Có điều gì đó không ngờ đã diễn ra đối với những cầu thủ phòng ngự chơi tốt tại các giải trẻ năm 2022 và từng bước được vào đấu trường V-League? Phải chăng yếu tố thể lực và sự tỉnh táo đã kém đi do đá khung giờ “buồn ngủ”? Quan trọng hơn, phải chăng yêu cầu mới về kiểm soát bóng, phát triển bóng từ tuyến dưới chưa được nhuần nhuyễn cùng việc tăng cường độ pressing tầm cao của đối thủ đã làm cầu thủ U.23 Việt Nam lúng túng? Một đường chuyền ngang thiếu quan sát và không chính xác bắt đầu từ đó. Tiếp đến là sự mất bình tĩnh dẫn đến sai sót trong bọc lót và truy cản đã gây nên sự cố thẻ đỏ, rồi phạt đền. Sai lầm nối tiếp nhau đã phá hỏng cả ý tưởng lối chơi lẫn ý đồ chiến thuật của U.23 Việt Nam.
    |
 |
Cầu thủ U.23 Việt Nam. Ảnh: Vietnam+ |
Nhưng không chỉ sai lầm trong phòng ngự, khoảng 20 phút đầu, thế trận khá cân bằng, nhưng quân ta không tạo được các tình huống tấn công nào đáng kể khi đội bạn hạ thấp đội hình ngăn cản và thăm dò. Cứ như thể U.23 Iraq đã sớm bắt bài U.23 Việt Nam. Điều này không lạ, họ có ưu thế về thể hình, thể lực, tốc độ và kỹ thuật. Đội tuyển Iraq đã đánh bại đội tuyển Việt Nam tại tứ kết Asian Cup 2007. Sau đó tại Asian Cup 2019, Iraq cũng thắng đội tuyển Việt Nam trong trận ra quân vòng bảng bằng cách chơi này. Tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, các đối thủ “cửa trên” của chúng ta cũng vào trận như vậy. Trước hết, họ chơi chắc, ngăn cản sức công, hạn chế những tình huống phản công vốn khá lợi hại của phía Việt Nam. Trên sân của Việt Nam, họ càng cẩn trọng, không vội vàng áp đặt, không ỷ trên phân mà lựa chọn chơi rình rập. Mới đây, U.20 Iraq thành công vào đến chung kết giải U.20 châu Á cũng nhờ bài bản này.
Kể ra như trên để hiểu định hướng lối chơi, kiểm soát bóng, tăng khả năng tấn công là điều quan tâm trọng yếu của HLV Troussier. Đồng thời ông cũng làm rõ rằng trước các đối thủ mạnh phải chơi phòng ngự-phản công. Tiếc rằng, trận đầu ra quân giải quốc tế Doha Cup 2023, khi tấn công, phản công chưa hiệu quả thì mặt trận phòng ngự của U.23 Việt Nam sớm thủng nặng.
Có đứng dậy được không sau thất bại trên? Yếu tố tâm lý-tinh thần lúc này có ý nghĩa quyết định. Có nhiều lý do để trông đợi vào sự làm lại của ông Troussier cùng đội quân trẻ. Trước hết là thái độ trước sai lầm. Điều này đã được ông thầy người Pháp lường định và chuẩn bị từ trước. Không ngẫu nhiên trong quá trình huấn luyện, ông đã phải chỉnh sửa từng động tác, từng pha xử lý bóng của cầu thủ. Đã là tuyển thủ rồi mà vẫn phải để thầy “cầm tay chỉ việc”-nghe có vẻ cầu kỳ, kỹ tính thái quá. Nhưng thực tế là nhiều kỹ thuật, kỹ năng của các tuyển thủ trẻ chưa thực sự tốt. Đỡ bóng, chuyền bóng vụng, sai; di chuyển không hợp lý là những điểm yếu phổ biến và cần thời gian căn chỉnh, nâng cấp. Bên cạnh đó là yếu tố tâm lý trước tình thế trận đấu biến động... Trước đối thủ không phải quá mạnh song các điểm yếu thủ và công đều đã bộc lộ, sự chủ động, sửa chữa, khắc phục sẽ đưa tập thể đội bóng dần đi đúng đường ray đã định.
Giải giao hữu chất lượng bổ ích là vậy. Cái mới đang ấp ủ? Các cầu thủ đã nhìn rõ mình hơn, không ảo tưởng và cũng không thất vọng. Dư luận chung cũng vậy, không nôn nóng đòi hỏi đi nhanh, đi tắt, lấy bước sau làm bước trước.
THƯỜNG NGUYỄN