Sự giàu có và tính cạnh tranh cao của giải Ngoại hạng đã tạo điều kiện cho người Anh thoát dần khỏi tư duy và phong cách bảo thủ trước đây, gắn với việc mở cửa hết cỡ chiêu mộ tài năng đủ loại không chỉ trong khu vực Bắc Âu mà trên cả châu Âu và khắp thế giới. Bắt đầu của tất cả những điều ấy là bài toán học hỏi và phát triển, người Anh không phải là tự hạ mình khỏi sự kiêu hãnh xa xưa mà đã nâng mình lên bằng cách bung thả quyền sở hữu các CLB cho mọi thế lực, mọi ông chủ giàu có. Khi Chelsea về tay ông chủ người Nga A-bra-mô-vích, đội bóng này vụt trở thành một thế lực hàng đầu và lần đầu tiên đoạt ngôi vô địch giải Ngoại hạng và tiếp tục nắm giữ vương quyền nhiều mùa tiếp theo. Cũng từ đó, Chelsea lần đầu tiên chinh phục thành công châu Âu với ngôi vô địch Champions League, rồi Europa League.
Các cầu thủ bật nắp champagne ăn mừng chức vô địch Premier League 2016-2017. Ảnh: REUTERS.
Tiếp nối con đường Chelsea là sự thành công của Manchester City dưới tay của các ông chủ đến từ Trung Đông và Manchester United trong triều đại của đại gia Mỹ Glát-dơ. Ở mức độ chưa bằng các CLB nói trên nhưng Arsenal, Liverpool, Tottenham và những Everton, Southampton cùng những loại “nhỏ hơn” cũng được nâng cấp. Bây giờ, người ta không thể hình dung ra bóng đá Anh khi thiếu đi những HLV bậc thầy ngoại quốc như P.Guác-đi-ô-la, J.Mua-ri-nhô, A.Côn-tê, Pê-lê-gri-nô, J.Klốp… Người Anh và đông đảo công chúng hâm mộ giải Ngoại hạng càng không thể nói đến, không thể vui sướng và đau khổ cùng các CLB Anh mà thiếu đi những cái tên A-guê-rô, Đ.Xin-va, G.Giê-xút, Xan-chết, Pốc-ba, Đơ Broi-nơ, A.Tua-rê, Đ.Lu-ít, Đ.Hê-a, Va-len-xi-a, Phiếc-mi-nô, Cu-ti-nhô…
Sức hấp dẫn, bản quyền truyền hình ngày càng tăng giá trị, bài toán kinh tế được giải thành công, Premier League trở thành mẫu mực của kinh doanh bóng đá trong thời đại giải trí được truyền thông kỹ thuật số kích nổ trên phạm vi toàn cầu. Hệ quả tiếp theo là người Anh biết tự nhìn lại mình để vực dậy những tài năng bóng đá người Anh. Đã hơn nửa thế kỷ sau chức vô địch thế giới đầu tiên và duy nhất đến giờ, các lứa đội tuyển Anh cứ trì trệ và lẹt đẹt ở các vòng ngoài của các kỳ World Cup và cả Euro. Lý do thì đã rõ bởi chính sự phát triển theo hướng ngoại hóa đã đánh bật các tài năng bản địa ra khỏi đội hình chính các CLB. Và gây dựng lại từ đâu? Mùa hè năm 2017 này có vẻ cho thấy giới bóng đá Anh đã tìm ra câu trả lời. Chúng ta đã thấy các tuyển thủ Anh thi đấu ngang ngửa ra sao trước đội tuyển Đức trong trận bán kết giải U.21 châu Âu vừa diễn ra. Họ chỉ chịu thua Đức trong loạt sút luân lưu may rủi. Chúng ta cũng vừa được chứng kiến lứa U.20 của Anh lên ngôi lần đầu tại giải U.20 World Cup trên đất Hàn Quốc. Trước đó, tại Vòng chung kết U.17 châu Âu, tuyển trẻ Anh đã vào đến trận chung kết và chỉ chịu thua đội vô địch Tây Ban Nha cùng trong loạt “đấu súng”. Và ngày mai (2-7), Vòng chung kết U.19 châu Âu tại Gru-di-a, một đội trẻ khác của Anh cũng đã góp mặt. Điều đáng quan tâm hơn cả là những lứa tuyển trẻ này đã chơi được thứ bóng đá đa dạng, có phần mềm mại mà chững chạc cả thủ lẫn công.
Làm lại từ các tuyển trẻ, đương nhiên phải vậy, nhưng người Anh đã tìm ra cách phân phối cân đối sự đầu tư giữa bóng đá CLB và các đội tuyển. Các quan chức của Liên đoàn Bóng đá Anh cùng lãnh đạo các CLB đã đạt được thỏa thuận nhường quân trẻ, dự bị để tập trung huấn luyện và thi đấu. Đơn giản thôi, khi người ta giàu có cả về tiền bạc và tài năng thì cũng có thể (tuy không dễ dàng) hào phóng hơn.
Tuy nhiên, dù đã có rất nhiều đổi thay, song bóng đá Anh đâu đã thoát ra hẳn sự bảo thủ cố hữu. Hay nói cách khác là bản sắc của bóng đá Anh chưa thể mất đi. Hãy xem lại từng trường hợp. Vì sao A.Xan-chết, Ph.Cu-ti-nhô, Phiếc-mi-nô, Đơ Broi-nơ… được vời đón và phát huy? Trước hết là tốc độ và thể lực-yêu cầu đầu tiên và cơ bản nhất để tồn tại ở xứ Sương mù. A.Va-len-xi-a của MU chẳng hạn, không có những pha leo biên như gió lốc bên hành lang phải, đồng thời lại thoắt trở về vị trí hậu vệ, cầu thủ người Ê-cu-a-đo này đã phải biến khỏi đội hình Quỷ đỏ từ lâu rồi. Còn những Phéc-nan-đi-nô, Ay-a Tua-rê, Ê-rích-xen, Ma-tích, Uy-li-am… không mạnh mẽ sao họ có thể trụ nổi ở tuyến giữa để tranh chấp, để lên công về thủ.
Và cuối cùng, không có chiều cao, không có sức tì đè những Đ.Cô-xta, I-bra-hi-mô-vích không thể đảm nhiệm nổi vị trí tiền đạo cắm chứ đừng nói chuyện gánh nổi nhiệm vụ ghi bàn chủ lực…
Nghĩa là bóng đá Anh vẫn giữ lấy thứ bảo thủ bản sắc của họ: Tốc độ, mạnh mẽ, lật cánh, đánh đầu.
ANH NGUYỄN