Trong đó, đa số huy chương nghiêng về “phe” nữ. Có nhiều câu chuyện về phái nữ được Tiến sĩ Dương Đức Thủy (nguyên Trưởng bộ môn Điền kinh, Tổng cục Thể dục thể thao) "bật mí" dưới đây.

Quyết tâm thi đấu chứ không thể liều mạng

Mặc dù gặp nhiều khó khăn bởi đại dịch Covid-19, nhưng thời gian qua, các thành viên đội tuyển điền kinh Việt Nam đã tích cực tập luyện theo các phương án, điều chỉnh điểm rơi phong độ cho những ngày tranh tài SEA Games 31. Công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, nhưng không chỉ riêng tôi mà với bất cứ người làm chuyên môn nào, điều lo lắng nhất là chấn thương. Chấn thương là vấn đề nguy hiểm nhất, ảnh hưởng đến thành tích và tuổi đời VĐV. Không một ai dám vỗ ngực nói rằng mình không bị và không lo sợ chấn thương. Nhắc đến chấn thương thì câu chuyện Tú Chinh không dự SEA Games 31 vẫn còn nóng hổi. Ca phẫu thuật của Tú Chinh đã hoàn thành tốt và VĐV này đang bắt đầu quá trình hồi phục. Điều đáng nói, sau khi mổ, các bác sĩ nói rằng, vấn đề của Tú Chinh không phải mới xảy ra mà đã có từ trước. Tại sao Tú Chinh không điều trị dứt điểm chấn thương mà vẫn vừa tập luyện vừa chữa trị?

 Ông Dương Đức Thủy (giữa) cùng các thành viên đội tuyển điền kinh Việt Nam tại SEA Games 30 năm 2019.Ảnh: QUANG HUY. 

Còn nhớ ở SEA Games 30 năm 2019, VĐV đi bộ Nguyễn Thị Thanh Phúc đã không thể hoàn thành cự ly vì chấn thương. Khi sang Philippines, huấn luyện viên (HLV) của Thanh Phúc mới báo cáo lãnh đạo đoàn. Lúc đó mới biết Thanh Phúc bị chấn thương từ trước, HLV đã giấu thông tin này và không báo cáo. Trong khi đó, đã có quy định, khi VĐV bị chấn thương, nhất định phải được điều trị đến nơi đến chốn cho khỏi hẳn mới được tập luyện trở lại. Tôi luôn nói với các VĐV rằng, mình phải quyết tâm thi đấu chứ không thể liều mạng. Và nếu sớm được can thiệp kịp thời thì khả năng hồi phục sẽ rất lớn.

Cách đây khoảng 10 năm, Nguyễn Thị Oanh bị viêm cầu thận cấp tính. Tôi đã phải dùng biện pháp khá nặng là không tập trung Oanh nữa, yêu cầu đưa Oanh lên Bệnh viện Thể thao Việt Nam để VĐV này chuyên tâm chữa trị. Thời điểm đó, rất nhiều người đã oán trách tôi. Giờ nghĩ lại, nếu ngày ấy vì nể nang mà tôi giữ lại Nguyễn Thị Oanh thì liệu giờ VĐV này có vươn tới đỉnh cao sự nghiệp?

Chủ quan thì vẫn thua như thường

Tại SEA Games 31, đội tuyển điền kinh Việt Nam đặt mục tiêu giành từ 15 đến 17 huy chương vàng (HCV). Đây là nhiệm vụ không dễ dàng nhưng cũng không phải là không thể hoàn thành. Để làm được điều đó, các VĐV, HLV cần có sự chuẩn bị tốt, tận dụng ưu thế sân nhà và có đấu pháp hợp lý. Nên tránh các trường hợp hưng phấn quá, khi cần “giấu mình” thì vội tăng tốc để lộ bài. Rất nhiều VĐV chạy tốt đến 700m, nhưng khi đến cuối thì lại không duy trì được, thậm chí có VĐV chỉ cách đích 2m mà chủ quan thì vẫn thua như thường. Tôi vẫn ao ước điền kinh Việt Nam phải giành được 20 HCV trở lên tại đấu trường SEA Games. Muốn làm được điều đó thì đòi hỏi rất nhiều thứ từ việc tuyển chọn VĐV tài năng, hỗ trợ trang thiết bị hiện đại vào công tác phục hồi và điều trị chấn thương...

