Năm 2015, khi gói bản quyền giải Ngoại hạng Anh 3 mùa giải 2016-2017, 2017-2018, 2018-2019 được bán với giá 7,8 tỷ USD, ông Scudamore, Trưởng ban tổ chức Premier League tự tin khẳng định: “Tôi cho rằng giải ngoại hạng là mặt hàng xuất khẩu tuyệt vời của Vương quốc Anh. Giải đấu này mang tới cái nhìn tích cực trên toàn thế giới về sự phồn thịnh, công bằng, tự do của Vương quốc Anh”.

Nói có sách mách có chứng, ông Scudamore lý giải: “Bản quyền La Liga phần lớn thuộc về Real Madrid, Barca; ở Serie A thì Juventus, Milan, Inter, Roma, Napoli chia nhau phần lớn bản quyền truyền hình, trong khi ở giải Ngoại hạng Anh, chúng tôi “cào bằng”. Có chăng tổng thu nhập của Man City, Chelsea, Liverpool, MU… cao hơn là nhờ vào số lần xuất hiện của đội bóng trên truyền hình”.

MU trả cho Sanchez mức lương 450.000 bảng/tuần, và Bloomberg dự báo ngày cầu thủ ở giải Ngoại hạng Anh nhận lương tuần 1 triệu bảng không còn xa. Ảnh: Getty Images.

Mùa giải 2016-2017, số tiền cứng mỗi đội nhận được khi thi đấu ở giải Ngoại hạng Anh là 84,4 triệu bảng. Theo đó, đội cuối bảng Sunderland nhận tổng cộng 99,9 triệu bảng; đội vô địch Chelsea nhận 152,3 triệu bảng. Mùa giải này, tân vô địch Man City nhận tổng cộng 160 triệu bảng từ 3 khoản: Tiền cố định ra sân, tiền xếp hạng (cho vị trí số 1) và doanh thu từ truyền hình.

Nhưng số tiền Man Xanh thu về từ ba khoản trên chưa thấm vào đâu so với số tiền mà họ và 19 đội bóng còn lại được nhận từ Ban tổ chức Premier League cho mùa giải 2018-2019, đó là 170 triệu bảng/đội, trong đó khoản tiền lớn nhất là phần được chia từ bản quyền truyền hình.

Do vậy, trận đấu tranh vé lên chơi ở Premier League giữa Fulham và Aston Villa vào ngày 26-5 tới, tại sân Wembley được xem là trận đấu đắt giá nhất trong năm.

Từ năm 1992 tới nay, bản quyền giải Ngoại hạng Anh tăng với tốc độ phi mã. Giai đoạn 1992-1997 có giá 219 triệu USD; 1997-2001 chẵn 1 tỷ USD… và chạm mốc 4,6 tỷ USD cho giai đoạn 2013-2016. Hãng tin tài chính Bloomberg dự đoán, từ năm 2019 đến 2022, giá bản quyền Ngoại hạng Anh có thể chạm mốc 10,5 tỷ USD.

Khi bản quyền giải Ngoại hạng Anh thu về 7,8 tỷ USD giai đoạn 2016-2019, Ban tổ chức Premier League đã nhận được không ít “gạch đá”. Nhiều chuyên gia cho rằng các đội bóng ở Anh nên giảm giá vé, tái đầu tư nhiều hơn nữa cho các công trình phúc lợi xã hội. Giới tài chính London tin rằng đã đến lúc Chính phủ Anh cần xem lại cách đánh thuế vào giới cầu thủ siêu giàu.

Mặc cho Chính phủ Anh đang đau đầu trước loạt đề nghị đánh thuế đặc biệt vào các đội bóng, các cầu thủ ngôi sao, Trưởng ban tổ chức Premier League Scudamore tin rằng: “Các đội bóng ở Ngoại hạng Anh nhận được những gì xứng đáng thuộc về họ. Chúng ta không thể kêu gọi các đội bóng phải chăm làm từ thiện, dù rằng ở nước Anh, các đội bóng đã có truyền thống làm từ thiện hàng bao đời nay. Chính HLV Ferguson đã từng lên tiếng: “CĐV hẳn sẽ không hài lòng nếu giữa tuần MU đi làm từ thiện để đến cuối tuần, đội bóng lại đánh rơi chiến thắng”. Có thể khẳng định các đội bóng đã phải vất vả trong hàng chục năm qua để giải đấu trở thành mặt hàng xuất khẩu tuyệt vời của Vương quốc Anh”.

VŨ THU