Từ thành quả đó, Bundesliga sẽ là giải đấu sớm nhất của bóng đá châu Âu trở lại vào cuối tuần tới. Người Đức coi đó là niềm tự hào và cùng chia sẻ với châu Âu và thế giới. Niềm vui của bóng đá sẽ không chỉ giúp các câu lạc bộ (CLB) vơi đi sự thiệt hại về tài chính mà quan trọng hơn là giúp người hâm mộ xoa dịu cơn sang chấn tâm lý vì nỗi lo  dịch bệnh.

Đương nhiên sự trở lại của bóng đá Đức cũng như của các nền bóng đá châu Âu nếu có thể đều diễn ra trong trạng thái “sống chung với dịch”, gắn với những khó khăn về tài chính và quy định nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn. Vì vậy tất cả các CLB đều phải vừa có những giải pháp tình thế đặc biệt cho giai đoạn kết thúc mùa giải, vừa phải lo toan cho sự tồn tại trong tương lai “hậu Covid-19”. Không một CLB nào không buộc phải thực hiện cuộc xoay chuyển chiến lược toàn diện. Đó là chiến lược ra khỏi dịch bệnh an toàn nhiều mặt, còn người còn của, và ra khỏi thời bóng đá kim tiền đã bùng phát cực mạnh trong hơn một thập kỷ qua.

Có thể nói chiến lược ấy có chung một mục tiêu, một phương châm là “thắt lưng buộc bụng” với hàng loạt chiến thuật phức tạp, nói cho dễ hiểu là tăng bán, giảm mua, năng mượn và triệu hồi sau cho mượn, cuối cùng là đôn trẻ.

Với các CLB hàng đầu của Bundesliga như Bayern Munich và Dortmund, vốn kiểu gì thì họ vẫn cơ bản vững như bàn thạch bởi cấu trúc tổ chức và tài chính không quá đáng lo, song các CLB lớn khác ở châu Âu thì phức tạp hơn nhiều. Trước hết hãy cảnh giác với các loại tin đồn. Không biết bao nhiêu địa chỉ đại gia đã được kết nối xung quanh các cầu thủ xuất sắc đang nổi như cồn, như T.Werner của RB Leipzig, R.Sancho (Dortmund), K.Mabappe (PSG), L.Martinez (Inter Milan)... Nhưng vì sao Liverpool không xuống tiền ngay cả khi khoản giải phóng hợp đồng của T.Werner chỉ là 20 triệu bảng Anh nếu kích hoạt trước tháng 5? Đơn giản là đội bóng hay nhất của giải Ngoại hạng Anh lúc này đã phải chủ động thắt chặt hầu bao. Thông tin mới nhất, hè này, về cơ bản Liverpool sẽ hầu như không mua tân binh.

Khác với đội bóng chủ sân Anfield vốn có lực lượng đủ mạnh, đội nửa đỏ thành Manchester giàu có hơn, song đội hình xộc xệch nhiều năm qua cho thấy không thể đủ cho tham vọng trở lại đỉnh cao của họ. Tất yếu MU phải mua sắm một số vị trí chất lượng hàng đầu. Và để có tiền cho những thương vụ đó, trước hết “Nhà hát của những giấc mơ” phải biến thành cửa hàng bán hàng hạ giá. Chẳng có Covid-19 thì bản hợp đồng cực hớ A.Sanchez cũng đã phải lót lá dắt tay đẩy đi huống chi là bây giờ. Hết mùa này, Sanchez sẽ bị Inter trả lại sau một năm cầu thủ Chile này thực sự là kẻ chầu rìa ở đội bóng của Serie A. Đương nhiên giá của Sanchez sẽ giảm thê thảm, MU hy vọng cao nhất cũng chỉ có thể kéo về được khoảng 14 triệu bảng Anh. Ngoài trường hợp đặc biệt A.Sanchez là hàng loạt cái tên mà cổ động viên MU đã chán ngấy như các tiền vệ J.Lingard, A.Pereira; còn nữa là các hậu vệ M.Rojo, P.Jones... Giá của các món hàng này chỉ loanh quanh mươi triệu, thậm chí ít hơn nhiều. May cho MU, trung vệ C.Smalling họ cho AS Roma mượn lại được đội bóng Italy trọng dụng và có thể chi trả nên MU không phải đưa anh lên sàn giao dịch. Tất nhiên số tiền thu được từ những cuộc bán tống bán tháo chẳng đáng bao nhiêu nên cái tên P.Pogba đã được tính đến. Cầu thủ từng lập kỷ lục chuyển nhượng 89 triệu bảng Anh khi MU mua lại từ Juventus giờ chỉ còn khoảng 70 triệu bảng, song đó vẫn là món tiền cao nhất để gom góp cùng mớ hàng thải đem lại tổng số khoảng 150 triệu bảng. Số tiền này còn xa mới đủ cho những ước vọng H.Kane hay Sancho, nhất là khi những chủ sở hữu các “bom tấn” đó thừa biết cách lợi dụng cơn thèm khát của đội bóng trong tay các ông chủ người Mỹ để làm giá, ăn dày.

Giống với đội bóng xứ sương mù, trên bán đảo Iberia, các gã khổng lồ Real, Barca trước hết cũng chỉ lo thanh lý, duy có điều khác là hàng của họ đều là những tên tuổi sáng giá. Của Real là những G.Bale, L.Modric, J.Rodriguez, D.Cebalos... Của Barca là những P.Coutinho, S.Umtiti, I.Rakitic... Thay vì những siêu sao là các cầu thủ trẻ, sản phẩm họ tự đào tạo ra, bỏ tiền đầu tư “gặt lúa non” trong thời gian qua và đem cho mượn. Chỉ tính cơ số hiện tại, Real đã thừa đủ để lấp vào các vị trí sẽ trống. Họ là những F.Valverde, R.Goes, Vinicius, L.Jovic, E.Militao... Còn đội hình cho mượn cũng đầy rẫy những triển vọng sáng sủa như hậu vệ A.Hakimi (tại Dortmund), tiền vệ M.Odegaard (Real Sociedad)... Với Barca, dù lò La Masia những năm gần đây không cung cấp được nhiều sản phẩm đặc sắc, song số cầu thủ chơi được cũng không hề ít. Barca đã đôn lên đội 1 những R.Puig, A.Collado, R.Araujo, A.Fati. Còn nữa là I.Pena, Mochu.

Vậy là bức tranh tới đây của các đế chế châu Âu sẽ không phải là những “đội hình trong mơ”, không phải “dải thiên hà” mà sẽ chỉ là những dàn sao trẻ. Tình cảnh “liệu cơm gắp mắm” không chỉ là bắt buộc với "nhà nghèo" mà các ông lớn cũng phải tính đến. Song, biết đâu đấy, một thế hệ trẻ sẽ làm tươi mới bóng đá châu Âu sau đại dịch.

NGUYỄN ANH