Cách đây gần một năm, tôi từng nói, bất kể quốc gia nào lấy được 15 HCV SEA Games thì sẽ nhất toàn đoàn. Thái Lan không giấu tham vọng trở lại vị trí số 1, dù có thông tin cho rằng họ chỉ đặt mục tiêu giành 11-13 HCV. Hãy làm một phép tính nhỏ, hai quốc gia mạnh nhất về điền kinh là Thái Lan và Việt Nam sẽ chiếm khoảng 30 HCV. Số 17 HCV còn lại được chia cho Malaysia, Indonesia, Singapore và Philippines. Lý thuyết là vậy, nhưng nếu chúng ta chủ quan trong quá trình thi đấu thì mọi chuyện đều có thể xảy ra. Vì vậy, điền kinh Việt Nam cần phải tỉnh táo, “biết người biết ta” thì mới mong hoàn thành được mục tiêu đề ra.

"Biết người" đó là VĐV phải tự biết tìm tòi, cập nhật thông tin các đối thủ, biết được mình sẽ tranh tài với những ai, thông số của họ khi tập luyện và thi đấu như thế nào. “Biết ta” là biết được khả năng của bản thân, biết lúc nào cần bám, lúc nào cần đuổi, lúc nào cần vượt mà tận dụng cơ hội để chiến thắng. Bên cạnh đó, không thể coi nhẹ vai trò của HLV. Khá nhiều giải trong nước, tôi đã từng chứng kiến nhiều HLV còn không thèm đi họp kỹ thuật trước ngày khởi tranh. Cuộc họp kỹ thuật trước giải là rất quan trọng, toàn bộ lực lượng của các đội tuyển đều được công khai, ai thi, ai bỏ. Thông qua đó ban huấn luyện phải nắm được nội dung mà VĐV mình phụ trách sẽ tranh tài ở lượt thứ mấy, sân nào, thi đấu với đối thủ nào?... từ đó mới cùng bàn bạc chiến thuật thi đấu sao cho hợp lý và hiệu quả. Ví dụ, những nội dung như nhảy cao hay nhảy sào, chúng ta cần theo dõi sát sao lần nhảy của các đối thủ, số lần rơi xà... Nếu các HLV lơ đãng, sơ sểnh sẽ không nắm được những lỗi của đối thủ, sẽ bỏ lỡ cơ hội...

Môn điền kinh SEA Games 31 chính thức khởi tranh vào ngày mai (14-5). Tôi cũng có đôi lời nhắn nhủ các VĐV hãy chuẩn bị thật chu đáo, kỹ lưỡng, tránh bất kỳ sai sót nào dù chỉ là nhỏ nhất. Ví dụ, tất cả vật dụng phục vụ thi đấu như giày, số đeo, thiết bị thi đấu... phải được kiểm tra và chuẩn bị đủ. Ngoài ra, cần tránh các lỗi đã quy định trong Luật thi đấu. Một khi vi phạm, ví như mang vật dụng không đúng quy định của ban tổ chức, sẽ khiến các em bị cảnh cáo, và sẽ dẫn đến tâm lý bị ảnh hưởng. Chúng ta đã mất bao nhiêu thời gian để chuẩn bị thì không thể để một sai sót nhỏ phá hỏng cuộc chơi.

Tiến sĩ DƯƠNG ĐỨC THỦY

(nguyên Trưởng bộ môn Điền kinh, Tổng cục Thể dục thể thao)