Chỉ có thể là khi trái bóng tròn EURO 2016 lăn trên sân cỏ nước Pháp, thì người Pháp mới có những niềm cảm hứng, thăng hoa mãnh liệt đến thế. Và Louvre, nơi trưng bày những hiện vật nổi tiếng của Pháp và thế giới, cũng đã được hít thở bầu không khí bóng đá, không khí EURO khi người ông hóa thành thủ môn chơi bóng cùng cháu.
Hai ông cháu đã có một buổi chiều đáng nhớ ở Louvre.
Tôi đoán nhà hai ông cháu cũng ở quận 1, thủ đô Pa-ri thôi, vì họ đủng đỉnh đi bộ vào Louvre, sau đó chơi bóng bên cạnh cánh cửa ra vào dễ có đến mấy trăm tuổi. Đằng sau cánh cửa giản đị đó, là cả một chiều dài lịch sử… Louvre là một viện bảo tàng nghệ thuật nằm ở quận 1, thành phố Pa-ri, bên bờ sông Seine, vốn là một pháo đài được vua Philippe Auguste cho xây dựng vào năm 1190. Cuối thế kỷ 14, dưới thời Charles V, Louvre trở thành cung điện hoàng gia và sau đó tiếp tục được mở rộng qua các triều đại. Từ năm 1672, khi triều đình Pháp chuyển về lâu đài Versailles, bộ sưu tập hoàng gia được lưu trữ tại Louvre. Thời kỳ Cách mạng Pháp, cung điện trở thành bảo tàng, mở cửa ngày 10 tháng 8 năm 1793.
Cuối tuần, trong khi chờ xem trận chung kết EURO 2016, dân Pháp và khách du lịch đến Louvre rất đông để chiêm ngưỡng những kiệt tác của thế giới. Với diện tích 210.000m2, Louvre trưng bày 35.000 (trên tổng số 380.000 hiện vật). Trong bộ sưu tập của Bảo tàng Louvre hiện nay có những tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của lịch sử nghệ thuật, như: Tượng thần Vệ Nữ, tượng thần chiến thắng Samothrace, cùng các hiện vật giá trị về những nền văn minh cổ, như phiến đá ghi bộ luật Hammurabi, tấm bia Mesha… Ước tính một năm, Bảo tàng Louvre đón gần 10 triệu lượt khách tham quan, trở thành bảo tàng hút khách số 1 thế giới.
Sau khi đi tham quan một góc Louvre, tôi vẫn bắt gặp hai ông cháu đang chơi bóng. Với họ, Louvre dường như quá quen thuộc, là một phần trong cuộc đời. Cậu bé không giật tay ông, bắt ông dẫn đi xem những hiện vật nổi tiếng ở Louvre, mà chỉ cần ông chơi với mình, bằng một quả bóng vô cùng giản dị. Trái bóng tròn, vốn không được trưng bày trong lòng Louvre, nhưng đã trở nên sống động hơn bao giờ hết khi là cây cầu kết nối hai thế hệ già-trẻ, kết nối sự thương yêu, kết nối những tâm hồn.
Bài và ảnh: HOÀNG LINH (từ Pa-ri)