRỊNH MỸ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.