Sau chiến tích lẫy lừng của đội tuyển nam quốc gia đi đến vòng loại cuối cùng World Cup cùng thành công vang dội của bóng đá nữ lần đầu tiên và tuyển futsal Việt Nam lần thứ hai đoạt vé tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, rõ ràng bóng đá Việt Nam đã bước lên nấc thang mới, vị thế mới.

Niềm vui đậm đà bao nhiêu thì sức ép của thách thức kế thừa, phát triển càng nặng nề bấy nhiêu đối với V-League và bóng đá trẻ. Chúng ta có thể vượt qua cái bẫy chu kỳ thăng, trầm vốn có của bóng đá như thế nào? Chợt lại hiện về câu cảm thán nhức nhối năm xưa của huấn luyện viên (HLV) A.Riedl: “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”.

leftcenterrightdel
Cầu thủ U23 Việt Nam tập luyện trên sân Quân đội ở Phnom Penh (Campuchia) ngày 18-2. Ảnh: VFF 

Quả là chúng ta đã làm như vậy ngay trong những bước hội nhập đầu tiên với bóng đá khu vực. Khi nền bóng đá mới gây dựng lại sau nhiều năm bị ngưng trệ, tách biệt bởi chiến tranh, chất lượng cơ sở vật chất hạ tầng và công tác đào tạo còn thấp, chúng ta đã phải chấp nhận và hy vọng bóng đá cấp độ đội tuyển có thể đi trước mở đường. Đó là cách làm khác với các quốc gia có tiềm lực lớn về kinh tế và thể thao.

Nói là khác chứ không phải ngược, bởi thực tế vẫn đã và có thể gây dựng, phát triển song hành giữa bóng đá câu lạc bộ (CLB) và đội tuyển. Cái sự khác chỉ là mức độ và nguồn lực đầu tư. Và cách làm của chúng ta cũng đã sớm có kết quả tốt khi đội tuyển quốc gia do HLV Weigang dẫn dắt đã đoạt huy chương bạc SEA Games năm 1995, tiếp đó là duy trì thành tích khá tốt ở tốp đầu khu vực.

Ở đây cần phải nói đến văn hóa bóng đá của người Việt Nam ta. Điều tích cực là đội tuyển bao giờ cũng thu hút được sự hâm mộ của đông đảo công chúng khắp mọi miền. Trong sự hâm mộ đó có gửi gắm khát vọng vươn lên đại diện cho nhiều mặt của cuộc sống.

Mặt trái của cách làm nghiêng lệch này là bóng đá CLB, bóng đá trẻ-tức nền móng của cả nền bóng đá chưa thật sự được chú trọng đầu tư đúng hướng và đúng mức. Thậm chí khi nguồn lực xã hội tạo nên cả làn sóng làm bóng đá của các doanh nghiệp mới nổi thì lại mắc bệnh thành tích ăn xổi trước mắt. Nhiều ông chủ đổ tiền mua đội bóng, mua cầu thủ nội, ngoại đắt giá nhưng kết cục là sớm nắng chiều mưa.

Thật may, lối làm bóng đá ấy đã được những tập thể, những ông chủ thức thời nhận diện và quyết xắn tay vào cuộc đổi thay. Thời bóng đá bước vào chuyên nghiệp chưa đầy đủ ý nghĩa song cũng đã cho ra đời một vài lứa cầu thủ giỏi để bóng đá nam lần đầu tiên đoạt ngôi vô địch Đông Nam Á 2008.

Trước đó, năm 2007, chính là với HLV Riedl, đội tuyển quốc gia đã vào tứ kết giải vô địch châu Á. Thành tích đó đã làm nức nở song chỉ đến khi một số CLB-lò đào tạo mới bài bản ra đời mà tiêu biểu là Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội, Viettel, bóng đá nước nhà mới thực sự được làm từ gốc, căn cơ theo xu hướng hiện đại, nhà nghề. Ở bóng đá nữ và futsal cũng là những con người tâm huyết, những người thầy ngoại rồi thầy nội có tầm nhìn và suy nghĩ thực tế.

Vậy là công cuộc xây nhà từ nóc đã thành công trong tạo sức hút xã hội và trong vai trò kéo mở đường nhiều mặt cho bóng đá móng nền. Ở chừng mực nhất định, chúng ta có thể tự hào về cách làm bóng đá Việt Nam vừa "liệu cơm gắp mắm" vừa biết đầu tư trọng tâm, trọng điểm, vừa có “trên dưới đồng lòng” vừa có sự năng động, dám nghĩ dám làm của những tập thể, cá nhân nổi trội.

 Trên đỉnh cao mới lúc này là nỗi lo về chu kỳ lên xuống có thể xuất hiện. Hàng loạt nỗi lo về một thế hệ cầu thủ trẻ U.19, U.21, U.23 không có tài năng bật nổi; về bóng đá nữ, futsal chưa có nhiều CLB đủ lực đầu tư, nâng cao chất lượng; về tình trạng có CLB V-League, hạng Nhất vẫn thấp thỏm ăn đong hoặc hợp-tan bất chừng; về số trung tâm đào tạo trẻ và số lượng, chất lượng các giải đấu trẻ; về bóng đá học đường, bóng đá phong trào... Nghĩa là sự phát triển bền vững vẫn là mục tiêu cơ bản, lâu dài.

Có thể trước mắt sẽ chưa được thấy những Công Phượng, Tuấn Anh, Ngọc Hải, Trọng Hoàng... mới. Có thể sau Huỳnh Như, Chương Thị Kiều, Hồ Văn Ý... sẽ chưa có ngay những cái tên mới đặc sắc để kề vai sát cánh... Nhưng đã thấy một Hoàng Đức chỉ một năm 2021 đã tiếp bước đàn anh xứng đáng, một Hồ Thanh Minh, Đức Việt trẻ măng đã le lói sáng... Và nữa, về cách làm là vì sao CLB Hoàng Anh Gia Lai năm nay dám đôn đến 10 cầu thủ trẻ vào đội hình đá V-League. Hay Hà Nội FC, Viettel FC sẽ dùng nhiều cầu thủ do họ đào tạo ra...

Từng bước, từng bước việc xây nóc, xây nền, thời phát triển song hành của bóng đá Việt Nam đã vào nhịp mới.

NGUYỄN MẠNH