Công tác giáo dục chính trị (GDCT) tại đơn vị là một hình thức cơ bản của công tác tư tưởng văn hóa; một nội dung cơ bản của nhiệm vụ huấn luyện bộ đội, có ý nghĩa quyết định đến việc xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học, bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, tư tưởng, nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật, giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ của quân nhân. Qua đó, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Đây cũng là một nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên của các tổ chức trong đơn vị và của mọi cán bộ, chiến sĩ, trước hết là chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp. Vì vậy, nâng cao chất lượng công tác GDCT là trực tiếp góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc.

Ngày 23/7/2013, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 2677/QĐ-BQP phê duyệt Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”. Sau đó, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị đã ban hành Hướng dẫn số 2345/HD-TH ngày 11/10/2013 về việc quán triệt, triển khai thực hiện Đề án. Nhận được các văn bản của trên, Đảng ủy Tổng cục Hậu cần đã xác định đây là dịp để nâng cao chất lượng công tác GDCT tại các cơ quan, đơn vị của Tổng cục, do đó đã khẩn trương xây dựng kế hoạch, hướng dẫn chi tiết, tổ chức tập huấn cho cơ quan chức năng các đơn vị từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên. Sau khi đã thống nhất, Đảng ủy Tổng cục đã triển khai toàn diện, đồng bộ nội dung của Đề án tới các cơ quan, đơn vị. Cấp ủy, người chỉ huy các đơn vị trong Tổng cục Hậu cần đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức chặt chẽ công tác GDCT, bảo đảm hoạt động có nền nếp, đúng quy chế, quy định. Cơ quan chính trị các cấp đã làm tốt công tác tham mưu, phối hợp, hướng dẫn xây dựng kế hoạch, định hướng hoạt động, tổ chức thực hiện và kiểm tra, đánh giá kết quả.

Qua 2 năm triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới công tác GDCT tại đơn vị trong giai đoạn mới” trong Tổng cục Hậu cần, bước đầu đạt được một số kết quả tích cực. Đó là:

Về đổi mới chương trình, nội dung GDCT.

Đã có sự đổi mới, nâng cao một bước theo hướng cơ bản, hệ thống, thống nhất, thiết thực, có kế thừa, phát triển. Nội dung GDCT do đơn vị tự xác định, đã bám sát đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, coi trọng những nội dung cơ bản, thiết thực, có trọng điểm trong hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng và Nhà nước, tình hình, nhiệm vụ của Quân đội, của Tổng cục để giáo dục cho các đối tượng; làm rõ đối tượng, đối tác, bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng. Kết hợp hài hòa nội dung giáo dục chủ nghĩa yêu nước, truyền thống, bản sắc dân tộc; tăng nội dung, thời lượng phổ biến giáo dục pháp luật; giáo dục chuẩn mực về đạo đức, lối sống, thực hiện việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; từng bước trang bị những kiến thức cần thiết về kinh tế, khoa học, văn hóa, xã hội, nhất là về kỹ năng sống, văn hóa ứng xử, giao tiếp cho bộ đội. Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập từng bước được đổi mới để phù hợp với nội dung, chương trình và đối tượng. Ngày 24/6/2014, Cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần có Hướng dẫn số 511/HD-CT, thực hiện điểm về đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả GDCT tại Bệnh viện Quân y 354, vận dụng các hình thức kiểm tra, đánh giá nhận thức chính trị theo hướng mở, sử dụng phương pháp trắc nghiệm. Kết quả cho thấy, cách làm này đã thu được kết quả tích cực.

Về đổi mới hình thức, phương pháp GDCT.

Trên cơ sở đổi mới toàn diện, đồng bộ các hình thức GDCT, các cơ quan, đơn vị đã coi trọng đổi mới về phương pháp, kết hợp chặt chẽ giữa GDCT cơ bản với giáo dục truyền thống, phong trào thi đua và các cuộc vận động. Hình thức giảng dạy, thảo luận có sự cải tiến, kết hợp nhiều phương pháp truyền đạt. Chú trọng giữa thuyết trình với việc sử dụng trình chiếu powerpoint để truyền tải nội dung; coi trọng sử dụng phương pháp đàm thoại trong quá trình giảng bài. Thực hiện cán bộ giảng dạy nêu câu hỏi dưới dạng trắc nghiệm hoặc phân tích tự luận để người học tranh luận, sau đó kết luận vấn đề thành nội dung học tập. Sử dụng phương pháp trực quan thông qua hình ảnh, mô hình, minh họa (sơ đồ hóa nội dung, tích hợp hệ thống thông tin tư liệu); sử dụng băng đĩa hình, phim tài liệu bổ trợ theo các chủ đề bài học... Tổ chức cán bộ giảng dạy theo hướng chuyên sâu và luân phiên giảng dạy cho các đơn vị; vận dụng nhiều hình thức, phương pháp kiểm tra, trong đó sử dụng 2 phương pháp chủ yếu là: kiểm tra vấn đáp và kiểm tra viết, từng bước vận dụng kiểm tra trắc nghiệm để đánh giá toàn diện hệ thống kiến thức, trình độ hiểu biết, lập trường tư tưởng, thái độ chính trị của các đối tượng.

Về đổi mới công tác bảo đảm.

Trong điều kiện kinh phí, tài liệu, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác GDCT còn hạn hẹp, các đơn vị đã tiết kiệm tối đa, sử dụng đạt hiệu quả cao nhất.  Nguồn ngân sách, vật tư trang thiết bị được các cơ quan, đơn vị sử dụng đúng mục đích, quy định. Có đơn vị đã chủ động trích quỹ vốn để bổ sung cho công tác này.

