Đức là đội bóng có độ tuổi trẻ nhất ở EURO 2016. Ảnh: UEFA.
1. Mọi giải đấu đều có những bước cải tiến và có những sự thay đổi tạo ra hiệu ứng tích cực hoặc tiêu cực. EURO được coi là giải đấu đi đầu trong việc “cách mạng” và từ đó tạo ra những khác biệt mang tính chu kỳ. Từ năm 1960, khi giải EURO đầu tiên được tổ chức, chỉ có 4 đội tham dự, nó chẳng mang nhiều hình hài một giải đấu. Tới năm 1980, tức là 20 năm sau, EURO thực sự mang đúng ý nghĩa với số đội tăng gấp đôi. 16 năm sau, EURO có 16 đội tham dự, tạo được sự đột phá và sức cạnh tranh, tính hấp dẫn. Và cũng tròn 20 năm sau, EURO tăng lên 24 đội. Nhưng lần này, có vẻ như nó sẽ khó mà mang đến sự kịch tính, hay bắt đầu một cột mốc mới nào đó, mà thay vào đó đây là sự bắt đầu của một kỷ nguyên EURO đậm toan tính, nhất là về lợi nhuận. Âu cũng là sự vận hành tất yếu của bóng đá châu Âu. Tuy nhiên, dù có bao nhiêu đội tham dự đi nữa thì những nguyên tắc chung của EURO vẫn được giữ nguyên. Đầu tiên là nguyên tắc: Độ tuổi nào sẽ có nhiều khả năng đăng quang?
Lịch sử EURO cho thấy, đội tuyển trẻ nhất vô địch EURO là Tây Đức năm 1980, khi đó, tuổi trung bình của họ là 24,55. Đội hình Tây Đức lúc đó gồm một thế hệ trẻ tài năng như Mu-lơ, Ru-mê-ni-giơ… Đội tuyển già nhất vô địch EURO là Hy Lạp năm 2004 với tuổi trung bình 28,35. Tính trung bình độ tuổi của các đội tuyển từng vô địch EURO, ta có con số 26,5. Ở giải năm nay, tuổi trung bình của 24 đội tuyển là 27,17, đây cũng là lực lượng tuổi trung bình trẻ nhất lịch sử EURO. Và nếu tuân theo độ tuổi của những nhà vô địch thì năm nay sẽ chỉ có những đội tuyển được đánh giá cao tiệm cận ở độ tuổi này, gồm: Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Điển, Áo, Xứ Gan, Đức, Bỉ, Anh.
2. Để sàng lọc tiếp, chúng ta dựa vào quy luật cúp châu Âu. Kể từ EURO 1992, có một sự trùng hợp giữa Champions League và EURO. Kỳ EURO 1992, Barca lần đầu tiên đăng quang ngai vàng châu Âu cấp CLB. Khi đó, Barca được xem là hiện tượng, kẻ thống trị mới. Và kỳ EURO năm đó, đội vô địch được coi là “nhà vua” phi lý nhất mọi thời đại: Đan Mạch, đội tuyển bị loại nhưng có suất nhờ thế chỗ Nam Tư. Đến năm 1996, Juventus giúp I-ta-li-a thống trị châu Âu thì EURO năm đó người Đức mới là đội vô địch. 4 năm sau, Real Madrid và Tây Ban Nha hoàn toàn phủ bóng tại Champions League với trận chung kết nội bộ (với Valencia), thì ở EURO đó, Tây Ban Nha thất bại và Pháp mới là đội vô địch. Năm 2004, Porto tạo ra cú sốc khi giành Champions League thì EURO 2004, Hy Lạp cũng trở thành nhà vô địch khó tin nhất sau Đan Mạch, khép lại năm của hiện tượng. Đến năm 2008, Man Utd và Chelsea giúp Anh hoàn toàn khống chế Champions League thì năm đó ở EURO, Tây Ban Nha mới là nhà vô địch. 4 năm sau vẫn là người Anh vô địch Champions League (Chelsea) và EURO năm đó, Tây Ban Nha bảo vệ thành công "ngai vàng".
Điều đó có nghĩa, nếu vào năm Champions League diễn ra bất ngờ thì EURO năm đó mới có sốc. Và nhà vô địch Champions League, quốc gia thống trị giải đấu cấp CLB chẳng liên quan gì đến đội vô địch EURO. Có nghĩa năm nay, Tây Ban Nha sẽ bị loại khỏi cuộc chiến (chung kết Champions League năm nay giữa 2 CLB Tây Ban Nha là Real và Atletico). Hơn nữa, tổng số thời gian các tuyển thủ Tây Ban Nha dự EURO năm nay đã thi đấu ở CLB mùa giải vừa qua là: 82.413 phút (trung bình 3.583 phút/cầu thủ), nhiều nhất trong số các đội tuyển dự EURO. Như vậy, đội vô địch năm nay sẽ không phải một hiện tượng hay một gương mặt mới mà chỉ là một trong số những đội đã kể ở trên: Pháp hoặc Đức. Anh sẽ bị loại bởi họ chưa từng vô địch EURO.
3. Khi đã chọn được 2 đội tuyển dựa vào những tiêu chí kể trên, chắc hẳn đây sẽ là cặp đấu tạo ra trận chung kết hấp dẫn nhất. Nhưng chúng ta cần chỉ ra đội vô địch. Và đây sẽ là yếu tố quyết định. Pháp đã vô địch cả 2 giải gần nhất họ là chủ nhà: EURO 1984 và World Cup 1998. Sau khi vô địch EURO lần đầu tiên năm 1984, họ tiếp tục lên ngôi ở EURO 2000, tức là 16 năm sau đó. Và tính từ chức vô địch năm 2000 đến giờ, Pháp cũng đã đợi đúng 16 năm. Liệu chăng, Pháp sẽ là nhà vô địch? Chúng ta hãy chờ xem.
Nhà báo Vũ Công Lập chia sẻ: “EURO 2016, tôi chọn đội Đức. Đây là đội tuyển tôi đánh giá cao bởi nhiều lý do. Thứ nhất là tài ứng phó của Đức sau những tai biến như mất người, thua trận với kế hoạch B rất tốt. Thứ 2 là lực lượng được xây dựng trên cơ sở đường dài có tính hệ thống, không chỉ cho 1 giải đấu mà cho nhiều giải. Thứ ba là lối chơi đã thay đổi nhiều, có nhiều phương án hơn và điều này vẫn là một bí ẩn khó đoán, thử thách cho các đối thủ khác và chúng ta sẽ cần thời gian để nhận diện dần sau từng trận. Cuối cùng là không khí nội bộ của đội rất tốt, đây cũng chính là 1 yếu tố để HLV Hoa-kim Lớp chọn người. Người đó phải tạo ra được không khí tốt đẹp, gần gũi và thân thiện cho đội tuyển, tạo được bộ mặt tích cực. Đấy cũng là lý do ông vẫn chọn Pô-đôn-xki, dù anh này đã không còn ở thời đỉnh cao”.
GIANG TRUNG