Nhưng, tới kỳ SEA Games này, cách đây hai tháng, vẫn còn 7 môn thể thao, gồm: Bắn súng, bắn cung, xe đạp, đấu kiếm, cử tạ, rowing, canoeing yêu cầu trang thiết bị để phục vụ tổ chức thi đấu. Vì nhiều lý do, trong đó có ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên khâu triển khai không như dự kiến, trang thiết bị chưa thể nhập vào Việt Nam do cửa khẩu phía nước bạn tạm đóng để phòng, chống dịch. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của các bên liên quan đã mang đến kết quả tích cực.

  Thảm đấu môn vật ở SEA Games 31 được nhập mới toàn bộ.

Đến trước thềm SEA Games 31, hầu hết trang thiết bị đều đã được nhập về Việt Nam để kịp vận hành phục vụ tổ chức thi đấu. Trang thiết bị điện tử ở môn điền kinh cũng kịp về Việt Nam trước ngày tổ chức Giải điền kinh tiền SEA Games 31, chỉ hơn nửa tháng trước khi diễn ra môn điền kinh tại SEA Games 31. Thực tế, để đội ngũ trọng tài, kỹ thuật viên Việt Nam vận hành thành thạo trang thiết bị cũng phải mất từ 3 đến 4 tháng. Do thời gian gấp rút, cả phía kỹ thuật của nhà cung cấp thiết bị cũng như đội ngũ kỹ thuật viên, trọng tài-những người thạo nhất Việt Nam về mảng này đã phải làm việc cả ngày đêm để vận hành đến mức tốt nhất có thể. Và những ngày qua, trên Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, hầu như không có trục trặc nào ở khâu vận hành thiết bị điện tử phục vụ tổ chức thi đấu môn điền kinh.

Môn bơi thuộc diện gấp rút nhất đối với việc lắp đặt trang thiết bị thi đấu. Chỉ ít ngày trước khi môn bơi tại SEA Games 31 khởi tranh, các khâu lắp đặt thiết bị điện tử phục vụ tổ chức thi đấu môn bơi mới hoàn tất. Hay như môn cử tạ, cũng phải đến sát ngày thi đấu, trang thiết bị mới được nhập về Việt Nam. Ngày 18-5, số lượng tạ mới đã được lắp đặt tại địa điểm thi đấu-Nhà văn hóa Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội, để chuẩn bị sẵn sàng cho ngày thi đấu đầu tiên (ngày 19-5).

Cũng liên quan đến hệ thống máy móc, bảng điện tử, môn vật lại được Liên đoàn Vật thế giới hỗ trợ đáng kể. Cách đây vài tháng, phía Ban tổ chức môn vật của SEA Games 31 trong đó có Liên đoàn Vật Việt Nam đã đề nghị Liên đoàn Vật thế giới hỗ trợ tổ chức và nhận được sự tạo điều kiện tối đa. Theo đó, Liên đoàn Vật thế giới chỉ yêu cầu nước chủ nhà bảo đảm tổ chức theo đúng chuẩn thế giới, còn trang thiết bị điện tử đến đội ngũ nhân viên kỹ thuật vận hành, điều hành chuyên môn, giám sát... sẽ được hỗ trợ. Vậy là hệ thống máy móc, điện tử được vận chuyển từ Thái Lan và lắp đặt tại Nhà thi đấu Gia Lâm (Hà Nội), nơi diễn ra môn vật và có riêng 4 chuyên gia vận hành. Điều này cũng giúp Ban tổ chức SEA Games 31 môn vật tập trung lo các phần việc khác thay vì làm quen với việc vận hành các thiết bị hiện đại. Ở đây cũng mang đến một góc nhìn khác về sự vận dụng tốt các mối quan hệ quốc tế của các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia, các chuyên gia quản lý môn này với liên đoàn thể thao thế giới. Từ đó mang đến những trải nghiệm tốt, hóa giải những bài toán khó trong công tác tổ chức.

Cũng nhờ vậy, những ngày diễn ra SEA Games 31, người hâm mộ đến Nhà thi đấu Gia Lâm thực sự choáng ngợp về cách bài trí, trang thiết bị hiện đại đúng chuẩn thế giới. Điều đó được ông Đào Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội nhận định “việc này đã góp phần nâng tầm SEA Games”.

Sẽ còn những điều phải bàn sâu, xem xét kỹ để có bài học kinh nghiệm cần thiết về công tác đầu tư trang thiết bị, phục vụ tổ chức thi đấu tại SEA Games 31. Nhưng ít nhất đến lúc này, công tác trên đã được vận hành khá trôi chảy sau khi Ban tổ chức SEA Games 31 cùng các ban, ngành nỗ lực chạy đua với thời gian nhanh chóng nhập về các trang thiết bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ đại hội ở mức tốt nhất.

Bài và ảnh: MINH NHẬT