Thành công nhờ "đi tắt đón đầu"
Còn nhớ năm 2007, nhằm chuẩn bị cho Đại hội Thể thao trong nhà và võ thuật châu Á 2009 diễn ra tại Việt Nam, ngành thể thao Hà Nội đã sớm tiếp cận với Liên đoàn Kurash quốc tế. Khi ấy, huấn luyện viên (HLV) Đỗ Ngọc Hùng là phụ trách judo Hà Nội được cử đi học lớp trọng tài, tìm hiểu về luật, thể thức thi đấu môn kurash. Sau khi trở về, được sự ủng hộ của lãnh đạo thể thao Hà Nội, HLV Đỗ Ngọc Hùng và ban huấn luyện đã xây dựng lực lượng môn kurash, lấy quân từ môn judo sang đào tạo. Sở dĩ có cách làm như vậy vì kurash là môn võ truyền thống của Uzbekistan có lối chơi, cách tính điểm tương đồng như judo. Bởi vậy, từng có thời gian dài, môn judo Hà Nội được ví là nơi đào tạo “3 trong 1”. Nghĩa là các võ sĩ judo có thể thi đấu tốt ở môn kurash và jujitsu.
 |
Huấn luyện viên Nguyễn Tuấn Học cùng học trò Tô Thị Trang-người giành huy chương vàng đầu tiên cho thể thao Việt Nam tại SEA Games 31. Ảnh: DUY HIỆU. |
Ngay trong năm 2007, HLV Đỗ Ngọc Hùng đã đề xuất lãnh đạo ngành thể thao cử đội tuyển kurash với nòng cốt là những võ sĩ môn judo đi tham dự Giải kurash vô địch thế giới tại Mông Cổ. Với quyết tâm tham gia sân chơi quốc tế nhằm học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, vì vậy, khi có sự cố khiến vé bị hủy phải mua vé mới, ông Hùng đã phải chấp nhận “bù lỗ” 3.000USD, quyết đưa các trò sang Mông Cổ. Và quyết tâm đó đã được đền đáp xứng đáng khi đội đã giành được huy chương đồng thế giới ngay lần đầu xuất trận.
Nhờ phát triển đúng hướng, đội tuyển kurash Việt Nam đã giành thành tích nổi bật tại Đại hội Thể thao châu Á năm 2018 với tấm huy chương đồng. Tại SEA Games 30 năm 2019, môn kurash lần đầu tiên được đưa vào trong chương trình thi đấu chính thức. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đội tuyển kurash Việt Nam đã thi đấu ấn tượng khi giành 7 huy chương vàng trên tổng số 10 nội dung. Kurash dù “sinh sau đẻ muộn” so với nhiều môn khác, song đã gặt hái được nhiều thành tích đáng nể nhờ chiến lược "đi tắt đón đầu" mà thể thao Hà Nội là nòng cốt.
Tương lai nhiều hứa hẹn
Chuẩn bị cho SEA Games 31, ngay từ đầu năm 2022, Tổng cục Thể dục thể thao đã quyết định cho hai đội tuyển kurash Việt Nam tập luyện ở Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Do luật thi đấu môn kurash tại SEA Games 31 thay đổi cho phép mỗi nội dung có hai võ sĩ mỗi nước thi đấu, nên việc lựa chọn lực lượng, hạng cân tham dự đều được ban huấn luyện tính toán kỹ. Ngoài ra, chuyến tập huấn và thi đấu quốc tế dài 20 ngày tại Uzbekistan và Tajikistan hồi tháng 3 đã giúp các thành viên đội tuyển kurash Việt Nam học hỏi được nhiều điều. Tại đây, đội tuyển kurash Việt Nam tham dự 3 giải đấu quốc tế, được tiếp cận với các chuyên gia hàng đầu thế giới về môn kurash.
 |
Các thành viên đội tuyển kurash Việt Nam chụp ảnh lưu niệm sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại SEA Games 31. Ảnh: TAM NINH. |
Đội hình thi đấu SEA Games 30 của đội tuyển kurash Việt Nam, bây giờ vẫn có đến 95% tham dự SEA Games 31. So với kỳ đại hội trước, lần này có sự khác biệt vì chúng ta đã có đội tuyển kurash Việt Nam tập trung riêng, được đầu tư chuyên biệt về kỹ chiến thuật. Kết thúc các nội dung tranh tài SEA Games 31, đội tuyển kurash Việt Nam hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu khi giành được 7 huy chương vàng, 5 huy chương bạc và 5 huy chương đồng, bảo vệ thành công vị trí số 1 Đông Nam Á. Kết quả trên cũng có bất ngờ, tiếc nuối, nhưng những vận động viên (VĐV) đã cố gắng hết sức với quyết tâm cao nhất vì thể thao Việt Nam. Sự hy sinh của cá nhân VĐV, gia đình VĐV trong suốt thời gian qua là điều chúng tôi luôn trân trọng và biết ơn.
Sau SEA Games 31, đội tuyển kurash Việt Nam sẽ làm gì? Nhiều người vẫn nói kurash là “mỏ vàng” của thể thao Việt Nam, song mấy ai hiểu hết về môn thể thao này. Hiện tại ở Việt Nam, kurash mới có giải thi đấu vô địch quốc gia và giải đấu cúp mỗi năm. Trong thời gian tới, kurash cần thêm có giải trẻ hướng tới mục tiêu đào tạo những võ sĩ tài năng chuyên nghiệp. Trong mỗi giải vô địch quốc gia, môn kurash luôn quy tụ khoảng 20 đơn vị tham gia tranh tài. Trên thực tế, chỉ có khoảng 2-3 đơn vị tách kurash thành bộ môn riêng, số còn lại thường sử dụng các võ sĩ judo để thi đấu.
Kurash nằm trong hệ thống thi đấu của Đại hội Thể thao châu Á. Bởi vậy, để có những VĐV chất lượng đủ tầm cạnh tranh huy chương tại đấu trường Á vận hội, đội tuyển kurash Việt Nam rất cần một sự đầu tư có lộ trình, bài bản và thích đáng. Và thành tích ấn tượng tại SEA Games 31 sẽ là cú hích để phát triển môn kurash trong thời gian tới.
NGUYỄN TUẤN HỌC, Huấn luyện viên trưởng đội tuyển kurash Việt Nam