Sự việc trên đã để lại vết nhơ trong lịch sử bóng đá nước nhà. Phân tích mổ xẻ dưới nhiều góc độ, đó là hành vi thiếu văn hóa, không tôn trọng khán giả lẫn đồng nghiệp trên sân cỏ. Lâu nay, những người làm bóng đá, thể thao nước nhà vẫn hay hô hào, động viên nhau phải ứng xử văn hóa trên sân cỏ, trên sàn đấu. Nhưng vận động là một chuyện, còn thực tế trên sân cỏ lại rất khác. Các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ thời gian qua đặc biệt chú trọng đến việc dạy văn hóa cho VĐV, thậm chí đôi khi còn gắng xếp chuẩn mực đạo đức lên trên cả chuyên môn. Chúng tôi cho rằng việc này tương đối khó, vì muốn gì thì muốn, với thể thao thì ngoài năng khiếu, việc luyện tập, trau rèn chuyên môn đã chiếm phần lớn thời gian của VĐV; còn nếu gắng học văn hóa hay lấy tiêu chí tuyển chọn VĐV có trình độ học vấn, văn hóa cao là thiếu thực tế.

Chúng tôi vẫn nhớ chuyện hơn 20 năm về trước, ngày đó HLV Lê Thụy Hải tuyển quân cho đội trẻ Hà Nội. Có mấy học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội) chơi bóng rất cừ ở sân Quần Ngựa, ông Hải khuyên rất thật: Các em giờ nên lựa chọn giữa việc học văn hóa hoặc theo đuổi nghiệp quần đùi áo số. Chứ vừa đi học vừa tập bóng đá thì khó lắm!

leftcenterrightdel
Trọng tài vẫn là mảng tối ở V-League. Ảnh: TÍNH ANH 
Cầu thủ nói riêng, VĐV nói chung vốn nhận thức việc học văn hóa là việc phụ nên trong cuộc sống đôi lúc có những nhận thức, hành động chưa chuẩn mực. Trở lại vụ đội bóng Long An gây chuyện lùm xùm trên sân Thống Nhất, HLV Lê Thụy Hải đưa ra quan điểm: “Tôi không phản đối Ban Kỷ luật VFF phạt đội Long An, nhưng phạt gì thì phạt, đừng nên “thí tốt”. Cầu thủ chỉ là quân cờ bé nhất trên bàn cờ thôi, nếu không nhận chỉ đạo, đời nào họ dám tự ý “buông” như thế”. Thấy rõ trong chuyện này, cựu Chủ tịch CLB Long An Võ Thành Nhiệm là người “bật đèn xanh” cho các cầu thủ Long An làm trò hề sân Thống Nhất. Xét về cả lý và luật, ông Nhiệm đã sai và ông đã xin lỗi, chịu hết trách nhiệm về mình. Ông Nhiệm từ chức ngay trong cái đêm mà dư luận dậy sóng và lãnh đạo VFF, Ban tổ chức V-League đau đầu.

Có điều khi đưa ra án phạt, không hiểu những người có quyền lực đã suy nghĩ thấu tình đạt lý. Không hiểu người ở Ban Kỷ luật có biết mẹ của thủ môn Minh Nhựt phải chạy thận lâu nay. Một tháng, thủ môn 31 tuổi dành 10 triệu đồng tiền lương chạy thận cho mẹ. Gia cảnh của Minh Nhựt cũng khó khăn khi hai con còn nhỏ, vợ thì làm việc lặt vặt kiếm thêm con cá mớ rau. Minh Nhựt đau đớn thốt lên: “Phạt tôi thế này là gián tiếp giết chết mẹ và gia đình tôi”. Có lỗi phải chịu phạt, nhưng phải thấy lỗi của Minh Nhựt, Quang Thanh xảy ra khi họ bị kích động, từ quả phạt đền đang gây tranh cãi của trọng tài Nguyễn Trọng Thư, vị “vua sân cỏ” vốn có quá nhiều tai tiếng. Chúng tôi không bênh Minh Nhựt, Quang Thanh nhưng Ban Kỷ luật VFF xử sao cho các bên liên quan nể phục, có tính chất làm gương, răn đe; chứ xử theo kiểu lên vội án điểm, từ trên nhìn xuống là điều không nên. Chuyện gì cũng có khởi điểm, nếu trọng tài Thư bắt chuẩn, tiếng còi không “méo” thì làm gì có chuyện ban lãnh đao, huấn luyện, cầu thủ Long An “rồ” hết lên như vậy. Họ chịu uất ức lâu rồi, và tiếng còi ở phút 80 trên sân Thống Nhất (trận đấu giữa CLB TP Hồ Chí Minh và Long An) như giọt nước tràn ly. Chúng tôi tin rằng, ngay thời khắc “gây họa”, toàn bộ đội Long An đã ý thức được bản án dành cho họ; nhưng tại sao họ vẫn hành động như võ sĩ say đòn?  

Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương: “Bóng đá Việt Nam mang tiếng chuyên nghiệp nhưng thực chất rất nghiệp dư hay nói ví von bóng đá Việt Nam đang mặc áo quá rộng. Vì vậy, nhiều trường hợp các bên hành xử cảm tính khiến dư luận không đồng tình. Ban trọng tài quá nhiều lần để xảy ra những chuyện ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh bóng đá Việt Nam nhưng có ai xử chưa? Tôi mong xử CLB Long An làm án điểm để răn đe là tốt, nhưng tốt hơn nữa nếu công tác trọng tài được cải tổ triệt để”.

HLV lão làng Lê Thụy Hải phân tích thêm: “Tôi là HLV bao nhiêu năm, tôi biết làm gì có ông nào liều đến mức dám xui cầu thủ của mình không đá. Anh Quang Sang lại càng không phải mẫu HLV như thế. Còn cầu thủ, đá bóng là nghề kiếm cơm của họ, đừng ép họ mất nghề. Tuổi cứng như Quang Thanh, Minh Nhựt, phạt 2 năm thì là giết họ rồi, còn đá đấm gì lại nữa. Cả nước nhìn thấy các cầu thủ Long An bột phát, cay cú, nhưng cái gì khiến họ bột phát, cay cú thế? Trọng tài thổi quả 11m tôi chưa bàn đến đúng sai, nhưng nó làm đổ vỡ cả trận đấu thì chắc chắn cũng phải xem lại, đằng này cứ như thể vô can. Rồi còn giám sát trọng tài, vai trò của anh ở chỗ nào?”.

Về phần mình, trọng tài Thư vừa lên tiếng mong muốn Ban Kỷ luật VFF xem xét giảm án cho các cầu thủ Long An. Nhưng Ban Kỷ luật, Ban Trọng tài còn đang bận… rút kinh nghiệm nội bộ về nghiệp vụ của trọng tài Thư. “Chỉ là rút kinh nghiệm chứ không phải khẳng định đúng, sai”, ông Nguyễn Văn Mùi, Trưởng ban Trọng tài úp mở như vậy.

VŨ THU