Có thể nói, qua 2 năm triển khai thực hiện, Đề án đổi mới công tác GDCT đã đạt được nhiều kết quả rất khả quan, tích cực. Nhờ đó, nền nếp công tác GDCT ở các đơn vị được duy trì nghiêm; tình hình tư tưởng của bộ đội ổn định; tuyệt đại đa số cán bộ, chiến sỹ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Song bên cạnh đó,  vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, đó là: Một số đơn vị duy trì chế độ học tập chính trị chưa nghiêm; hình thức, phương pháp GDCT còn đơn điệu, khả năng sư phạm của một số đồng chí còn hạn chế.  Việc kết hợp giữa lên lớp với giáo dục trực quan, tham quan, ứng dụng công nghệ thông tin, bài giảng điện tử còn hạn chế...

Để nâng cao chất lượng thực hiện Đề án trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục cần làm tốt một số nội dung, biện pháp sau:

Một là, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên (CU, CTV), người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp cần tiếp tục quán triệt, nắm sâu, kỹ nội dung của Đề án, nâng cao trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, bảo đảm theo đúng quy chế, quy định, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đơn vị. 

Quá trình triển khai thực hiện phải tiến hành toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; kế thừa, phát triển các nội dung, hình thức, phương pháp đã được khẳng định trong thực tiễn và phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị. Đồng thời, tiến hành đồng bộ các giải pháp, đột phá vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo; gắn đổi mới công tác GDCT với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khóa XI), Chỉ thị 317 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng công tác huấn luyện giai đoạn 2013 – 2020. Trong quá trình quán triệt, các đơn vị cần chú ý đánh giá đúng thực trạng công tác GDCT, chỉ rõ khuyết điểm, nguyên nhân, trách nhiệm, xác định trọng tâm công tác trong thời gian tới; khắc phục nhận thức không đúng, thiếu sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác GDCT.

Hai là, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng và CU, CTV, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp.

Các cấp ủy, tổ chức đảng phải coi đổi mới công tác GDCT là một trọng tâm, cần được lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc; đồng thời, phải được kết hợp chặt chẽ với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy. Cấp ủy, CU, CTV, người chỉ huy phải chủ động xây dựng kế hoạch, xác định nội dung, phân công công tác phù hợp với chức trách, nhiệm vụ. Mặt khác, phải xây dựng quy chế phối hợp giữa cơ quan chính trị với cơ quan tham mưu và các cơ quan khác; nhằm phát huy có hiệu quả trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong công tác GDCT một cách thống nhất, nhưng không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Hằng năm, lấy kết quả GDCT là một nội dung cơ bản để đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng; gắn đánh giá kết quả GDCT với xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện; kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, có nhiều thành tích trong công tác GDCT tại đơn vị.

Ba là, tích cực đổi mới đồng bộ chương trình, nội dung, hình thức, phương pháp GDCT tại đơn vị. 

Chương trình, nội dung GDCT phải bảo đảm tính toàn diện, hài hòa về khối lượng kiến thức, coi trọng nội dung cơ bản, thiết thực, tập trung vào giáo dục quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước; nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; nhiệm vụ bảo đảm hậu cần quân đội; âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, truyền thống của quân đội, đơn vị... Đồng thời, cần tăng nội dung, thời lượng phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn mực về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các kiến thức cần thiết khác liên quan đến nhận thức, tư tưởng của bộ đội. Về nội dung GDCT từng đơn vị tự xác định, chú ý lựa chọn những nội dung sát thực tế, phù hợp với nhu cầu nhận thức của đối tượng. Cán bộ cấp trên cần chủ động định hướng nội dung giáo dục cho cán bộ cấp dưới; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ phân đội.

Bốn là, đổi mới công tác bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực của đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị tại đơn vị.

Trước hết, các cơ quan, đơn vị phải động viên, phát huy tinh thần tự học tập, nghiên cứu, trau dồi kiến thức của các cán bộ làm công tác GDCT. Đồng thời, chú trọng công tác bồi dưỡng tại chức, theo hướng: cấp trên bồi dưỡng cho cấp dưới, cán bộ có kinh nghiệm bồi dưỡng cho cán bộ mới ra trường; bồi dưỡng thông qua các hội thi, hội thao, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm. Nội dung bồi dưỡng phải toàn diện, nhưng có trọng điểm; gắn trang bị kiến thức cơ bản với tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng thuyết trình, diễn giảng, thảo luận, nêu vấn đề, vận dụng lý luận vào thực tiễn...

Năm là, phát huy sức mạnh tổng hợp để nâng cao chất lượng công tác GDCT tại đơn vị. 

Cùng với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, cán bộ chủ trì, các đơn vị cần phát huy tốt vai trò của các tổ chức quần chúng, các lực lượng, phương tiện; nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa ở cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa - giáo dục lành mạnh. Kết hợp chặt chẽ với các biện pháp quản lý hành chính, duy trì kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở, chủ động dự báo, định hướng, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh. Chăm lo bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, tạo sức mạnh tổng hợp tác động tích cực vào quá trình tổ chức GDCT tại đơn vị.

Thực hiện tốt các giải pháp trên đây sẽ góp phần đưa nội dung Đề án “Đổi mới công tác GDCT tại đơn vị trong giai đoạn mới” đi vào thực tiễn, qua đó nâng cao chất lượng công tác GDCT tại cơ quan, đơn vị, thiết thực xây dựng Tổng cục Hậu cần vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Đại tá NGUYỄN VĂN CƯỜNG (Chủ nhiệm Chính trị TCHC)